Cướp biển

NGUYỄN ĐIỆN NAM 13/03/2016 06:45

Tin tức về tình hình biển đảo lại nóng lên với những hoạt động bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Đó là việc tiếp tục cơi nới xây dựng, củng cố, bồi đắp các đảo và bãi đá ngầm của Việt Nam mà họ xâm chiếm được. Họ đưa pháo, tên lửa, ra đa, máy bay chiến đấu,... ra các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trong khi đó, các lực lượng hải giám, hải cảnh của Trung Quốc giở những chiêu trò mới nhằm chứng tỏ sự hiện hữu trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Theo những lời tố cáo của nhiều ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi, trong thời gian qua, tàu mang cờ Trung Quốc đã nhiều lần vây ép, đe dọa, cho lực lượng dùng vũ lực trấn áp ngư dân và phá phách, cướp bóc tài sản trên tàu cá Việt Nam. Đơn cử, trung tuần tháng 10.2015, khi đang đánh bắt hợp pháp trên ngư trường Hoàng Sa của Việt Nam, tàu cá QNg 90352 của ngư dân Đặng Dũng (40 tuổi, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) bị tàu Trung Quốc dùng vũ lực cướp tài sản và đâm thủng. Tại vùng biển gần đảo Bạch Quy (thuộc quần đảo Hoàng Sa), tàu QNg 90127 (do ông Tiêu Viết Bản, 42 tuổi, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi, làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng) đã bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp phá tài sản. Cũng ở vùng biển đó, mới đây nhất, tàu cá QNa 91939 của ông Võ Quang Thái (trú thôn 1 Tam Quang, Núi Thành, Quảng Nam) bị tàu Hải cảnh Trung Quốc đưa ca nô áp sát và cho 11 người trong trang phục Hải cảnh khống chế ngư dân, cướp phá tài sản, hệ thống liên lạc, ngư lưới cụ. Phản ánh các thông tin này, báo chí đã mô tả hành vi ứng xử giống như cướp biển của tàu Trung Quốc.

Việc tấn công tàu cá ngư dân đang đánh bắt hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam là một hành vi nhắm đến mục đích sâu xa hơn. Theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Nhật (hiện công tác tại Đại học Kinh tế – Luật, nghiên cứu viên không thường trú tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS), Đại học Khoa học xã hội & Nhân văn Tp.Hồ Chí Minh), thì Trung Quốc đang tìm cách chèn ép các nước nhỏ để vẽ lại bản đồ khu vực. Sự chèn ép, hay tranh chấp song phương về chủ quyền biển đảo, quyền khai thác dầu và đánh bắt cá, chỉ là bước đi ban đầu, được lồng trong một tranh chấp lớn hơn về quyền kiểm soát đường hàng hải chiến lược đi qua Biển Đông, với hơn 1/3 thương mại toàn cầu đi qua vùng biển này. Qua bài báo trên Vietnamnet, TS. Lê Hồng Nhật phân tích điểm lợi của Trung Quốc qua việc gây hấn này, là có thể giữ cho mức độ xung đột đủ nhỏ, để mâu thuẫn mang tính song phương mà phía bị xâm hại ít làm được gì để thay đổi cục diện tình hình; và họ duy trì chuỗi xung đột đủ liên tục, đều khắp ở các điểm chiến lược trên Biển Đông, để dần hiện thực hóa quyền kiểm soát về việc khai thác các nguồn lợi, mà chỉ quốc gia có chủ quyền được phép làm. Các nước trong vùng nếu mãi cam chịu sẽ dần biến thành sự buộc phải chấp thuận quyền kiểm soát trên thực tế của Trung Quốc đối với Biển Đông. Khi đó, việc có hay không các công ước về luật Biển, bao hàm cả UNCLOS, thì cũng chẳng thể làm được gì nhiều để thay đổi một thực tế: Đường chữ U được xác lập dần trên thực tế. Điều đó bao hàm rằng, đường hàng hải chiến lược đi qua Biển Đông, sẽ dần thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc. Các nước khác sẽ buộc phải tuân thủ trật tự mới, được cưỡng chế bởi sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Như vậy, mưu mô của thế lực dòm ngó, xâm chiếm gần hết Biển Đông đã hiện hữu. Vấn đề đáng suy ngẫm trước hết là làm sao để Việt Nam bảo vệ ngư dân khi đánh bắt cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình. Không thể chỉ hô hào, động viên suông rằng cứ vươn khơi bám biển trong mối nguy hiểm đe dọa tính mạng. Chúng ta cần giữ môi trường hòa bình để làm ăn sinh sống nhưng cũng cần có một đối sách chiến lược, có chiến thuật hữu hiệu mới bảo vệ được mình trước “nạn cướp biển”. Tình hình đòi hỏi các lực lượng chấp pháp của ta phải hiện diện nhiều hơn, thường xuyên hơn trên vùng biển để bảo vệ ngư dân. Mặt khác, mặt trận đấu tranh ngoại giao phải cương quyết, khôn khéo, huy động được sức mạnh tổng hợp, nhất là qua các tổ chức như hiệp hội nghề cá, báo chí truyền thông trong nước và quốc tế...

Trong những ngày này, nhiều người lại nhắc đến sự kiện Gạc Ma vào tháng 3. 1988, về những người đã hy sinh vì biển. Máu của người Việt đã thấm mặn biển đảo của Tổ quốc, như màu cờ không phai!

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cướp biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO