Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 7: Bài toán an sinh

HOÀI NHI 07/06/2017 08:48

Đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ việc xây dựng các dự án trọng điểm khiến những năm qua đời sống người dân vùng đông của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi ngành nghề chưa đem lại hiệu quả cao...

  • Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 6: Bất cập tái định cư
  • Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 5: Dân chờ đất tái định cư
  • Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 4: Chênh lệch giá bồi thường, hỗ trợ
  • Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 3: Những điểm nghẽn mặt bằng
  • Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 2: Rượt đuổi hạ tầng
  • Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 1: Sắp xếp lại không gian sống
Bà Nguyễn Thị Hương ở khu TĐC trung tâm (Bình Dương, Thăng Bình) mượn lô đất người hàng xóm chưa làm nhà để trồng cỏ nuôi bò. Ảnh: HOÀI NHI
Bà Nguyễn Thị Hương ở khu TĐC trung tâm (Bình Dương, Thăng Bình) mượn lô đất người hàng xóm chưa làm nhà để trồng cỏ nuôi bò. Ảnh: HOÀI NHI

Xoay xở

Thực hiện dự án sắp xếp dân cư ven biển, năm 2013 gia đình bà Nguyễn Thị Ba ở thôn Tây Sơn Tây (xã Duy Hải, Duy Xuyên) là một trong nhiều hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng, phải di dời. Bàn giao ngôi nhà, vật kiến trúc, 2 sào ruộng lúa và 3 sào đất vườn, gia đình bà được bồi thường với tổng số tiền 400 triệu đồng. Sau khi được bố trí 1 lô đất có diện tích 270m2 tại khu tái định cư (TĐC) Duy Hải giai đoạn 1, gia đình bà phải nộp lại gần 40 triệu đồng, còn 360 triệu tiền bồi thường, gia đình xây căn nhà cấp 4 hết khoảng 220 triệu đồng. “Khi vào khu TĐC này, chồng tôi xin đi bạn với một chủ tàu cá ở địa phương còn tôi mở quán bánh mỳ và nước mía bán tại nhà, kết hợp với qua Hội An nhận hàng của một công ty may giày da về làm gia công. Hồi trước, ở nơi cũ, nhờ có đất canh tác nên gia đình tôi đủ gạo ăn và hàng năm thu được 10 - 12 triệu đồng từ việc gieo trồng rau màu. Mấy năm nay, mất đất sản xuất nên phải mua rau gạo và nhiều chi phí khác” - bà Ba chia sẻ.

Trong các cuộc giám sát về tình hình bố trí TĐC tại vùng đông một số địa phương mới đây, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng cho rằng, thời gian tới ngành liên quan cùng chính quyền các cấp cần phối hợp thực hiện nhiều giải pháp căn cơ nhằm hỗ trợ người dân bị mất đất sản xuất chuyển đổi ngành nghề, định hướng việc làm phù hợp để giải quyết bài toán sinh kế một cách hiệu quả…

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hương ở Bình Dương (Thăng Bình) cho hay, kể từ khi chuyển vào khu TĐC trung tâm xã, đời sống của gia đình gặp không ít khó khăn. “Hồi trước, khi chưa giải tỏa, với 3 sào ruộng lúa, nhà tôi dư gạo ăn. Không chỉ vậy, mỗi năm còn thu được 6 triệu đồng từ việc trồng đậu phụng trên 2 sào đất màu. Bây giờ, vào đây, phải bỏ tiền ra mua gạo và dầu phụng. Để có tiền trang trải cuộc sống, chồng tôi mua chiếc xe lôi 3 bánh, ai kêu đâu chạy đó. Còn tôi thì mở quầy tạp hóa nhỏ và mượn lô đất người ta chưa làm nhà để trồng cỏ voi nuôi bò. Tuy nhiên, do khu TĐC này chưa có bao nhiêu hộ đến xây dựng nhà nên việc bán hàng tạp hóa ế ẩm. Nói chung, mấy năm nay việc mưu sinh tại nơi ở mới khá nhọc nhằn, vợ chồng tôi phải tự xoay xở chứ chẳng thấy ai định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ giải quyết việc làm, trao tặng sinh kế…” - bà Hương tâm sự.

Theo tìm hiểu của PV Báo Quảng Nam, những năm qua đời sống của các hộ dân bị mất đất sản xuất ở nhiều khu TĐC ở vùng đông của tỉnh chủ yếu dựa vào số tiền bồi thường. Tại nơi ở mới, hầu hết đàn bà buôn bán nhỏ lẻ như mở quầy tạp hóa, ăn uống, thu mua phế liệu dạo; còn đàn ông thì làm phụ hồ, đi biển…

Chuyển đổi nghề nghiệp

Chị Hoàng Thị Hiền trú thôn Lệ Sơn (xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên) cho biết, năm 2016 trở về trước chị làm công nhân tại Công ty TNHH MTV Sedo Vinako đóng chân trên địa bàn xã Duy Trinh. Cách đây không lâu, chị chuyển về làm tại Xí nghiệp may Ánh Sáng 4 ở gần nhà. Chị Hiền chia sẻ: “Làm việc ở đây, tôi có nhiều thuận lợi bởi vừa gần chồng con, vừa rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại. Hiện nay, bình quân mỗi tháng tôi có mức thu nhập 3,5 triệu đồng và được xí nghiệp may đóng đầy đủ các loại bảo hiểm. Khi dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An triển khai giai đoạn 2, gia đình tôi sẽ thuộc diện bị giải tỏa trắng và bố trí TĐC thì cũng an tâm về công việc làm”. Theo tìm hiểu, hiện Xí nghiệp may Ánh Sáng 4 tạo việc làm ổn định cho khoảng 300 lao động ở các xã Duy Nghĩa, Duy Hải (Duy Xuyên) và xã Bình Dương (Thăng Bình). Trong số đó có khá nhiều lao động thuộc diện bị thu hồi đất phục vụ cho các dự án như sắp xếp dân cư ven biển, khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, đường dẫn cầu Cửa Đại và cầu Trường Giang…

Ông Nguyễn Trường Năm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa (Duy Xuyên) cho biết, thời gian qua địa phương tích cực phối hợp với các ngành liên quan mở nhiều lớp dạy nghề may công nghiệp cho gần 200 lao động trong độ tuổi 18 - 35. Sau khi tốt nghiệp, các học viên được giới thiệu vào làm việc ở các nhà máy, xí nghiệp. Cạnh đó, mở một số lớp tập huấn nghiệp vụ nhà hàng, trồng hoa cây cảnh, chăn nuôi - thú y. Đặc biệt, Chi đoàn thanh niên thôn Lệ Sơn đã trực tiếp mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho 15 đoàn viên thanh niên. Theo kế hoạch, sắp tới xã sẽ tiếp tục mở thêm 3 lớp dạy tiếng Anh giao tiếp, chủ yếu ưu tiên cho những trường hợp bị mất đất sản xuất nhưng còn sức lao động nhằm đón đầu cơ hội tìm kiếm việc làm khi dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An đi vào hoạt động. Ông Năm nói: “Mặc dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng nhìn tổng thể thì bài toán giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân bị mất đất canh tác vẫn chưa tạo được dấu ấn đậm nét”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên) cho hay, đến cuối tháng 5.2017 Nhà nước đã tiến hành thu hồi của địa phương 300ha đất các loại để giải phóng mặt bằng và bàn giao cho các chủ đầu tư. Ông Thống nói: “Trong số diện tích đất đã áp giá bồi thường và giải tỏa thì có khoảng 60% là đất sản xuất. Bình quân 1 sào đất sản xuất, người dân được bồi thường 15 triệu đồng và hỗ trợ thêm 3 lần mức bồi thường để chuyển đổi nghề nghiệp. Những năm qua, các hộ dân bị mất đất sản xuất phải tự thân vận động trong việc chuyển đổi ngành nghề, tìm kiếm công ăn việc làm chứ ngành liên quan và chính quyền địa phương chưa tổ chức được khóa tập huấn, đào tạo nghề nào”.

Theo tìm hiểu, hiện nay tại các khu TĐC trên địa bàn xã Duy Hải có khoảng 200 hộ dân thuộc diện bị mất đất sản xuất cần được tiếp sức trong việc chuyển đổi ngành nghề. Thời gian tới, chắc chắn số hộ dân bị mất đất sản xuất sẽ tăng lên khi nhiều dự án tiếp tục đầu tư. Ông Thống kiến nghị: “Bên cạnh việc tích cực vận động những hộ dân mất đất sản xuất linh hoạt mở mang các ngành nghề phi nông nghiệp thì chính quyền xã Duy Hải mong muốn các ngành liên quan phối hợp kêu gọi nhà đầu tư về địa phương xây dựng các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhằm tạo việc làm ổn định cho người dân, nhất là những hộ không còn đất canh tác. Ngoài ra, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách thông thoáng hơn để giúp ngư dân nơi đây có điều kiện tiếp cận dễ dàng với những kênh vốn ưu đãi để đóng mới, cải hoán tàu thuyền vươn khơi”.

Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân

Huyện Thăng Bình đang khẩn trương tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân về việc triển khai dự án ở các xã vùng đông.

Vùng đông Thăng Bình có 8 xã thì có đến 6 xã nằm trong khu vực  triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh. Ông Võ Văn Trị - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bình Dương (Thăng Bình) cho biết, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, TĐC trên địa bàn còn gặp một số vướng mắc. “Chúng tôi đã thành lập tổ quản lý hiện trạng, cứ đều đặn mỗi ngày đi khảo sát ở các vùng dự án để chấn chỉnh tình trạng cơi nới của người dân. Tuy nhiên, cái khó là cấp xã không đủ thẩm quyền, không có chế tài xử phạt. Xã đề xuất với cấp trên là khi xây dựng khu TĐC ven biển trong thời gian đến thì cần khắc phục các hạn chế của các khu TĐC  đã xây dựng. Người dân cũng cần có cơ chế hỗ trợ, ổn định việc làm ở nơi TĐC . Xã đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định pháp luật để các dự án được triển khai đúng tiến độ trong thời gian đến” - ông Trị nói.

Vừa qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Thăng Bình đã có quyết định thành lập tổ tuyên truyền, vận động nhân dân khi thực hiện các dự án trọng điểm vùng đông của huyện. Ông Võ Tấn Thuận - Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thăng Bình được phân công là tổ trưởng. Ông Thuận cho biết, mục đích của công tác tuyên truyền, vận động là giúp người dân ở vùng đông hiểu rõ tầm quan trọng của các dự án trọng điểm để tạo thuận lợi khi triển khai. “Chúng tôi yêu cầu các cán bộ được phân công nhiệm vụ nắm chắc các chính sách của tỉnh, huyện liên quan đến công tác quy hoạch, bồi thường thiệt hại, TĐC . Trong quá trình thực hiện, các thành viên phải phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, giải thích, chia sẻ, vận động để người dân hưởng ứng, đồng thuận” - ông Thuận nói. Huyện Thăng Bình cũng đang tổ chức rà soát, phân loại, đánh giá mức độ ảnh hưởng của các hộ dân nằm trong vùng dự án, đối thoại trực tiếp với họ, nắm bắt các nguyện vọng chính đáng, kiến nghị các cấp thẩm quyền giải quyết phù hợp. (NGUYỄN QUANG VIỆT)

__________
Bài cuối: Nới rộng không gian phát triển

HOÀI NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cuộc xoay chuyển ở vùng đông - Bài 7: Bài toán an sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO