Đại đội trưởng anh hùng

THANH TƯỜNG (Ghi theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Văn Vân) 29/10/2013 08:30

Tôi đến thăm cựu chiến binh Nguyễn Văn Vân, nguyên Chính trị viên C1, V16 Đặc công tỉnh đúng dịp kỷ niệm 40 năm Đại đội trưởng Ngô Viết Hữu hy sinh. Ký ức về người Đại đội trưởng năm xưa bỗng ùa về. Cựu chiến binh Vân đã kể cho tôi nghe những năm tháng hào hùng gắn liền với cuộc đời anh hùng Ngô Viết Hữu...

Tháng 4.1968, đồng chí Nguyễn Văn Vân được điều động về làm chính trị viên C1 thuộc V16 Đặc công Tỉnh đội Quảng Nam. Sau đó, Ngô Viết Hữu được điều về làm Đại đội trưởng C1. Mới tròn 19 tuổi nhưng anh Hữu rất cao to, đĩnh đạc, giọng nói rắn chắc rõ ràng dứt khoát, nhưng tác phong vẫn mang vẻ nho nhã, thư sinh. Qua bữa cơm trưa đạm bạc, chiều hôm đó Vân và Hữu thâm nhập ngay xuống lán trại, gặp gỡ hỏi han anh em từng trung đội. Tối về, Hữu đề xuất sáng mai tổ chức giao ban, rồi họp đơn vị để anh ra mắt và bắt tay vào huấn luyện ngay. Chỉ mới 2 tháng, mọi công việc được hoàn tất, Hữu xin ý kiến cấp trên cho đơn vị rời căn cứ xuống vùng đông Thăng Bình để vừa huấn luyện vừa chuẩn bị chiến trường.

Đồn Núi Rướng (Rừng Xanh) xã Bình Phục nằm sát nách phía đông quận lỵ Thăng Bình. Để tạo lòng tin, khí thế xung trận, được trên đồng ý, anh hạ quyết tâm với khẩu hiệu “Đã ra quân là chiến thắng, đã đánh là diệt gọn”. Tuy đồn Núi Rướng địch đóng chỉ 2 trung đội nhưng chúng phòng thủ khá quy mô kiên cố, vì là lá chắn phía đông của quận lỵ, mà 6 xã phía đông ta đã giải phóng làm chủ. Với phương châm tác chiến “Nở hoa trong lòng địch” (trong đánh ra), Hữu cùng đại đội hừng hực khí thế xuất quân, dồn hết tâm sức cho trận chiến. Chỉ có 27 đồng chí với lựu đạn thủ pháo, tiểu liên. Lệnh phát hỏa từ đại đội trưởng, lập tức lựu đạn thủ pháo của ta cấp tập phủ vào trận địa. Vì quá bất ngờ, địch không kịp trở tay, ta diệt gọn 2 trung đội, thu vũ khí và rút lui an toàn.

Trận đầu ra quân thắng lợi, cả đại đội mừng vui, Đại đội trưởng Hữu cho đơn vị về dừng chân ở chợ Mù U, xã Bình Giang, khao quân mừng chiến thắng bằng bữa cơm không độn khoai sắn, rồi họp rút kinh nghiệm, biểu dương và phát động thi đua tiếp theo. Anh tiếp tục chỉ huy đơn vị tập kích đánh đồi Hai Gương, miếu Ông Mèo, Vân Tây, đồn Cây Mâm và đánh địch đi càn về dừng chân ở chợ Mù U. Tiếp đó, trên điều đơn vị về vùng tây Thăng Bình, Hữu tổ chức chỉ huy đánh đồn Hố Rổi, cầu Triệu, Minh Huy, Chiêu Liêu, làm địch hoang mang, phải bức rút một số đồn vì sợ trụ không nổi với ta. Ở đồn Đại Trị, địch chỉ đóng 1 đại đội lính địa phương quân nhưng bố phòng rất hiểm hóc. Chúng đóng đồn trên 1 mỏm đất cao hơn mặt ruộng khoảng 1 mét, giữa một cánh đồng rộng lớn xung quanh có cây gai lúp xúp, ngoài chúng rào 7 lớp kẽm gai, địch còn dùng mìn ken dày, có lần đại đội trưởng Hữu cho đi gỡ 5 giờ đồng hồ vẫn chưa xong. Quay về, mời ban chỉ huy họp bàn hiến kế, anh đề xuất chọn sử dụng 1 bộ phận tinh gọn, trang bị đủ đi mở cửa, chuẩn bị xong là đánh luôn.

