Kể từ khi phát động đến tháng 8 này, cuộc thi truyện ngắn Báo Quảng Nam 2014 - 2015 đã đi được nửa chặng đường. Cuộc thi đã thu hút đông đảo các cây bút chuyên và không chuyên ở trong và ngoài tỉnh tham gia. Điều đó đã xua tan nỗi lo của Ban tổ chức về “sân chơi trí tuệ” sẽ không có mấy người hưởng ứng. Cũng phải thôi. Bởi trước đây, tờ tạp chí văn nghệ của tỉnh đã hai lần tổ chức cuộc thi truyện và ký, mỗi cuộc thi kéo dài gần hai năm, với giải thưởng khá hấp dẫn, nhưng rồi số lượng tác phẩm gửi về dự thi chỉ dừng ở con số có vỏn vẹn một chữ số! Đó là lý do Ban tổ chức đắn đo cân nhắc mãi mới quyết định mở cuộc thi với sự hồi hộp âu lo...
Sau khi công bố thể lệ cuộc thi, các cây bút chuyên và không chuyên ở trong và ngoài tỉnh đã nhiệt tình gửi tác phẩm dự thi. Phía Bắc có các tác giả ở các tỉnh Thái Nguyên, Hải Dương, Thanh Hóa... Phía Nam có các cây bút thuộc các tỉnh thành Khánh Hòa, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ở trong tỉnh, nhiều cây bút hiện công tác tại các huyện, thành phố cũng không ngại “thử sức” ở “sân chơi trí tuệ”: Nam Trà My, Bắc Trà My, Duy Xuyên, Điện Bàn, Thăng Bình, Núi Thành, Tam Kỳ... Nhiều cây bút là hội viên Hội VH-NT tỉnh, hội viên Hội VH-NT TP.Tam Kỳ cũng hồ hởi tham gia như Nguyễn Bá Hòa, Nguyễn Ngọc Chương, Ngô Phú Thiện, Nguyễn Hải Triều, Tiêu Đình, Nguyễn Thị Cẩm Giang, Alăng Văn Gáo... Trong đó, có không ít tác giả lần đầu tiên cầm bút sáng tác với ước mong “ban sơ khảo đọc giùm và có phản hồi để coi mình viết thế nào, chứ hoàn toàn không hy vọng được chọn đăng”. Điều bất ngờ là hầu hết sáng tác của các cây bút này lại có chất lượng khá tốt. Vì thế, trên báo Quảng Nam cuối tuần xuất hiện truyện ngắn dự thi với những cái tên “lạ hoắc lạ huơ”.
Do thể lệ cuộc thi không hạn chế đề tài nên Ban tổ chức không khỏi lo lắng tác phẩm dự thi sẽ khai thác đề tài tình yêu thái quá với đủ cung bậc khác nhau. Bởi đề tài này là chuyện “xưa như trái đất” nhưng đồng thời cũng luôn mới mẻ, vì thế, nó “khủng hoảng thừa” trên các báo có trang văn nghệ. Thực tế, truyện ngắn dự thi viết về tình yêu đôi lứa chỉ chiếm tỷ lệ không đáng kể. Ngoại trừ một truyện viết về tình yêu tay ba, qua thời gian, tất cả được sắp xếp lại đúng theo vị trí. Cuộc chia tay giữa chàng và nàng không oán hận sân si vì cả hai đều trở thành bạn bè của nhau. Một số truyện khác viết về tình yêu đôi lứa nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh, vì thân phận nghèo hèn, vì sự trớ trêu của “con tạo xoay vần”, họ đành chia ly. Nhưng rồi, theo thời gian, họ nhận ra “có xa nhau mới hiểu được lòng nhau” nên chủ động tái hợp để xây dựng mái ấm gia đình hạnh phúc ấm êm. Những tác phẩm viết về đề tài tình yêu đã qua vòng sơ khảo và được chọn đăng trên báo Quảng Nam cuối tuần đều mang đậm tính nhân văn, không ủy mị sướt mướt, không hận người hận đời, đó là một “sự lạ” mà Ban tổ chức cuộc thi không ngờ tới!
Cuộc sống đời thường với muôn mặt khác nhau cũng được các tác giả khai thác nhiều, tạo nên sự phong phú về nội dung. Nhiều truyện, nếu tác giả không đắm mình trong thực tế sinh động thì không thể viết được, cho dù trí tưởng tượng có bay bổng đến đâu chăng nữa. Có anh chồng nọ mơ cánh cửa thiền, tu tại gia, song cuộc sống gia đình bất ngờ có biến động, buộc anh không thể suốt ngày ngồi xếp bằng chắp tay niệm Phật. Anh chồng vất vả với cuộc mưu sinh và rồi nhận ra “Phật tại tâm” chứ không ở đâu xa lạ. Có đôi vợ chồng trẻ, khi “ra riêng” chỉ với đôi bàn tay trắng. Quyết tâm làm giàu cho bằng thiên hạ, người vợ nhất quyết không sinh con để hai vợ chồng son dồn sức lực làm giàu chính đáng. Khi đã có tất cả mọi thứ như mong muốn, chưa kịp hưởng thụ thì anh chồng chết vì tai nạn giao thông, người vợ sống trong dằn vặt khổ đau, sau đó cũng ra đi về cõi vĩnh hằng. Từ bi kịch của đôi vợ chồng trẻ, tác giả đã gửi thông điệp cho mọi người rằng, hạnh phúc gia đình không hẳn là nhà cao cửa rộng, không hẳn là vật chất thừa mứa, mà là sự thông hiểu nhau, sống cho nhau, dẫu cuộc sống còn khó khăn vất vả. Vấn đề “dân chủ hình thức” bằng cách đặt hòm thư góp ý nhưng thủ trưởng đơn vị lại tìm cách “ỉm” những thư góp ý mang tính xây dựng được tác giả thể hiện khá sinh động với giọng văn hài hước. Nỗi nhớ quê nhà khi sống nơi phố phường xa lạ; nỗi giằng xé giữa về quê sum họp gia đình trong ngày tết cổ truyền với ở lại phố xá làm thêm để kiếm ít tiền đi thực tập của cô sinh viên nọ… là cuộc sống đời thường được các tác giả khai thác và chuyển tải qua truyện ngắn khá chắc tay.
Đến nay, chiến tranh đã lùi xa vào dĩ vãng gần 40 năm. Hầu hết tác giả tham gia cuộc thi truyện ngắn Báo Quảng Nam 2014 - 2015 là những người trẻ, những người nhiều tuổi cũng chỉ ở độ trên dưới 50. Có nghĩa là, khi còn chiến tranh, họ là những cô bé, cậu bé lên chín lên mười. Thế nhưng, cả người trẻ lẫn người già đều viết về đề tài chiến tranh cách mạng bằng sự thấu cảm và niềm đam mê, nhiệt huyết của mình. Số lượng truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh cách mạng chiếm trên 50% tác phẩm dự thi. Hóa ra, chiến tranh dẫu có lùi xa vào dĩ vãng nhưng đề tài này vẫn có sức hút các thế hệ cầm bút ở mảnh đất “trung dũng kiên cường” tiếp tục khai thác, tái hiện một thời đạn bom khói lửa không thể nào quên. Cô gái nọ ở làng quê nọ, do cứu dân làng, cứu phong trào cách mạng ở địa phương, đã phải nhắm mắt đưa chân làm vợ một viên đại úy “sĩ quan quân đội cộng hòa” để xây dựng cơ sở của ta ở ngay trong lòng địch. Chiến tranh ngày càng lan rộng, cô gái theo người chồng không có tình yêu phiêu dạt khắp nơi rồi sang định cư ở Mỹ sau ngày 30.4.1975. Mấy chục năm sau, cô gái nọ đã thành một bà già phúc hậu về thăm lại nơi cắt rốn chôn nhau cùng hai người con gái học hành bài bản đang cống hiến tài năng xây dựng quê hương. Lịch sử địa phương vinh danh bà bằng một dòng tên ngắn gọn (mà bà cũng xin xóa đi) cùng nỗi truân chuyên của bà suốt bao nhiêu năm qua bị chìm khuất trong lớp bụi thời gian. Một đôi vợ chồng trẻ người miền Bắc vào hoạt động cách mạng ở vùng rừng núi Nam Trà My. Cả hai lần lượt hy sinh. Đứa con gái bé bỏng của họ được một người dân tộc nhận làm con nuôi. Khi gả chồng cho cô, người cha nuôi mới tiết lộ mọi chuyện với cô cùng nỗi băn khoăn trăn trở không biết làm thế nào để cô được công nhận là thân nhân của hai liệt sĩ. Một người lính vì sự trớ trêu của số phận có đứa con rơi với cô gái Cơ Tu, khi hòa bình lập lại, anh về quê lấy vợ sinh con nhưng vẫn “nhớ rừng”. Khi người lính mất, hai người con của anh, một ở núi và một ở xuôi, tình cờ gặp nhau và nhận ra nhau là anh em cùng cha khác mẹ… Hầu hết truyện ngắn viết về đề tài chiến tranh cách mạng có nhiều chi tiết truyện độc đáo khiến người đọc xúc động.
Xây dựng nông thôn mới đang là một chủ trương lớn, một đề tài thời sự nhưng dường như đề tài này chưa được các tác giả quan tâm, khai thác. Cho đến nay, chỉ có một tác phẩm viết về nông nghiệp nông thôn và đã được chọn đăng trên báo Quảng Nam cuối tuần.
Nửa chặng đường nhìn lại cuộc thi truyện ngắn Báo Quảng Nam 2014 - 2015, Ban tổ chức hết sức phấn khởi bởi bước đầu số lượng tác phẩm dự thi gửi về khá nhiều, đề tài phản ánh khá đa dạng phong phú, chất lượng tác phẩm cũng khá tốt. Tuy nhiên, nhược điểm của các tác phẩm dự thi là không ít truyện có cốt truyện đơn giản, không nhiều kịch tính, ít có những câu văn hay, giàu hình ảnh. Truyện của những tác giả không chuyên có nhiều tình tiết bất ngờ thú vị, trong khi đó một số tác giả chuyên nghiệp lại tỏ ra “làm văn” hơn là viết văn. Dẫu sao, công bằng mà nhận xét đánh giá, nửa chặng đường đã qua có không ít tác phẩm đã góp phần làm nên diện mạo cuộc thi. Chưa có những tác phẩm thật sự nổi bật nhưng đã có không ít tác phẩm khiến Ban tổ chức chấm chọn xếp vào diện chung khảo. Hy vọng trong nửa chặng đường còn lại của cuộc thi, các cây bút chuyên và không chuyên ở trong và ngoài tỉnh tiếp tục tham gia và tạo nên sự hấp dẫn của “sân chơi trí tuệ” bằng những tác phẩm tâm đắc nhất của mình.
NGUYỄN TAM MỸ