Tại hội thảo về văn hóa phi vật thể trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V, khi nói về lễ hội đâm trâu, GS-TS. Lưu Trần Tiêu (Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia) cho rằng, nếu chỉ “diễn” để làm du lịch thì không còn ý nghĩa. Nhưng hiện tại, ngay cả khi dân làng tổ chức lễ hội theo ý nguyện, cũng đối diện nhiều mối lo…
Tục cúng máu sống
Ở miền núi Quảng Nam, lễ hội đâm trâu thấp thoáng bóng dáng của tục hiến sinh bằng máu sống kỳ lạ dọc Trường Sơn. Đi dọc theo lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2, hễ thấy có cây nêu vứt bên đường là biết ở làng cạnh đó vừa mở hội đâm trâu. Tháng 3, mùa con ong đi lấy mật cũng là lúc đồng bào Co, Ca Dong, Xê Đăng… vào hội ăn trâu huê, còn đâm trâu lá thì không ràng buộc về thời gian. Gây chú ý nhất là chương trình phục dựng lễ hội truyền thống của đồng bào Co vừa mở tại xã Trà Kót, do ngân sách huyện Bắc Trà My tiếp sức…
Lễ hội đâm trâu mừng gươl mới ở Đông Giang. Ảnh: H.X.H |
Theo khảo tả trong cuốn Phong tục - tập quán - lễ hội Quảng Nam (Sở VH-TT Quảng Nam, năm 2004), đâm trâu là phong tục hiến sinh lâu đời. Người Ca Dong chia lễ đâm trâu thành 2 hình thức: ăn trâu huê và ăn trâu lừng gưng (trâu thường, trâu lá). Người Bh’noong có lễ chaca, người Cơ Tu có lễ prơgiê râm và prơngot. Chọn con trâu có giá trị lớn để hiến sinh, theo quan niệm của đồng bào, là để… trả thù. Các già làng truyền miệng với nhau rằng, ngày xưa ông trời sai trâu mang hạt giống xuống hạ giới phân phát cho con người để cày cấy, nhưng trâu ở lại đồng bằng và phân phát hết hạt giống nên người miền thượng không có lúa gieo tỉa, thường xuyên đói kém. Vì thế, hằng năm dù được hay mất mùa, trâu vẫn bị giết để hiến tế…
“Giờ vẫn thấy rải rác đâu đó vì người ta còn tin vào thần linh ma quỷ. Đến lúc nuôi được con trâu lớn chỉ nghĩ đến chuyện… bán lấy tiền, thì coi như lễ hội kiểu này sẽ hết luôn”. (Ông LÊ VĂN NẾP, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi huyện Nam Trà My) |
Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Tri Hùng (Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam), lễ hội đâm trâu vốn có xuất phát điểm từ tập tục cúng máu sống của các tộc người dọc dải Trường Sơn, từ bắc Tây Nguyên trở ra đến Quảng Trị. Mà tập tục hiến sinh máu sống này lại dính dáng đến một hình thức man rợ hơn: tục săn đầu người. Những kẻ săn máu (Les Chasseurs de Sang), cuốn sách của Le Pichon, đã đề cập câu chuyện săn máu của tộc người Cơ Tu để hiến tế. Năm 1949, Quách Xân (người nghiên cứu và phiên âm chữ viết Cơ Tu và Ca Dong) đã chứng kiến cảnh đồng bào ở xã Ba thuộc huyện Hiên cũ đi “săn máu” cúng Giàng sau nhiều năm liên tiếp mất mùa. Câu chuyện này được chính Quách Xân kể lại cho ông Nguyễn Tri Hùng hồi năm 1988.
Dần dà, tập tục man rợ ấy cũng được loại bỏ khỏi cộng đồng. Thay vào đó, đồng bào chọn trâu để đâm. Ban đầu hiến tế trâu trắng, sau quý hiếm quá bèn đâm trâu đen. Thậm chí, nhiều làng nghèo khó chuyển sang… đâm bò, như từng xảy ra ở Arooih (Đông Giang), Ta Bhing (Nam Giang).
“Người giàu cũng khóc”
Nhìn số đầu trâu, đoán giàu nghèo Ở vùng cao, khi khách đến chơi thường quan sát vách nhà, xem có nhiều đầu trâu treo hay không. Bởi, có làm ăn khấm khá mới giết nhiều trâu để tế lễ thần linh, chiêu đãi dân làng. Một quy định bất thành văn: Người muốn được bầu làm trưởng nóc phải tổ chức ít nhất 3 lần. Ở các làng Xê Đăng, ai tổ chức 5 lần đâm trâu sẽ được giới thiệu “ứng cử” vào vị trí già làng. |
“Bây giờ kinh tế khó khăn quá, mỗi lần mở hội rất tốn kém, nên làm không nổi” - ông Lê Văn Nếp, 61 tuổi, Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi huyện, nguyên Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Trà My than vãn. Ông Nếp nhẩm tính mỗi hộ đứng ra đâm trâu tốn kém hàng chục triệu đồng. Chỉ riêng khoản rượu cũng ngốn chừng 30 - 40 ché, mỗi ché lớn tốn 4 ang gạo, để cho ra 600 - 800 lít rượu. Trâu thì phải chọn con có cổ to, chứ loại “chút chút” không ai thèm đâm. Heo cũng phải 2 - 3 con, rồi gà vịt, thóc, nếp nướng cơm lam… đủ đãi vài trăm khách đến từ khắp nơi. Sống ở xã Trà Mai (Nam Trà My) ngót 40 năm nay, ông Nếp bảo từ khi có chủ trương xóa đói giảm nghèo thì riêng làng ông ít nghe kể chuyện ăn trâu huê. Vùng Tăk Pỏ - Trà Mai chính là xứ sở ăn trâu huê của đồng bào Ca Dong mà danh tiếng già làng Teng đến nay vẫn còn nhắc đến, vậy mà nhiều năm liền vẫn không tổ chức nổi. “Nhà giàu mới lo nổi. Có khi 100 hộ mới có 1 - 2 hộ đủ sức làm. Giờ vẫn thấy rải rác đâu đó vì người ta còn tin vào thần linh ma quỷ. Đến lúc nuôi được con trâu lớn chỉ nghĩ đến chuyện… bán lấy tiền, thì coi như lễ hội kiểu này sẽ hết luôn” - ông Lê Văn Nếp dự đoán.
Đâm trâu huê quy mô, cầu kỳ và tốn kém hơn rất nhiều so với trâu lá. Tục đâm trâu lá vẫn duy trì ở nhiều xã thuộc Nam Trà My, Bắc Trà My và các huyện miền núi khác. Năm 2011, tại Trà Bui có đến mấy chục hộ “thực hiện lời hứa” với thần linh. Năm ngoái, đến lượt cả chục hộ ở xã Trà Nam mở hội. Hồi tháng 3 năm nay, già làng Đinh Văn Xây, người Ca Dong ở làng K25 xã Trà Tân (Bắc Trà My) đã cho đâm con trâu khoảng 20 triệu đồng, chưa kể heo gà rượu nếp đủ để mời vài trăm khách… “Hoành tráng” là vậy, nhưng để lo chu đáo thì không hề đơn giản. Nếu đâm trâu huê, kinh phí cả làng góp lên đến cả trăm triệu đồng; còn đâm trâu lá do một gia đình lo liệu cũng ngốn hàng chục triệu đồng. Mức độ tốn kém do tập tục này rất lớn, thậm chí “người giàu cũng khóc”. Thường gia chủ phải chuẩn bị ngót 2 - 3 năm, từ tiền bạc đến heo gà, lúa gạo. Khi trâu béo thóc đầy lại cất công lên rừng săn bắn, xuống suối bắt cá… Từ ngày chính thức đâm trâu đến khi treo chiếc đầu trâu lên vách nhà thường kéo dài cả tuần. Tàn hội, có gia đình ôm đống nợ phải nhiều năm sau mới trả hết.
HỨA XUYÊN HUỲNH