Theo quy luật hoạt động của địch, cứ 7 giờ sáng là chúng mở mìn để ra ngoài đi càn, chậm nhất là 3 giờ chiều mới quay về đồn. Khi về, chúng cử một bộ phận ở lại đi sau gài mìn lấp ngõ. Hữu nghĩ đây là điều kiện thuận lợi, vì địch càn quét xong đi về rất chủ quan, sơ hở, vậy địch ra ngoài đi càn, ta luồn phía sau tìm địa thế thuận lợi áp sát đợi lúc chúng quay về gài mìn xong, là ta bám theo mở mìn. Đúng như nhận định, địch về đồn ăn chơi bài bạc, ta tranh thủ mở mìn chỉ còn lớp rào trong cùng. Đợi địch ăn chơi say sưa, bộ phận gác đi ngủ, Đại đội trưởng Hữu cho mở nốt lớp mìn còn lại, áp quân vào đợi lệnh. Thời cơ chín mùi, Hữu phát lệnh tiến công, các hướng mũi, vị trí đã phân công xông lên đánh phủ đầu, bọn địch không kịp trở tay. Ta tiêu diệt gọn đại đội địch, thu vũ khí và rút quân an toàn. Các đồn địch lân cận cũng chẳng hay biết điều gì vì điện đài bị ta đánh tắt ngấm ngay từ phút đầu.

Chuyển quân về đứng chân ở vùng trung Quế Sơn, Hữu dẫn 6 anh em đi chuẩn bị chiến trường. Vào đồn Bà Châu thấy địch nằm ngủ la liệt, lính gác sơ sài, kiểm tra xong một vòng ước tính địch có khoảng 1 trung đội, anh bàn ngay với anh em cùng đi, quyết tâm đánh ngay vì đây là thời cơ diệt địch hiệu quả nhất. Như một phương án có sẵn, anh cùng anh em diệt gọn trung đội địch, thu 1 máy bộ đàm và 13 khẩu súng.

Cuối tháng 8.1969, đơn vị hành quân về đứng chân tạm thời ở xã Phước Sơn (Tiên Sơn cũ). Ngày 3.9.1969, đột ngột nhận tin Bác Hồ mất, toàn đơn vị buồn bã. Hữu bàn với ban chỉ huy mở đợt sinh hoạt, phát động “Biến đau thương thành hành động”. Qua thời gian đi chuẩn bị chiến trường, trên quyết định cho đánh đồn Chợ Chiều thuộc xã Bình Tú, Thăng Bình. Đồn này là điểm chốt nối liền với chốt điểm Kế Xuyên và Cây Cốc, Hà Lam để ngăn chặn cắt đứt tuyến hoạt động quan trọng của ta từ vùng tây xuống vùng đông Thăng Bình. Địch đóng ở đồn chợ này có 1 đại đội, được chia thành 2 cụm: 1 trung đội lợi dụng nhà thờ Thiên Chúa trên đường 1, phía dưới là 2 trung đội chiếm đóng trên nền chợ. Địa hình chung quanh là ruộng lúa trì trì đang mùa trổ rộ có độ che khuất, rất thuận cho ta. Nhờ chuẩn bị tốt, xác định mục tiêu cụ thể bằng tai nghe, mắt thấy, tay sờ, tối 30.12.1969, Đại đội trưởng Hữu chỉ huy 29 đồng chí chia làm hai cánh, tạo thành 5 mũi, 2 mũi đánh vào khu địch đóng ở nhà thờ, 3 mũi đánh vào khu chợ. Đúng 23 giờ 45 phút, 5 mũi quân ta áp sát mục tiêu đợi lệnh. Mười lăm phút sau, Đại đội trưởng Hữu lệnh tổ thọc sâu đánh thẳng lô cốt địch, Hữu bất ngờ đánh quật tên lính gác, 5 mũi đồng loạt đánh áp đảo, chỉ trong vòng chưa đầy 3 phút địch tê liệt hoàn toàn. Trong trận này, ta diệt gọn đồn Chợ Chiều, thu bộ đàm và nhiều vũ khí.

(Còn nữa)

THANH TƯỜNG
(Ghi theo lời kể của cựu chiến binh Nguyễn Văn Vân)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại đội trưởng anh hùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO