Cuộc hội ngộ xúc động

ĐIỆN NGỌC 11/03/2015 11:42

Gần 20 nữ cựu tù chính trị đang sinh sống tại các huyện Thăng Bình, Núi Thành, Hiệp Đức, Phú Ninh và TP.Tam Kỳ vừa có buổi gặp mặt đầy xúc động tại TP.Tam Kỳ.

Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Đáng (đứng giữa) vui mừng khi gặp lại các bạn tù. Ảnh: Đ.NGỌC
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Đáng (đứng giữa) vui mừng khi gặp lại các bạn tù. Ảnh: Đ.NGỌC

Các mẹ, các chị là những người chiến sĩ cách mạng đã có nhiều năm bị địch bắt giam cầm, tra tấn tại nhà lao Quảng Tín. Bốn mươi năm đã đi qua kể từ khi quê hương sạch bóng quân thù, nhưng trên mình các mẹ, các chị vẫn còn hằn sâu vết thương chiến tranh, thường hay đau buốt mỗi khi trái gió trở trời. Sức khỏe giảm sút, đời sống của một số người vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các mẹ, các chị vẫn lạc quan, yêu đời, chắt chiu sức lực còn lại để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc; tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền. Tại buổi gặp mặt, các mẹ, các chị đã ôn lại truyền thống đấu tranh kiên cường và bất khuất của các thế hệ phụ nữ Việt Nam qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ và gian khổ. Qua đó, các mẹ, các chị thăm hỏi, động viên, trao đổi kinh nghiệm nuôi dạy con cháu.

Được mời tham dự buổi gặp mặt, chúng tôi không khỏi cảm phục trước nữ cựu tù chính trị Nguyễn Thị Huệ, sinh năm 1937, sinh ra và lớn lên tại xã Tam Hải, Núi Thành, hiện đang sinh sống tại thôn 2 xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức. Bà Huệ là chiến sĩ an ninh mật đã 2 lần bị địch bắt giam cầm tại nhà lao Quảng Tín, một lần vào tháng 6.1966, một lần vào tháng 12.1967. Mặc dù địch dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn để khai thác thông tin nhưng với tinh thần gan dạ và khôn khéo bà đã giữ kín không để bị lộ cơ sở cách mạng, được tổ chức tin tưởng giao giữ chức vụ Phó Bí thư Chi bộ nhà lao. Ra tù, bà tiếp tục hoạt động cách mạng cho đến ngày quê hương giải phóng. Bà Huệ cho biết: “Ngoài đời mình đấu tranh với địch bằng truyền đơn, bằng vũ khí, gậy gộc. Còn trong tù, tay không một tấc sắt, vì vậy mình phải khôn khéo đấu tranh với địch bằng tư tưởng, ý chí và lập trường. Hay như tấm gương bà Nguyễn Thị Hồng Lan, sinh năm 1939, hiện đang sinh sống tại phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ). Bà là nữ y tá của Bệnh xá huyện Bắc Tam Kỳ, được cơ quan phân công vào Sài Gòn - Gia Định tiếp nhận vận chuyển thuốc men và dụng cụ y tế về cứu thương và bệnh tật cho đồng bào, đồng chí. Vào những ngày giữa tháng 6.1965, trên đường từ Sài Gòn - Gia Định về quê thì bà bị địch mai phục bắt giam tại nhà lao Quảng Tín. Qua nhiều năm bị địch giam cầm, tra tấn dã man, nhưng bà vẫn một lòng trung thành với Đảng, với nhân dân không hề khai báo điều gì. Ngược lại, bà còn tích cực cứu chữa bạn tù mỗi khi bị ốm đau hoặc bị địch đánh đập, tra tấn.

Dịp này, các mẹ, các chị đã đến thăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Đáng, khối phố Hồng Lư (phường Hòa Hương, Tam Kỳ), từng là Trưởng phòng giam số 4, nhà lao Quảng Tín, người đã tổ chức đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, đòi quyền bình đẳng trong tù. Dù bị đau nằm liệt giường đã hơn một tuần, nhưng nghe tin bạn tù đến thăm, mẹ Đáng gượng ngồi dậy, ôm chầm mọi người, gọi từng tên một, nước mắt tuôn trào nghẹn ngào không nói nên lời. Cũng trong dịp này các mẹ, các chị đã đến thăm Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại xã Tam Phú (Tam Kỳ), biểu tượng cao quý của những người mẹ Việt Nam anh hùng.

ĐIỆN NGỌC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc hội ngộ xúc động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO