Cuộc gọi lúc đêm muộn

NGUYỄN TRỌNG HOẠT 23/05/2021 17:00

Lúc trước, ngồi vào bàn tiệc, anh cầm đũa nhiều hơn cầm ly; “dũng sĩ phá mồi” là hỗn danh gắn với anh do mấy bạn thân áp đặt. Đã vậy, những lần tỉ thí bia rượu anh bị gạt ra rìa ngay từ đầu: “Thằng này không tính”. 

 

Bữa nào cơ quan mở tiệc, nhiều đồng nghiệp ngả nghiêng huyên thuyên sau bữa nhậu thì anh lăng xăng thu dọn, quét rửa để bù cho sự yếu kém về tửu lượng của mình. Khi xừng lên, các “cây uống ưu tú” còn dọa bóp mũi đổ rượu vào mồm khiến anh chắp tay vái như tế thần.

Hết đau dạ dày, anh quen dần nhấm nháp rượu bia rồi lên đô lúc nào không hay. Bấy giờ, anh không manh động nhưng cũng chẳng e dè khi nâng ly; hơn thế, có thể lai rai với thời lượng không hạn chế. Anh không ép ai nhưng cũng chẳng từ chối khi được mời nên đã vài lần “cười ra sản phẩm”. Tác nhân góp phần đẩy nhanh men say vào người không chỉ có mồi mà còn vô số lý do trong bữa rượu. Cùng quê hoặc cùng tuổi - mần một ly; cùng sinh con gái hay đều thuận tay trái - cụng một phát; mừng mồi mới hay mới tới chào bàn - dô  hai cốc… Anh đều có thể hưởng ứng mà chẳng cần cò kè thương lượng.

Anh thấy rượu vào mỗi người say mỗi kiểu. Với số đông, rượu giống như “thuốc nói”, đúng là “tửu nhập ngôn xuất”. Lại có người, rượu đồng nghĩa với nước thông tuyến lệ, uống tới độ là mũi sụt sịt, mắt ngấn nước rồi có khi khóc ngon lành như trẻ con. Nhiều anh thông qua bia rượu giúp ngành viễn thông làm giàu bởi khi đã nhậu vào là ôm điện thoại kết nối bốn phương tám hướng và nói nóng cả trời đất. Và nữa, bia rượu không chỉ cho người ta lắc lư mà còn khiến lắm anh thoáng bất ngờ, lúc bình thường cho con mươi ngàn mua bút chì cũng không quên nhắc tiết kiệm nhưng ngồi vào bàn nhậu, lại có em út kè kè bên cạnh thì tiền bạc bỗng nhỏ như con thỏ!

Anh nghiệm ra, không chỉ thầy thuốc và cảnh sát giao thông lo lắng dè chừng dân nhậu mà cả các bà vợ cũng thế. Ngồi nhậu với nhau vào những đêm muộn là y rằng điện thoại của nhiều ông chồng đổ chuông. Chỉ thoáng nghe một bên cũng có thể hiểu chuyện: “Rồi, anh sắp về đây!” “Yên tâm, yên tâm, em không phải lo!”; “Uống ít thôi mà, không sao đâu!”; “Nhậu trong sáng, không phải trong tối đâu, em ơi!” “Đang trong vòng tay đồng đội, chẳng có tay vịn chân dài nào đâu”. Kèm lời trấn an là tiếng cười cầu hòa, xoa dịu và sau những cuộc gọi như thế, bàn nhậu thưa dần. Những người rời “trận địa” đi theo tiếng gọi của phu nhân có khi bị quy “sợ vợ”. Nhưng lắm anh còn quay lại, dẩu miệng cật vấn trước khi nổ máy xe: “Vợ tui, tui sợ; mắc mớ chi đến ai!?”. Anh khác lại cười hì hì “nhất vợ nhì trời” rồi vọt lẹ, mặc những lời kê kích vẳng theo.

Anh thuộc nhóm “kiên trì trụ bám” trong các tiệc vui. Thường thì khởi đầu bằng sự cầm chừng nhưng lúc đã bốc lên là tới tấp rồi cao trào, có khi mất kiểm soát chính mình. Lúc đó, chẳng cần ai mời, anh chủ động nâng ly hô hào, “khuấy động phong trào”. Cứ thế, tiệc vui kéo dài.

