Theo tổ chức Kỷ lục Việt Nam, 8 kỷ lục châu Á mới của Việt Nam được xác lập vào cuối tháng 10 vừa qua. Tám kỷ lục này gồm những đặc sản là quà tặng của Việt Nam từ khắp vùng miền trên cả nước.
Người Co xã Trà Kót chăm sóc rừng quế. Ảnh: TẤN VỊNH |
Tám kỷ lục này, nằm trong hành trình quảng bá món ăn đặc sản của Việt Nam do tổ chức Kỷ lục Việt Nam đề cử lên tổ chức Kỷ lục châu Á đóng tại thành phố Faridabad, bang Haryana và thủ đô New Delhi - Ấn Độ. Đây là những đặc sản quà tặng độc đáo của các vùng miền Việt Nam được so sánh đối chiếu với các đặc sản quà tặng của các quốc gia châu Á. Đó là bánh đậu xanh Hải Dương, chè Thái Nguyên, sâm Ngọc Linh, cà phê Buôn Ma Thuột, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng - Tây Ninh, bánh phồng sữa dừa Bến Tre, hồ tiêu Phú Quốc, quế Trà Bồng... Trong các đặc sản quà tặng được ghi nhận kỷ lục có đến hai đặc sản của vùng Nam Ngãi là quế Quảng và sâm Ngọc Linh. Nơi đây là địa bàn sinh sống của dân tộc Co và Xê Đăng.
Sâm Ngọc Linh là sản phẩm đặc hữu của xứ Quảng và Kon Tum. Người Xê Đăng đã biết đến loại biệt dược này với tên gọi “thuốc giấu”. Nó còn có nhiều tên gọi khác là sâm đốt trúc, sâm K5. Trong chiến tranh, Ban Dân y khu 5 đã tìm thấy và đưa vào danh mục cây thuốc quý. Từ ngày phát hiện đến nay, nó được nhiều người, nhiều nhà khoa học về sinh vật học, dược học chú ý. Sâm Ngọc Linh được cho là một loại sâm tốt nhất thế giới bởi hàm lượng saponin cao và nhiều hoạt chất có tác dụng chữa bệnh và bồi dưỡng sức khỏe. Hiện nay, sâm Ngọc Linh đã trở thành thứ hàng hóa đắt giá, mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Với bà con ở núi rừng Nam Trà My, đây là cây “xóa đói giảm nghèo”. Một ký sâm tươi thời giá hiện nay lên đến 50 triệu đồng. Vì thế, Sâm Ngọc Linh xứng đáng trở thành đặc sản quà tặng bởi tổ chức Kỷ lục châu Á. Sản phẩm sâm Ngọc Linh gồm rượu ngâm sâm, sâm ngâm mật ong, các loại thuốc chế biến từ củ sâm, nước uống giải khát từ lá sâm... Một lọ sâm nhỏ ngâm mật ong của Công ty Dược Quảng Nam bán ra thị trường với giá 1,2 triệu đồng.
Các sản phẩm mỹ nghệ làm từ thân cây quế. Ảnh: Cao Chư |
Quế là một loại cây trồng rất quan trọng của người Co. Người Co trồng quế bạt ngàn, nhưng chỉ dành lại một vài mẩu quế nhỏ để dùng chữa bệnh, hầu hết quế trồng chỉ để bán. Chính mặt hàng quế độc đáo dẫn đến sự thịnh hành trong giao lưu buôn bán giữa người Co với người Việt. Quế vùng người Co ở Trà Bồng và Trà My đều gọi chung là quế Quảng. Với người Co, quế là cây trồng quen thuộc, đến nỗi nói đến người Co là nói đến cây quế. Ở vùng người Co sinh sống, từ xa xưa quế được trồng thành rừng. Tục người Co khi sinh con, trồng một cây quế non để lại cho con, khi con lớn thì quế cũng đã lớn, lúc lấy vợ lấy chồng thì được chia cho một số gốc quế để làm của riêng. Đến vùng người Co bây giờ, người ta còn thấy các loại áo dài lễ bằng lụa là, các loại mâm đồng thau, ché rượu bằng gốm sứ… chính là những hàng hóa mà từ xưa người Co đổi quế cho người Kinh, người Hoa. Từ cây quế, đồng bào Co đã tạo ra nhiều sản phẩm như tăm, bình hồ lô, hộp đựng đồ trang sức... Đồng bào Co khai thác vỏ quế kẹp thành quế kẹp, quế ống, cung cấp cho các cơ sở thu mua xuất khẩu thu lại nguồn lợi không nhỏ.
Trong lịch sử, vùng đất Nam Ngãi vốn nổi tiếng về các đặc sản hàng hóa. Chúng dùng để tiến vua, bán cho nước ngoài qua các thương cảng như Hội An, Cửa Hàn... Các hội chợ quảng bá sản phẩm, giới thiệu nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, dược phẩm, quế và sâm xứ Quảng luôn có mặt, hấp dẫn người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Ngày nay, một số sản phẩm như sâm Ngọc Linh, quế Trà My, Trà Bồng được ghi tên vào danh mục đặc sản quà tặng bởi tổ chức Kỷ lục châu Á. Đó là niềm tự hào của người dân xứ Quảng bởi nơi đây không chỉ có di sản văn hóa của nhân loại mà còn có những sản phẩm quà tặng nức tiếng của châu lục, góp phần làm giàu cho quê hương xứ sở.
TẤN VỊNH