Cuộc đua vì hành trình xanh

KIM OANH 01/05/2021 05:59

Ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông, góp phần khiến hàng triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm. Nhiều dự án về phát triển xanh, bền vững và thân thiện môi trường trong lĩnh vực này ra đời. 

Con tàu Energy Observer chạy bằng năng lượng hydro đầu tiên trên thế giới. Ảnh: boatinternational
Con tàu Energy Observer chạy bằng năng lượng hydro đầu tiên trên thế giới. Ảnh: boatinternational

Mới đây, nhà sản xuất Alsom (công ty đa quốc gia tại Pháp) ra mắt thế hệ tàu chở khách không khí thải đầu tiên trên thế giới. Sau thời gian thử nghiệm trên đường ray dài 123km ở Lower Saxony (Đức), các chuyến tàu thương mại sẽ chính thức bắt đầu vào năm tới.

Theo đó, 14 chuyến tàu chở khách Coradia iLint của Alstom sẽ chạy trên tuyến khu vực giữa Buxtehude, ngoại ô Hamburg và thị trấn bãi biển Cuxhaven của Đức. Nhà cung cấp thiết bị đường sắt lớn thứ hai thế giới này cũng vừa nhận được các đơn đặt hàng từ đường sắt quốc gia của Pháp và Italia.

Alstom dự kiến ​​hơn 5.000 tàu hỏa chở khách chạy bằng dầu diesel ở châu Âu sẽ phải được thay thế bằng nhiên liệu sạch vào năm 2035. Theo các nhà phân tích của Morgan Stanley, thị trường công nghệ chạy bằng hydro ở đường sắt châu Âu có thể trị giá từ 24 tỷ đến 48 tỷ USD vào giữa thế kỷ 21 để đáp ứng mục tiêu về khí hậu. 

Trong lĩnh vực đường bộ, các hãng ô tô cũng bước vào cuộc đua công nghệ thân thiện với môi trường. Như vào đầu tháng 4.2021, công ty khởi nghiệp sản xuất ô tô Polestar (Thụy Điển) thông báo dự án Polestar 0, tức xe ô tô điện trung tính các-bon đầu tiên trên thế giới sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030.

Giám đốc điều hành của Polestar, Thomas  Ingenlath nói: “Chúng tôi quan tâm đến những đổi mới và công nghệ theo cấp số nhân có thể thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp xe hơi… Người tiêu dùng là một động lực to lớn trong sự chuyển dịch sang một nền kinh tế bền vững”.

Nếu thành công, dự án Polestar 0 hoàn toàn là một bước đột phá lớn trong thị trường xe điện. Một số nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới như General Motors, Ford cũng đưa ra cam kết tương tự như Polestar.

Trong quá trình thúc đẩy máy bay chở khách các-bon thấp, các kỹ sư hàng không những năm gần đây khám phá nhiều con đường công nghệ khác nhau, từ cải tiến công nghệ tuabin hiện có, đến phát triển các loại nhiên liệu bền vững mới.

Năm ngoái, Airbus - nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới thông báo rằng các hệ thống động cơ đẩy chạy bằng nhiên liệu hydro sẽ là trọng tâm của một kế hoạch đầy tham vọng nhằm giới thiệu máy bay thương mại không phát thải mới vào năm 2035. Hydro hiện được xem là nguồn nhiên liệu mới, vô tận khi nó được sản xuất từ nước và năng lượng mặt trời, thân thiện với môi trường.

Glenn Llewellyn, Phó Chủ tịch phụ trách công nghệ không phát thải của Airbus, nói: “Hydro là loại năng lượng hứa hẹn nhất cho phép chúng ta vận hành máy bay dựa vào năng lượng tái tạo. Hydro là một nguồn năng lượng được nhiều ngành công nghiệp yêu cầu để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu. Việc mở rộng quy mô sản xuất và sử dụng hydro sẽ giảm chi phí, rất thú vị cho ngành hàng không”.

Theo công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg, ngành công nghiệp hàng không phát thải hơn 1 tỷ tấn khí các-bon vào khí quyển trong năm 2019. Do đó, kế hoạch đầy tham vọng của Airbus có thể giúp giảm 50% khí thải các-bon trong ngành công nghiệp hàng không toàn cầu vào năm 2050 so với năm 2005.

Cách đây 2 năm, con tàu Energy Observer chạy bằng năng lượng hydro đầu tiên trên thế giới khởi hành từ Saint Malo bờ biển phía tây nước Pháp cập bến London (Anh) trong chuyến hành trình vòng quanh thế giới không phát thải kéo dài 6 năm, nhằm khởi động thế hệ mới của giao thông đường thủy thân thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu. Dự án Energy Observer được tài trợ bởi hãng Toyota...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc đua vì hành trình xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO