Đã thấy mùa xuân

NGUYỄN THỊ NHƯ HIỀN 13/02/2022 08:26

Cạnh phòng trọ Mai ở là phòng của ông Bảy. Ông Bảy chừng 70 tuổi, ở trọ một mình, tóc đã nhiều sợi bạc, làn da nhăn nheo và đầy vết đồi mồi. Mọi người trong xóm trọ này vẫn thường gọi là ông Bảy cải lương. 

Bởi đi ngang phòng ông lúc nào cũng nghe tiếng đờn ca tài tử phát ra từ chiếc điện thoại cũ mèm. Những buổi tối tăng ca về muộn, Mai vẫn thường thấy ông ngồi gật gù ở con hẻm đầu dãy trọ để bán trứng vịt lộn. Khuya khoắt, ánh đèn vàng chảy xuống vai ông trông thật buồn. Những lúc như thế, Mai thường ghé mua ủng hộ ông hai cái trứng. Đưa trứng cho Mai, ông Bảy cười móm mém hiền khô, khoe hàm răng đã mất vài chiếc.

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

Về khuya, Mai thường nghe tiếng ông Bảy húng hắng ho. Thành phố mùa này gần sáng trời trở lạnh. Cái lạnh không thấm vào da thịt như quê Mai nhưng cũng đủ làm mấy khớp gối của người già đau nhức. Mai nhớ mùa lạnh ở quê. Những buổi tối, má thường bê một chậu than hồng đỏ rực lên giữa nhà. Ba vừa ngồi bên nồi than, vừa xoa cái khớp gối đau nhức. Hình ảnh ông già phòng bên làm cho Mai nhớ đến ba. Cũng hai năm rồi Mai chưa về ăn tết vì dịch giã.

Quê ông Bảy ở tận Cà Mau. Cái xứ xa lắc xa lơ Mai chưa từng đặt chân đến. Ông Bảy ít ngủ, thường bật mấy bài đờn ca mùi mẫn lên nghe. Mai nghe hoài rồi thấm, biết ông già cũng đau đáu nỗi nhớ quê. Thấy ông ở một mình Mai thương. Xóm trọ công nhân này ai cũng nghèo nhưng ít ra sớm tối còn có người hủ hỉ vui buồn. Như Mai còn có chồng có con, buổi tối còn nghe thằng bé lên 5 bi bô cười nói. Thằng bé con Mai mến ông Bảy. Ông thường dành phần nó trái chuối, mấy viên kẹo đã nhàu vỏ chẳng biết để từ lúc nào.

Mai thường mang cho ông Bảy khi thì tô canh, khúc cá kho. Nhiều lúc sang gọi con về ăn cơm thấy nồi cơm nguội ngắt nguội ngơ với trứng luộc giằm nước tương khiến Mai thương quá chừng. Mai nghe ông Bảy kể, cuộc đời ông quá nửa làm kiếp thương hồ theo sông rạch rày đây mai đó. Nửa đời người không có lấy miếng đất cắm dùi nên vợ chồng con cái cứ quẩn quanh trong chiếc thuyền chật hẹp. Mai buột miệng hỏi, vậy chớ vợ con ông đâu rồi? Ông trầm ngâm bảo một mùa nước nổi, họ nằm lại ở một khúc sông. Đau quá, ông bỏ xứ mà đi. Bởi tới khúc sông nào cũng như nhìn thấy vợ ngồi giặt áo, thấy thằng con bi bô nói cười. Mai lặng người đi. Từ đó Mai không bao giờ hỏi nữa, nỗi đau của người ta Mai không dám đụng vào.

*
*           *

Xóm trọ của Mai chỉ chừng mươi phòng nhưng toàn dân tứ xứ. Ông Bảy quê Cà Mau, Mai quê Quảng Nam, vợ chồng anh Chiến ở tận Hà Tĩnh. Có người ở tận miền núi phía Bắc xa lắc... Anh Chiến vui tính, mỗi lần nhậu ngà ngà say lại buông câu hát “Chứ đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh. Nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông La, nhớ biển rộng mà quê ta...”. Mà câu hát như là câu cửa miệng của anh. Vui cũng hát, buồn cũng hát. Ngồi rửa chén, lặt rau cũng “cũng nhớ về Hà Tĩnh”. Hai ba tháng Chạp, phòng trọ Mai lục tục có người kéo vali về quê. Những lúc thấy người ta khoác ba lô, lòng Mai cứ cộm lên nỗi xốn xang. Chồng Mai xoa xoa vào lưng vợ bảo thôi ráng năm sau về. Anh Chiến có lần thấy Mai đứng tần ngần trông theo bóng một cô gái trong xóm trọ mà bảo:

- Phụ nữ các cô hay thật, như vợ anh đó, mạnh mồm nói không về mà đến lúc thấy người ta về lại thấp thỏm không yên.

Mai cười. Mai biết anh nói thế chứ lòng anh có khác gì Mai. Như chợt nhớ ra điều gì, anh nói với Mai:

- Em có để ý thấy mấy nay ông Bảy khang khác không? Đêm qua anh thấy ông không ngủ, cả đêm ngồi đốt thuốc ngoài cửa phòng trọ đó.

Mấy nay việc trong xưởng bận bịu, tăng ca tới chín, mười giờ đêm mới về nên Mai không để ý. Đêm qua, lúc đi ngang ngã ba đầu con hẻm cũng không thấy ông ngồi bán trứng vịt lộn. Hay là ông bệnh hay có tâm sự gì? Mai ghé qua phòng thấy ông Bảy nằm buồn thiu. Thấy Mai sang, ông chống tay ngồi dậy, bảo Mai ngồi chơi.

- Ông có bệnh hay mệt ở đâu trong người không?

Ông lắc đầu:

- Bệnh gì đâu con. Mấy nay trời lạnh hay đau cái đầu gối, mà quanh năm nó cũng kêu lạo xạo rồi.

- Vậy sao con thấy ông hôm qua không đi bán trứng? Con và anh Chiến cứ lo ông bệnh.

Ông Bảy thở dài, bảo hôm qua mình kêu xe ôm ra bến xe miền Tây coi vé xe về quê. Vé xe mấy trăm thì ông đủ nhưng đợt này về quê ông muốn làm thêm vài việc nữa nên sợ thiếu. Ông Bảy bảo, đột nhiên đêm hôm trước ông mơ thấy vợ con. Mọi thứ cứ rõ mồn một. Ngoảnh lại, thấy mình tóc đã bạc, lưng đã còng, không biết mình còn ráng tới năm sau không. Mai nhìn kỹ, thấy ông nay gầy hẳn đi, nỗi buồn như kéo đôi vai ông trì xuống.

Đợt dịch bùng, phòng trọ Mai nhiều ca nhiễm. Ông Bảy cũng nằm trong số người bị đưa vào khu dã chiến điều trị. Ông Bảy già rồi, sức khỏe lại yếu, biết có chống chọi lại con vi rút khủng khiếp đó không. Rồi một bữa ông Bảy về. Thấy cái dáng gầy nhom của ông đi bộ từ đầu con hẻm vào phòng trọ khiến Mai mừng đến rơi nước mắt. Bữa đó, ông Bảy cười hỉ hả, nói với thằng bé con Mai rằng ông đã bẻ cổ được con cô-vi.

Qua cái lần ở lằn ranh sống chết đó đột nhiên Mai thấy ông Bảy thường trầm ngâm suy nghĩ. Ở trọ tại đây cũng ngót nghét 8 năm, Mai chưa nghe ông Bảy tính chuyện về quê bao giờ. Quê hương như chiếc dằm trong lòng ông vậy, cứ đụng vào là nghe nhức nhối. Ông bỏ xứ từ Cà Mau qua Long An, Bình Dương, rồi ở Sài Gòn. Hai mươi năm, cuộc đời ông cứ như chiếc thuyền lênh đênh không bến. Ông bảo, khi nằm trong bệnh viện dã chiến, ông đã nghĩ mình chết. Ở cái tuổi 70 của ông, cũng chẳng ham sống nữa. Nhưng mà ông thèm được nằm xuống nơi quê nhà. Dưới quê ông còn một cô em gái, từng ấy năm xa quê bây giờ ông muốn được quay về...

Anh Chiến sang phòng Mai hỏi chuyện ông Bảy. Mai kể cho anh nghe chuyện ông Bảy muốn về quê. Nghe xong anh Chiến cũng thở dài y như cái thở dài của Mai vậy. Anh trầm ngâm nhìn mấy tia nắng cuối ngày xiên qua sân dãy trọ. Con Mai, con anh Chiến đang đuổi nhau cười giòn tan.

Tối đó, anh Chiến qua phòng, nhét vào tay Mai hai triệu đồng, nói nhỏ:

- Em mang sang cho ông Bảy, đừng bảo tiền của anh, nói sợ ổng không nhận.

Mai lặng người, móc trong túi của mình ra một triệu:

- Anh em mình nghĩ giống nhau quá, em đang định mang sang cho ông đây. Mà tiền của anh thì anh cứ nói, ông sẽ hiểu cho tấm lòng của anh em mình mà.

Ông Bảy đẩy mấy tờ tiền về phía Mai và Chiến, lắc đầu lia lịa. Ông nói sống tới tuổi này không muốn mắc nợ ai. Huống chi Mai và Chiến có hơn gì ông đâu. Mai cầm lấy bàn tay ông:

- Tụi con còn trẻ lắm. Tết này không về thì tết năm sau, năm sau nữa ông lo gì…

Ba người đẩy qua đẩy lại. Cuối cùng ông Bảy đành nhét mấy đồng tiền vào túi áo. Trên đôi mắt nhăn nheo của ông, Mai thấy có dòng nước mắt ứa ra. Ông Bảy bảo qua tết, khi nào có ngày nghỉ Mai và Chiến dắt con xuống quê ông chơi. Ông nấu lẩu mắm, mắm kho chấm với bông lục bình ngon hết sảy. Ông đi bẻ bông súng, bông điên điển về nấu canh chua. Ra vườn chặt dừa nước vô uống. Ông bảo sẽ dẫn tụi nhỏ đi tắm sông, ra đồng tát đìa xúc cá… Mắt hấp háy, chừng như cả cánh đồng xào xạc gió qua lời ông.

Mai và anh Chiến giúp thu dọn đồ đạc để sáng mai chở ông ra bến xe miền Tây sớm. Mà phòng ông có gì đâu mà dọn. Cái nồi to để luộc trứng vịt lộn ông để lại cho Mai. Mấy cái chén, cái bát ăn cơm ông để lại cho anh Chiến. Chỉ có mấy bộ đồ nhét vào chiếc ba lô cũ mèm là xong hành lý của một ông già tha hương. Nhét chiếc áo cuối cùng của ông Bảy vào ba lô, tự nhiên Mai ứa nước mắt. Mai buồn y như hồi mình gói hành lý theo chồng vô Sài Gòn.

*
*         *

Buổi sáng, Mai và anh Chiến chở ông Bảy ra bến xe miền Tây. Vài ngày nữa là tết nhưng bến xe vắng hơn mọi năm. Chuyến xe Sài Gòn về Cà Mau lao xao tiếng người. Nắp hầm xe bật lên, Mai thấy những kiện hàng to tướng được xếp gọn gàng. Anh lơ xe hô to ai không phải hành khách xuống xe để rộng chỗ cho người ta đi lên. Mai siết chặt tay ông Bảy, chào ông rồi nhanh chân đi xuống. Mai bảo anh Chiến lái xe đi nhanh, đứng nữa chắc Mai khóc mất. Anh Chiến cười hiền lành, đưa tay vẫy chào ông Bảy rồi lái xe rời đi.

Ra khỏi cổng bến xe, ngoặt lên một đoạn Mai thấy người ta bày những chậu mai bé xíu rất xinh. Những chậu mai đầy búp, vài bông nở vàng rực. Bỗng Mai bảo anh Chiến ghé lại, mua vội một chậu rồi quay ngược lại bến xe. Mai dáo dác nhìn. May quá, chiếc xe về Cà Mau đang nổ máy nhưng chưa chạy. Mai ôm chậu mai chạy lại, gõ vào thành xe nhờ tài xế mở cửa. Tài xế càu nhàu gì đó nhưng cũng nhanh tay bấm nút, chiếc cửa mở ra. Mai ôm chậu cây lên đặt vào tay ông Bảy:

 - Mang tết về quê nha ông. Mai mốt tụi con xuống Cà Mau thăm ông.

Ông Bảy run run ôm chậu mai như ôm cả mùa xuân trong lòng.

Trên đường về, anh Chiến rủ vợ chồng Mai chiều nay đi sắm tết với vợ chồng anh. Mua ít bánh mứt, mua củ kiệu về làm dưa món. Anh bảo mình sẽ mua vài ký nếp, ra chợ mua mớ lá chuối về gói bánh tét. Cái sân nhà trọ rộng rãi, mình kê mấy cục gạch nổi lửa canh bánh chín giao thừa. Mai cười, bảo mình sẽ đi mua ít thịt heo về ngâm nước mắm. Tết này sẽ đãi vợ chồng anh Chiến món bánh tráng cuốn thịt heo đặc sản Quảng Nam quê mình.

Dọc đường, hoa tết đầy màu sắc bày bán hai bên đường. Trong lòng Mai dâng lên niềm vui lạ kỳ, thấy mùa xuân thật gần…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đã thấy mùa xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO