Sáng sớm vừa mở tủ lạnh tìm thức ăn thì bất ngờ bị một số xương, thịt, trứng… rơi ra, suýt dội thẳng vào mặt. Những ngày cách ly toàn xã hội, không chỉ mỗi con người sắp phát khùng mà ngay cả thức ăn nhồi nhét trong tủ lạnh hình như cũng bức bối vẫy vùng, muốn tìm cách thoát thân…
Cách ly xã hội đã bước sang ngày thứ n... Trong tôi không còn cảm giác sung sướng khi tận hưởng vẻ đẹp của sự vắng lặng, khoảnh khắc lịch sử khi những thành phố “giới nghiêm”, vắng bóng người Trung, người Hàn, người Âu... đến du lịch khám phá.
Thành phố của chúng ta chỉ còn lại những người bản địa đang cửa đóng then cài để đề phòng dịch, đề phòng nhau và thời gian như ngừng lại, mọi thứ bị đóng băng…
Thay vào đó là cảm giác bắt đầu thấy lo lắng khi đọc những con số thống kê từ Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam những chỉ báo về cái giá phải trả cho đợt đại dịch chưa có hồi kết: Kết quả khảo sát nhanh cho thấy 3 tháng đầu năm 2020 có gần 85% doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường tiêu thụ, 43% phải giảm quy mô lao động do thiếu việc làm...
Khả năng chịu đựng của cả nền kinh tế, của từng nhóm người, từng gia đình đơn lẻ, đặc biệt là nhóm/gia đình yếu thế… sẽ đến đâu khi Việt Nam đang gắn chặt với thế giới bằng một xã hội mở, dẫn đến việc chúng ta dù đã có những kết quả khả quan nhưng thế giới, dịch Covid-19 vẫn chưa thấy đỉnh?
Chúng ta đã và đang có những biện pháp hỗ trợ từ Nhà nước, từ cộng đồng hảo tâm đối với những doanh nghiệp, nhóm người yếu thế bị ảnh hưởng của dịch, nhưng liệu sẽ kéo dài được bao lâu bởi nguồn lực và lòng tương thân tương ái dù lớn đến đâu cũng có giới hạn?
Tôi vừa dọn dẹp xong những thứ “nổi loạn” từ tủ lạnh thì nhận được một loạt tin nhắn tiêu cực từ bạn, là chủ một chuỗi 4 khách sạn ở Đà Nẵng, trong đó có 3 cái vừa đưa vào hoạt động cuối năm 2019 hoàn toàn bằng vốn vay, đã bị đóng cửa ngừng kinh doanh, cho toàn bộ 100 nhân viên nghỉ việc không lương từ giữa đầu mùa dịch.
Rằng “mọi thứ đã vượt ngưỡng chịu đựng, các dòng tiền không còn để luân chuyển cũng như trả lãi ngân hàng. Và nếu tình hình còn tiếp tục như thế này thì bế tắc…”.
Lâu lắm mới có cảm giác đúng nghĩa được một mình đơn độc trước biển bốn bề bao la chỉ nghe mỗi tiếng sóng. Thứ cảm giác mà cách đây mấy tháng, nếu muốn tận hưởng ở Đà Nẵng thì phải kỳ công đi tìm những nơi khuất bóng người, khuất bóng các dịch vụ tối thiểu, có khi phải cuốc bộ mấy cây số đường núi ra tận ngoài làng Vân.
Nhưng sự cô đơn ngay lập tức bị phá hỏng bởi một tốp người thi hành công vụ tay cầm dùi cui huơ huơ ra điều dọa dẫm rằng thành phố đang cách ly toàn xã hội và toàn bộ các bờ biển đang trong thời gian bị cấm tụ tập dưới mọi hình thức… Tôi bực mình, đứng lên định lý sự một trận cho bõ ghét thì đột nhiên họ rời đi, không làm phiền tôi nữa...
Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đang được các địa phương mỗi nơi hiểu và áp dụng theo mỗi phách, và biểu hiện của sự lạm quyền của những người bất ngờ được giao cho tí quyền, ngoài bờ biển, tôi đã thấy, đã “nếm” ở rất nhiều không gian khác nhau trong thời gian qua…
Giờ thì tôi nằm dài xuống cát, buông lỏng tứ chi với tư thế xác chết trong Yoga để thư giãn và tận hưởng.
Đó là khi tôi chợt nhớ một câu nói kinh điển của Oscar Wilde, tác giả của “Tội ác của huân tước Athur Savile và các truyện ngắn khác” rất nổi tiếng, rằng: “Cuộc đời này quá ngắn ngủi để có thể sống nghiêm túc…”.
Thôi thì cứ mặc kệ, cứ bông đùa một chút trong giới hạn cho phép để còn thấy vui và lạc quan hơn trong những ngày cách ly này…