Đại Cường diễn tập ứng phó thiên tai

HOÀNG LIÊN 10/10/2016 08:33

(QNO) - Cuộc diễn tập phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) do UBND xã Đại Cường (Đại Lộc) phối hợp với Ban quản lý Dự án Quản lý thiên tai (WB5) tỉnh triển khai trong 2 ngày qua, tại thôn Mỹ Phiếm thu hút hàng trăm cán bộ, nhân dân xã nhà hưởng ứng.

Ứng phó tại vùng “rốn lũ”

Là xã nằm ở phía tây Đại Lộc, được bao bọc bởi các nhánh sông Vu Gia, Thu Bồn và Quảng Huế, lại là vùng trũng thấp, Đại Cường mỗi năm phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai. Trong đó, bão lũ là loại hình gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, đất đai, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, khiến đời sống nhân dân thiếu ổn định, bền vững.

Khẩn trương sơ tán dân vùng có nguy cơ cao đến nơi an toàn. Ảnh Hoàng Liên
Khẩn trương sơ tán dân vùng có nguy cơ cao đến nơi an toàn. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Theo ông Trần Quốc Đạt - Chủ tịch UBND xã Đại Cường, thời gian qua, địa phương không ngừng củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã và các tổ xung kích trên địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân về các yếu tố rủi ro thiên tai, nâng cao nhận thức để nhân dân chủ động hơn trong khâu ứng phó, khắc phục. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của WB5, tại Đại Cường đã diễn ra hai khóa tập huấn, đào tạo về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, phương pháp đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho nhóm cán bộ chủ chốt và nhóm hỗ trợ kỹ thuật của xã. WB5 cũng tổ chức một khóa tập huấn về kỹ năng ứng phó với thiên tai cho đội xung kích PCTT&TKCN của xã với tổng số lượt người tham gia lên tới 70 người. Dự án còn lập kế hoạch PCTT&TKCN năm 2016, lập bản đồ hiểm họa thiên tai cho địa bàn 9 thôn. Nhiều hoạt động truyền thông về biến đổi khí hậu, diễn tập cho địa phương cũng sẽ được triển khai từ nay đến năm 2018.

“Qua các khóa tập huấn, đào tạo, có thể nhận thấy, nhận thức của người dân địa phương, cán bộ nâng lên rõ rệt. Địa phương và nhân dân nhận thức rõ hơn về các mối nguy hại từ thiên tai và có giải pháp PCTT phù hợp với điều kiện của xã trong những năm đến. Và đợt diễn tập quy mô cấp xã lần này có đến vài trăm lượt cán bộ và nhân dân đại diện cho 8.700 cán bộ, nhân dân xã nhà tham gia. Kết quả từ đợt diễn tập sẽ là bài học kinh nghiệm thiết thực đối với địa phương trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai thời gian tới” - ông Đạt nhấn mạnh.

Ứng cứu người bị nạn trong quá trình sơ tán, di dời dân. Ảnh Hoàng Liên
Ứng cứu người bị nạn trong quá trình sơ tán, di dời dân. Ảnh HOÀNG LIÊN

Theo kịch bản ứng phó, tình huống giả định được đưa ra là Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã nhận được thông tin khẩn cấp về cơn bão số 5 trên biển Đông, hướng về bờ biển khu vực Trung Trung bộ. Trong 12 giờ tới, bão số 5 có khả năng đổ bộ vào đất liền trong phạm vi tỉnh Thừa Thiên - Huế tới tỉnh Quảng Ngãi, trong đó Quảng Nam là vùng nằm trong tâm bão. Được sự chỉ đạo của UBND xã, Đài Phát thanh xã lập tức phát đi bản tin về bão số 5 trên đài xã và các cụm loa địa phương để bà con nhân dân nắm rõ. Cùng với đó, Chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Đại Cường triệu tập cuộc họp khẩn cấp cán bộ chủ chốt và các thành viên ban chỉ huy cấp xã triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó. Lực lượng xung kích được lệnh sẵn sàng phương tiện, vật tư, trang thiết bị, thành lập các tổ công tác xuống cơ sở, sẵn sàng ứng phó… Các trường học được lệnh cho học sinh nghỉ học. 

Lực lượng chức năng lập tức ứng cứu tại nhà dân bị sập đổ. Ảnh Hoàng Liên
Lực lượng chức năng lập tức ứng cứu tại nhà dân bị sập đổ. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Tình huống giả định thứ 2 là Ban chỉ huy PCTT&TKCN xã tiếp tục nhận được tin bão số 5 tiếp tục diễn biến phức tạp, lập tức ra lệnh di dời, sơ tán dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao, triển khai phương án sơ cấp cứu người bị nạn trong quá trình di dời, sơ tán. Lực lượng xung kích bám cơ sở hỗ trợ di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Tình huống thứ 3 là trong quá trình sơ tán, di dời, có 3 nạn nhân bị té ngã, một người bị gãy cẳng tay, một người gãy cẳng chân, một người bị thương trong lòng bàn tay. Tình huống thứ 4 là trong khi bão đến, với sức gió giật mạnh, trên địa bàn có 2 nhà dân bị đổ sập, gây thương tích cho một số người dân... Kết thúc đợt diễn tập, Ban chỉ huy PCTT&TKCN và WB5 tổ chức đánh giá, đúc kết kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, điều hành và công tác triển khai PCTT&TKCN.

Cấp cứu nạn nhân bị đuối nước. Ảnh Hoàng Liên
Cấp cứu nạn nhân bị đuối nước. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Có thể nhận thấy, không nhiều những đợt diễn tập ứng phó với thiên tai được tổ chức bài bản, công phu và thu hút sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhân dân như ở Đại Cường. Suốt 2 ngày, tham gia diễn tập không chỉ có thành phần trẻ em, thanh niên, phụ nữ, nông dân, cán bộ mà còn có cả những cụ ông cụ bà ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy". Bởi thường xuyên phải "sống chung với lũ", họ đã nhận thức sâu sắc rủi ro do thiên tai, bão lũ có thể ập đến vùng. So với các thôn khác, Mỹ Phiếm là một thôn nằm biệt lập với khu vực trung tâm xã, khi xảy ra bão lũ, tuyến độc đạo dẫn đến thôn bị chia cắt, cô lập hoàn toàn khiến cho công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai hết sức khó khăn. 

Ông Lê Bình - Trưởng thôn Mỹ Phiếm chia sẻ: "Qua diễn tập, chúng tôi và bà con nhân dân đã học được nhiều kinh nghiệm quý về kỹ năng ứng phó mang tính sống còn. Bà con tỏ ra phấn khởi và nhiệt tình hưởng ứng vì nội dung diễn tập thiết thực, thú vị này..."

Quản lý rủi ro dựa vào cộng đồng

Được biết, Đại Cường là xã thứ hai của huyện Đại Lộc tổ chức diễn tập PCTT&TKCN diễn ra trên quy mô cấp xã với hàng trăm lượt cán bộ, nhân dân tham gia. Theo ông Nguyễn Thương - Giám đốc Ban quản lý Dự án Quản lý thiên tai tỉnh, đến nay, dự án đã hỗ trợ thực hiện chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 của Chính phủ thông qua việc tăng cường khả năng tự phòng ngừa, ứng phó và phục hồi, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra tại các tỉnh thực hiện dự án WB5. Dự án tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý rủi ro thiên tai ở các cấp để cải thiện việc lập kế hoạch và giảm thiểu các rủi ro do thiên tai gây ra. Đặc biệt là tại các khu vực ưu tiên cao thông qua việc sắp xếp các biện pháp công trình hiệu quả từ việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô vừa và nhỏ. Từ nay tới năm 2020, dự án sẽ có khoảng 230 khóa tập huấn về kỹ năng PCTT&TKCN cho cộng đồng, giáo viên và học sinh các xã được tổ chức dưới dạng hoạt động truyền thông như tổ chức các hội thi văn nghệ về chủ đề PCTT, cấp phát tờ rơi, hỗ trợ in ấn pa nô, áp phích, tổ chức các đợt diễn tập quy mô cấp xã hằng năm.

Tai nạn đuối nước là hiểm họa cướp đi sinh mạng của người dân vùng
Tai nạn đuối nước là hiểm họa cướp đi sinh mạng của người dân vùng "rốn lũ". Ảnh: HOÀNG LIÊN

Cũng theo ông Thương, tại Quảng Nam, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 ở 4 xã của Duy Xuyên và đã, đang triển khai các hoạt động phi công trình về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đối với 2 trong 6 xã thuộc vùng B huyện Đại Lộc. “Ngoài tăng cường hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho chính quyền, cho cộng đồng về quản lý, ứng phó và khắc phục rủi ro thiên tai, dự án còn hướng tới việc đầu tư sửa chữa nâng cấp đảm bảo an toàn cho hồ chứa nước Khe Tân, một số hoạt động phi công trình tại 6 xã vùng B Đại Lộc (Đại Thạnh, Đại Chánh, Đại Tân, Đại Phong, Đại Minh và Đại Cường) đã và đang được triển khai trong giai đoạn 2 (2016-2018). Trong đó có hạng mục hỗ trợ xây dựng đường tránh lũ dẫn từ thôn Quảng Đại qua thôn Thanh Vân. Nhiều trang thiết bị văn phòng, thiết bị cứu nạn, cứu hộ thiết yếu phục vụ công tác phòng chống thiên tai cho nhân dân địa phương như máy phát điện, áo phao, cưa máy cầm tay, thuyền máy, loa cầm tay… cũng sẽ được hỗ trợ đến các xã này” - ông Thương nói. Được biết, tổng giá trị hỗ trợ về thiết bị văn phòng cho các xã nói trên là 6.000 USD, thiết bị PCTT là 9.000 USD, công trình quy mô nhỏ là 100.000 USD… 

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Cường diễn tập ứng phó thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO