Cuộc phiêu lưu của chữ

BẢO TRÂN 19/08/2017 06:49

Nhan đề của cuốn sách đã hiển lộ cả hai nội dung, người phiêu lưu với chữ và bản thân chữ nghĩa cũng phiêu lưu trên hành trình tự thân của ngôn ngữ sáng tạo. Và cuộc phiêu lưu này dẫn vào một địa hạt rất khó, ít người theo trong bối cảnh thị trường xuất bản sách hiện nay, là tiểu luận phê bình. Cho nên điểm đầu tiên cần ghi nhận đây là sự can đảm của Huỳnh Thu Hậu, giảng viên đại học, Hội viên Hội VHNT Quảng Nam, một tác giả trẻ đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ văn học.

Tác phẩm “Cuộc phiêu lưu của chữ”.
Tác phẩm “Cuộc phiêu lưu của chữ”.

Nói can đảm bởi còn một lẽ, cuốn sách đã chạm đến những dị nhân kỳ tài trong “vườn văn học Quảng Nam” (và của miền Nam trước 1975) như Bùi Giáng, hay Vũ Trọng Phụng trong “cánh đồng văn học Việt Nam”, rộng ra tới “thảo nguyên văn học thế giới” với các tác giả mà nhiều nhà nghiên cứu phê bình uy tín đã, đang và sẽ còn tìm cách giải mã về ngôn từ, bút pháp, văn phong trong tác phẩm của họ. Nhưng có hề gì, bằng một niềm yêu văn học và sự say đắm với hình tượng nghệ thuật, chữ nghĩa đã ân ái với tất cả. “Cuộc phiêu lưu của chữ”(*) đã mạnh dạn trình bày cách cảm, cách nghĩ của một người trẻ về vẻ đẹp ngôn từ, hình tượng lấp lánh qua một số tác phẩm trong và ngoài nước. Nếu không “phát hiện” ra điều gì lớn lao thì cũng dám kiến giải theo cách nhìn của mình bằng trực giác và cả lý luận dưới ánh sáng khác những lối mòn đã được xác lập lâu nay. Thế nên phiêu lưu, nhưng để đi đến sự cảm nhận đa chiều về cái Đẹp.

Trong nhiều tiểu luận, tác giả đã sử dụng lý thuyết về thủ pháp nghịch dị  (grotesque) để phân tích, lý giải kiểu hình tượng nghệ thuật dựa vào “huyễn tưởng, tiếng cười, sự phóng đại, lối kết hợp và tương phản một cách kỳ quặc cái huyễn hoặc với cái thực, cái đẹp với cái xấu, cái bi với cái hài, là sự hòa trộn của cái hài với cái kinh dị, cái giống như thực với cái biếm họa” (tr.91-sđd). Đây không là cách đi mới bởi nhiều nhà lý luận phê bình từng sử dụng “con mắt” này để soi chiếu hình tượng trong các tác phẩm lớn. Vấn đề là tác giả đã biết ứng dụng lý thuyết này một cách phù hợp để tìm hiểu hình tượng nghệ thuật trong thơ Bùi Giáng, tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, và đặc biệt là một số tiểu thuyết đương đại Việt Nam. Từ đó đi đến một số nhận xét có tính khái quát cao, chẳng hạn “Tư duy nghịch dị chi phối nghệ thuật kiến tạo không gian nghệ thuật của tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Có thể nói đó là kiểu không gian đời thường đã được soi chiếu bằng cảm quan bất thường, chứa đựng trong đó là những kỳ sự, kỳ nhân, trộn lẫn giữa cái phàm tục, tục tĩu với cái thiêng liêng tâm linh, giữa trang nghiêm và suồng sã, cái xấu, cái ác, cái thiện, cái mỹ, trên lằn ranh của thật - ảo, huyền ảo và kinh dị, hữu lý - phi lý, bi - hài” (tr.102-103). Có lẽ, từ đề tài nghiên cứu, tác giả đã chọn cho mình một lối đi trên cơ sở nền tảng lý luận về cái nghịch dị để mạnh mẽ phiêu lưu vào tác phẩm văn học, dám trình bày cách nghĩ, cách cảm riêng.

Đọc sách về thể loại tiểu luận phê bình rất dễ... nặng đầu, mau chán với lối viết kinh viện. Tuy nhiên, văn phong của tác giả trẻ đầy chất nữ tính, có nhiều khi chữ nghĩa giao hoan với niềm khoái cảm đầy đam mê, khiến người đọc dễ cuốn theo cùng để khám phá, để rung động với vẻ đẹp của không - thời gian, các biểu tượng và hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm văn học. Rồi tĩnh tâm, thấy rằng vườn văn học vẫn “rộng rinh” cho ai nấy thỏa sức vẫy vùng tìm kiếm, thỏa tình với chữ nghĩa, phiêu lưu vào thế giới sáng tạo nghệ thuật vừa huyền bí vừa hiện thực.

____________________

(*) Huỳnh Thu Hậu, “Cuộc phiêu lưu của chữ”, NXB Hội Nhà văn, 2017.

BẢO TRÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc phiêu lưu của chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO