(QNO) - Lần đầu tiên Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng áp dụng kỹ thuật ECMO (oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) cứu chữa thành công một bệnh nhân bị viêm phổi nặng do nhiễm cúm AH3 - Bội nhiễm phổi.
Bệnh nhân được chữa trị khỏi cúm AH3 là anh Huỳnh Bá Phúc (17 tuổi), trú thôn Cẩm Sa, Điện Nam Bắc, Điện Bàn nhập viện tối 14.4 (chuyển từ Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Nam) trong tình trạng tụt huyết áp, hôn mê sâu, suy hô hấp cấp rất nguy kịch. Ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhân, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đã tiến hành khẩn cấp việc cấp cứu và cho thở máy; tiến hành siêu lọc máu, dùng thuốc kháng sinh. Qua kiểm tra và hội chẩn cũng như xét nghiệm, chụp phim cho thấy, phổi của bệnh nhân trong tình trạng trắng xóa cả hai bên, chỉ số oxy hóa máu xuống rất thấp, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi nặng do cúm AH3 - bội nhiễm phổi gây ra.
Trước tình trạng này, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng đã quyết định tiến hành thực hiện kỹ thuật ECMO với sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai. Sau 7 lần thực hiện ECMO kết hợp siêu lọc máu, dùng thuốc an thần, thực hiện kỹ thuật nội soi tại giường cùng các biện pháp chăm sóc tích cực nghiêm ngặt khác, phổi của bệnh nhân dần được cải thiện, các thông số máu ổn định, đến ngày 5.5, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, ăn uống được và xuất viện về nhà.
Bệnh nhân Huỳnh Bá Phúc đã được cứu chữa thành công nhờ phương pháp ECMO |
Được biết, ECMO là tên viết tắt của phương pháp Oxy hóa qua màng ngoài cơ thể (Extracorporeal Membrane Oxygenation). Đây là phương pháp sử dụng tuần hoàn và trao đổi oxy bên ngoài cơ thể nhằm hỗ trợ chức năng sống ở các bệnh nhân suy tuần hoàn hoặc suy hô hấp nặng. Với nguyên lý hoạt động tương tự như máy tim phổi nhân tạo, mục tiêu của ECMO là tạo thời gian cho tim và phổi được nghỉ ngơi hồi phục, giảm chấn thương áp lực và ngộ độc oxy ở phổi. Tuy nhiên, phương pháp điều trị này khá phức tạp và rất tốn kém với số tiền chi phí mỗi ca bệnh lên đến hàng trăm triệu đồng và không nằm trong danh mục bảo hiểm y tế.
KHÁNH LINH