(QNO) - Sáng 22.11, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm ông Nguyễn Đức Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội; ông Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh có cuộc tiếp xúc cử tri huyện Nam Trà My.
Quang cảnh cuộc tiếp xúc cử tri Nam Trà My sáng 22.11. Ảnh: N.Đ |
Quốc hội quyết định nhiều vấn đề quan trọng
Thông tin đến cử tri địa phương về kết quả Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Đức Hải cho biết, tại kỳ họp này, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đây là nội dung quan trọng, được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm, đánh giá cao.
Đồng thời, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ TT&TT đối với ông Trương Minh Tuấn và bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Hùng giữ chức vụ này. Công tác nhân sự tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Một nội dung quan trọng khác là Quốc hội đã hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Ông Nguyễn Đức Hải khẳng định: “Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai một cách thận trọng, chu đáo, trách nhiệm, nghiêm túc, theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục của Nghị số 85/2014/QH13”.
Cử tri Nam Trà My phát biểu kiến nghị đến các ĐBQH. Ảnh: N.Đ |
Theo ông Nguyễn Đức Hải, kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy các ĐBQH đã đánh giá khách quan, công tâm, thẳng thắn và thể hiện rõ mức độ tín nhiệm của mình đối với từng chức danh. Các cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm đều có sự ghi nhận về mức độ cố gắng, đóng góp, cống hiến trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ. Đây là cơ sở để người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Ngoài ra, Quốc hội đã xem xét, quyết định các vấn đề về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; trong đó, có báo cáo đánh giá về kết quả 3 năm thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Quốc hội yêu cầu Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10.2019) để thực hiện từ năm 2021.
Kết thúc kỳ họp, trên cơ sở thảo luận, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 9 luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.
Cử tri huyện Nam Trà My đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội; nhiều nội dung mà cử tri địa phương có phản ánh, kiến nghị đã được chuyển tải đến diễn đàn Quốc hội. Cử tri cũng mong muốn các nội dung thông tin về hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh tại các kỳ họp sắp tới cần được chuyển tải kịp thời, thường xuyên để bà con cử tri của tỉnh theo dõi, nắm bắt.
Nhiều kiến nghị
Từ thực tiễn của địa phương, cử tri huyện Nam Trà My phản ánh: Thực hiện chủ trương đầu tư lưới điện tại Nam Trà My, ngành điện đã đầu tư được giai đoạn 1, đưa vào sử dụng 27 công trình trạm biến áp trong năm 2017, tăng hơn 15% hộ sử dụng điện. Theo cam kết của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với UBND tỉnh thì đơn vị này sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 thêm 50 trạm biến áp theo danh sách rà soát.
Tuy nhiên đến nay, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (đơn vị làm chủ đầu tư) chưa có động thái gì về đầu tư giai đoạn 2. Người dân địa phương rất trông chờ, vì các danh mục đã giao cho EVN thì không được đưa vào các dự án khác. Từ đó làm ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án khác, trong đó có bố trí dân cư, xây dựng nông thôn mới.
Cử tri Ngô Tấn Lạc - Chánh Văn phòng Huyện ủy Nam Trà My kiến nghị: “EVN tiếp tục đầu tư 50 trạm biến áp giai đoạn 2; UBND tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 mà tỉnh đã có Quyết định 716 ngày 10.3.2014”.
Các ĐBQH tỉnh tặng 20 suất quả (1 triệu đồng/suất) cho học sinh khó khăn, hiếu học của huyện Nam Trà My. Ảnh: N.Đ |
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, cử tri Nguyễn Văn Xuân - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My nói: Thực hiện Nghị quyết Trung ương số 19 (khóa XII), ngành GD-ĐT huyện phải cắt giảm 83 biên chế, dẫn đến thiếu giáo viên đứng lớp, không đảm bảo cho việc phải dạy hai buổi trong ngày theo yêu cầu. Việc cắt giảm nhân viên cũng sẽ ảnh hưởng đến xây dựng trường chuẩn quốc gia theo các nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện đề ra.
“Trung ương, tỉnh nên có chính sách đãi ngộ cho giáo viên vùng sâu, vùng xa nhằm thu hút, giữ được những giáo viên cốt cán, công tác lâu năm, giàu kinh nghiệm, giỏi nghề. Bởi lẽ sau thời gian dài công tác, gắn bó với miền núi thì những giáo viên này chuyển về đồng bằng” - ông Xuân kiến nghị.
Trong khi đó, cử tri Hồ Văn Bút (xã Trà Don) kiến nghị, cây sâm Ngọc Linh có giá trị kinh tế cao, đang được bà con tập trung trồng nhằm phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu. Do chưa chủ động được nguồn giống, thiếu cây giống nên bà con mong muốn Trung ương, tỉnh quan tâm hỗ trợ về cây giống để có điều kiện mở rộng diện tích trồng sâm, góp phần giữ rừng.
Chăm lo phát triển miền núi
Tiếp thu các ý kiến phát biểu, kiến nghị của cử tri địa phương, đại biểu Phan Việt Cường - Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh đã có giải đáp cụ thể từng vấn đề trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, chính sách, giao thông, phòng chống tham nhũng.
Đại biểu Phan Việt Cường khẳng định, Trung ương, tỉnh luôn có hỗ trợ tích cực cho bà con miền núi phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 05 về phát triển kinh tế - xã hội miền núi; cụ thể hóa nghị quyết này, UBND tỉnh đã có các đề án triển khai. Trong đó, có chính sách khuyến khích phát triển cây dược liệu trên địa bàn, bài bản, hiệu quả theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với giảm nghèo bền vững.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Việt Cường lưu ý: “Chính phủ, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc phát triển cây sâm Ngọc Linh, phát triển phải gắn với bảo tồn được nguồn gen, giống sâm gốc, không để xảy ra việc đưa cây giống lai tạo vào trồng. Bà con cử tri không vì thấy giá trị kinh tế trước mắt mà ồ ạt đưa cây giống lạ vào trồng, làm ảnh hưởng đến nguồn cây giống bản địa. Tỉnh sẽ xây dựng hành lang pháp lý để bảo vệ nguồn gen giống quý hiếm của sâm Ngọc Linh”.
NGUYÊN ĐOAN