Lúc trước, vợ anh cũng hay có những cuộc gọi lúc đêm muộn. Khi bất đắc dĩ phải nhấp chút bia, chị nhăn mặt như đụng phải thuốc độc nên có lẽ phần nào hiểu tính khí của người đã có men say xui khiến. Đòn bẩy để chị “di lý” chồng khỏi cuộc nhậu quá đà là những lời như lạt mềm, như dải lụa; chẳng hạn “về đi anh, cơm canh nguội hết rồi”; “bé út cứ chờ anh về mới chịu ngủ”; “chạy xe chậm thôi, anh nhé.”…Đáp lại là những lời cộc lốc, ý chừng không muốn kéo dài cuộc gọi: “Biết rồi, thôi nhé!”. Hoặc: “Anh cầm chìa khóa đây rồi; em khóa cổng, ngủ trước đi”. Không ít lần anh tìm cách câu giờ, trì hoãn: “Chút xíu nữa thôi”. Cái chút xíu của người đã tới độ lơ mơ về thời gian có khi kéo dài cả tiếng đồng hồ. Nói rồi, anh quay ra “chiến đấu” tiếp; lại còn tỏ vẻ cao ngạo bằng cách càm ràm trách vợ: “Làm mất cả hứng”.

Rồi cũng đến lúc không còn cảnh chị ngồi nơi phòng khách, thoáng thấy bóng anh là vội chạy ra mở cổng và dắt xe vô nhà; lại đi pha nước chanh hay trà gừng bê đến tận tay cho chồng. Đã thuộc về xa xưa lời hỏi thăm trong lo lắng “anh mệt không” rồi chị vội vã đi lấy dầu gió hay bôi vôi vào chân và lau mặt bằng khăn ấm cho anh giải rượu. Giờ thì anh thỏa sức tự do với bia rượu; chị không nỉ non gọi về, cũng không vội vã chạy ra cổng đỡ lấy đức lang quân đang liêu xiêu cùng những câu vu vơ nhòe trong men rượu. Những lúc thức dậy giữa khuya, đắng họng kinh khủng nhưng anh không thể xuống bếp, đành vào buồng tắm mở nước máy, giải khát luôn. Dần dà, anh đi sớm về khuya mặc lòng, lẳng lặng trong đêm vắng, chỉ ngọn đèn trước cửa và nơi cầu thang đợi anh. Cũng phải thế thôi, nói lắm mà chồng chẳng nghe, có khi còn mất đoàn kết nội bộ nên vợ đành ngó lơ cho lành.

*

*  *

Về hưu, khả năng nhậu của anh tụt dốc như xe đổ đèo mất thắng; bia rượu rõ là không hợp với tuổi già, có bệnh lại càng tránh xa. Cuộc nhậu của kẻ cao niên vắn tắt, chóng vánh hơn thời trai trẻ rất nhiều; lại càng nhanh kết thúc bởi nhắc nhở của các bà vợ từ xa. Anh nghiệm ra điều này, hình như về già, người ta càng nể vợ; lắm ông lấy việc được vợ kêu về trong đêm như là niềm hạnh phúc. Nghe điện thoại reo, có ông còn quay ra khoe với các “chiến hữu” trước khi bấm nút nghe: “Nữ quản giáo tại gia gọi rồi”; lại mở loa ngoài như để có thêm lý do giã bạn hoặc cũng có thể khuếch trương niềm vui được mong ngóng. Từ phía xa kia vọng lại những lời khiến đám mày râu mềm lòng, khó cưỡng; đại loại: “Muộn rồi, về đi anh”. “Mai anh về quê sớm đấy, nghỉ đi thôi”. “Không khí lạnh đang tràn qua đèo Hải Vân, nhớ quàng khăn kín cổ anh nhé”. “Anh đang uống thuốc, nhớ kiêng rượu nghen”… Đáp lại là nét mặt rạng rỡ cùng những lời vui hơn cả tiếng cười. Liền đó là những cái bắt tay cùng lời chào từ biệt, bữa nhậu tàn dần.

Trong khi người ta tạm xa bạn để gần với vợ con thì anh ngồi lặng. Đã lâu, lâu lắm rồi, vợ anh không còn gọi cho chồng lúc đêm muộn. Ngày trước chị từng lắm lần năn nỉ nhưng anh có nghe đâu, có khi còn vênh mặt cãi lại nên chắc oải rồi. Mong chờ cùng yêu thương đã không được nâng niu đáp lại, lại còn bị hắt hủi phũ phàng nên phải tan chảy thôi. Giờ đây, anh đi nhậu ở đâu hay về lúc nào, có vẻ như nằm ngoài vùng “phủ sóng” của chị.

Thấy mấy “chiến hữu” rời bữa nhậu không luyến tiếc sau cuộc gọi của vợ, anh bỗng chạnh lòng, chợt buồn khi nghĩ mình chẳng được ai trông đợi. Đấy, khi được chiều chuộng thì tỏ ra tinh tướng nhưng lúc không ai thèm để mắt tới mới thấm thía nỗi buồn bị bỏ rơi. Với tuổi về già, hình như sự cứng cỏi cứ nhỏ lại nhưng sự mềm yếu lại lớn lên. Vậy nên, lắm đêm ngồi với bạn, anh ước một cuộc gọi của vợ, thèm lời khuyên về (như xưa đã từng nghe) để được mát mặt với bạn bè. Đã có lúc anh tự mổ xẻ chính mình, hóa ra đằng sau vẻ bất cần là nỗi sợ cô đơn trong sự thiếu vắng yêu thương. Hóa ra, hạnh phúc cũng giống như sức khỏe, lúc có khi không lo giữ gìn, lại còn phung phí nhưng khi đã vơi đi mới cuống cuồng, tiếc nuối.

Một ngày kia, anh đang dự tiệc nhà bạn thì vợ gọi điện. Chị không gọi cho chồng mà gọi cho anh bạn chủ nhà. Nghe lời đáp của bạn, anh biết vợ đang kết nối để định vị nơi anh đang ngồi; lại còn lo bệnh dạ dày của anh tái phát. Khi cả nhà vừa chuyển qua bàn uống nước thì con trai anh tới, hai tay xách hai mũ bảo hiểm. Sau khi chào các bác, thằng bé bước lại gần anh, cúi xuống nói nhỏ: “Mẹ bảo con qua đón ba về; xe cứ để nhà bác, mai qua lấy”. Anh ngớ người, chớp mắt. Nếu là trước đây, anh giãy nảy lên liền “có say đâu mà”; rồi tự dành cho mình quyền chạy xe nhưng lần này lẳng lặng làm theo. Anh quay ra nói to với mọi người, giọng vui không giấu giếm: “Bà xã gọi rồi, tôi phải về thôi. Chào cả nhà nhé.” Anh ra xe với những bước chân sải dài, phấn chấn. Vừa ngồi lên xe, con trai xoay lại, vui vẻ chia sẻ: “Con vừa lấy giấy phép lái xe mô-tô chiều nay, ba ngồi xe con cứ yên tâm như ngồi xe lu nhé”.

Lần đầu dự tiệc được con đi đón khiến anh lâng lâng suốt chặng về. Anh ngồi sau, ghé tai con: “Mẹ chưa ngủ à?”. Thằng bé giảm tay ga, hơi ngoái đầu lại sau để anh nghe được rõ: “Ba không biết đấy chứ, mỗi lần ba đi nhậu chưa về, mẹ có ngủ được đâu. Mẹ cứ đi ra đi vô, lo nhưng không dám gọi vì sợ ba la khi bị quấy rầy trong cuộc vui”.

Lời hồn nhiên của con khiến anh sững sờ, nghèn nghẹn. Hóa ra vợ vẫn lặng lẽ dõi theo chồng trong những đêm về muộn. Anh chợt nôn nao, bỗng mong nhanh về được tới nhà.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc gọi lúc đêm muộn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO