Đài gương soi dấu hạnh

PHÙNG TẤN ĐÔNG 08/02/2013 14:28

Trước năm 1975, nhà văn Nguyễn Văn Xuân có viết bài “Song Thu kỳ nữ ” với tất cả sự kính trọng về tài năng và nhân cách của một bậc nữ lưu đất Điện Bàn. Có lẽ từ đó bạn đọc hậu sinh mới biết đến thơ và cuộc đời bôn ba hoạt động cách mạng, tư chất nghệ sĩ nhàn dật, thanh tao của bà - một “bà đồ nho” tài tử.

SONG THU Phạm Thị Xuân Chi (1900 - 1970)
SONG THU Phạm Thị Xuân Chi (1900 - 1970)

Song Thu tên thật là Phạm Thị Xuân Chi (1900-1970), sinh trưởng tại làng Đông Bàn (nay là xã Điện Trung, huyện Điện Bàn), cháu nội đại thần Phạm Phú Thứ, con cụ Phạm Phú Lẫm. Sinh trưởng trong một gia đình chuộng văn học, từ nhỏ bà đã được dạy dỗ nghiêm cẩn. Bà được học chữ Hán đến năm 13 tuổi, rồi ra học trường nữ ở Huế. Tại đây, bà hưởng ứng phong trào bãi khóa ủng hộ các nhà cách mạng yêu nước, được sự dẫn dắt của các nhà ái quốc Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Võ Hoành, Nguyễn Quyền vào những năm 20 của thế kỷ XX. Chính vì những hoạt động này, bà bị đuổi học, phải rời làng Đông Bàn vào Nam dấn thân trên con đường cách mạng. Những năm sau đó, bà khi vào Nam khi ra Bắc, đi khắp ba miền đất nước, có lúc phải sang Tàu, Lào, Campuchia... để tránh sự truy nã của địch.

Vào Sài Gòn, bà có duyên may gặp được một số bạn thân cùng chí hướng, cùng đồng hương như cụ Như Sơn tức Thân Trọng (1899-1980), cụ Hoành Chi tức Tống Phước Phổ (1902-1991). Ba người cùng sáng lập Hoài Nam thi xã, một tổ chức sáng tác thơ ca yêu nước, để cùng xướng họa, xiển dương, cổ xúy lòng thương dân yêu nước, ý chí đánh đuổi ngoại xâm. Sáng tác của họ lan truyền nội bộ rồi đến tận tay người thợ trong các nhà máy, xí nghiệp. Nhóm thơ cũng chọn những bài không quá tả, có giá trị văn học để đăng tải trên các báo tiến bộ như Phụ Nữ Tân Văn, Phổ Thông, Văn Hàn, Nhật Báo, Tiếng Dội, Sài Gòn Mới, Tiếng Dân. Bà có gần 9 năm sống cùng anh em trong đại gia đình Hoài Nam thi xã. Năm 1925, bà bị mật thám Pháp bắt tại Nam Vang, giải về giam tại bót Catina Sài Gòn, nhưng do không khai thác được gì nên nhà cầm quyền phải trả tự do. Đến năm 1930, bà bị bắt lần nữa tại Cần Thơ nhưng trốn thoát khỏi tù. Đây là giai đoạn khủng bố trắng của Pháp nhằm đề phòng sự nổi dậy của quần chúng đô thị. Hoài Nam thi xã tan tác, riêng bà sống ở Sài Gòn cho đến cuối đời (1970), đấu tranh nữ quyền không mệt mỏi, là sáng lập viên Hội Bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ ở miền Nam thời bấy giờ.

Một cuộc đời lắm trải nghiệm vui buồn, chìm nổi không khác gì một trang nam tử, Song Thu nữ sĩ để lại khá nhiều câu chuyện thực mà như huyền tích khiến bao người nghe ngỡ ngàng, khâm phục. Nhà văn Nguyễn Văn Xuân trong bài viết trên giai phẩm Khơi Giòng (năm 1973) dẫn lời một người từng sống lâu năm với bà, được bà xem như em và từng xách gói theo bà dạo khắp miền Nam kể một vài chuyện như sau:

Thời đó, tôi (lời người kể) lên 15, 16 tuổi, bà Song Thu đã lớn, lấy chồng và chưa có con. Chồng bà là ông Nghè Q. họ Trương. Ông ta vốn là tay tân học, con nhà khá giả. Ông ta không làm việc quan nhưng lại ham danh vọng. Ông ta làm chỉ điểm cho Pháp. Lúc ấy nhân có biến cố sau thời kỳ Phan Châu Trinh mất, Phan Bội Châu về nước, nhiều trí thức tham gia vào phong trào yêu nước, số người bị bắt khá đông, trong số người liên can có cả Song Thu. Ông Q. bí mật tìm viên chánh mật thám Pháp ở Hội An (người Pháp, có lẽ là Reynaud) để liên lạc, điều tra những ai có liên quan đến phong trào nói trên. Bà Song Thu - cháu Phạm Phú Thứ, đâu có chịu nổi hạng chồng nhơ nhuốc như thế. Bà nhiều lần khuyên can, nhưng chồng bà cứ mê mải công danh, nên bỏ ngoài tai, rốt vẫn chứng nào tật nấy. Cuối cùng, không chịu nổi, xin ly dị nhưng chồng bà một mực ngăn trở. Bà đã đến thẳng tòa công sứ Hội An. Viên công sứ lần đầu tiên thấy một phụ nữ nói tiếng Tây lưu loát thỉnh cầu gặp trực tiếp nên đồng ý tiếp. Chẳng hiểu nội dung câu chuyện ra sao, chỉ biết bà được phép tự do ra đi, đi Sài Gòn.

Chồng bà là một người xảo quyệt, tàn nhẫn, y quyết trả thù vợ. Y biết là sở mật thám của Pháp ở Hội An không đủ thẩm quyền mới tìm cách liên lạc ra Huế, đi đôi với trùm mật thám Trung kỳ Sogny. Y trổ tài khuyển mã, được Sogny chú ý. Sau đó, Sogny đồng ý để y vào Sài Gòn bắt những can nhân có dính líu đến biến cố chính trị, trong đó dĩ nhiên có bà Song Thu, vợ cũ của y...

Khi chồng cũ vào Sài Gòn, bà tìm cách dò cho được nơi y tá túc và nói với  những bạn thân là sẽ gặp y. Ai nấy đều can ngăn, nhưng bà tuyên bố: “Rồi hắn sẽ nhục nhã lén bỏ Sài Gòn chạy về Trung với tụi quan thầy”. Đúng là “đàn bà dễ có mấy tay”, mái tóc óng ả duyên dáng được bà thuê thợ cắt ngang rồi cúp theo kiểu “rẽ” đàn ông, thoắt đã ra dáng một chàng trai với mũ, giày, gậy, kính, hộp xì gà… đúng điệu một công tử Bạc Liêu. Bà vẫy xe kéo, cây can cầm tay, hút xì gà đi đến gặp Nghè Q.

Nghè Q. vừa xuất hiện, “công tử” đứng lên bắt tay lễ phép, nói chuyện bằng giọng miền Nam, bịa ra chuyện “ông T.” nào đó có đến thăm hay không, rồi vờ hẹn sẽ trở lại và mời  lên Chợ Lớn chơi… Sáng hôm sau, Q. nhận được một bức thư với lời lẽ như sau: “Anh Q., tôi nghe nói anh vô Sài Gòn có mục đích bắt tôi, vợ cũ của anh, mang về trao cho Pháp về tội chống chính phủ. Tôi rất hân hạnh được anh chiếu cố. (…) Vì lẽ ấy, tôi vội vàng đến thăm anh ngay ngày hôm qua để anh có dịp bắt tôi. Tôi đã ngồi nói chuyện với anh, đã mời anh đi nhậu nhẹt, đã bắt tay anh, vậy mà nhà mật thám đại tài vẫn chưa nhận diện được kẻ thù của mình. Như thế là anh có thấy là anh xoàng quá không? Tôi khuyên anh nên biết xấu hổ mà quay về đi. (…) Vợ cũ của anh: Phạm Thị Song Thu”.

Thơ Song Thu phần lớn làm theo luật thơ Đường. Vì cuộc đời hoạt động của bà bôn ba nhiều nơi, nên nhà thơ Phương Đài (con gái Song Thu với người chồng sau ở Vĩnh Long) còn lưu giữ một ít bài. Thơ bà chân chất, dung dị nhưng nhiều nghĩ ngợi, sâu sắc, âm hưởng đầy  tráng chí thường chỉ thấy ở những kẻ có chí “đội đá vá trời”.

Đọc thơ bà, người đọc nhận ra giọng lời của một kẻ nhàn dật, sở đắc, chứng ngộ lẽ đạo huyền vi, những tưởng vượt thoát được chốn bụi hồng thế nhưng vẫn có tiếng thở dài khe khẽ. Bài “Tự trào” (viết năm 1925) có phong thái của “ông đồ tân thời” với giọng thơ trào lộng hiếm có trên thi đàn nữ giới lúc bấy giờ:

Ta nghĩ khen ta cũng có tài
Hai bàn tay trắng kém gì ai?
Gặp cơn nguy biến không hề sợ
Phải bước phong ba chẳng chút nài
Tiền của tiêu pha vừa bữa một
Cháo cơm lếu láo đủ ngày hai
Phong trần dù đến bao nhiêu nữa
Son sắt lòng này há dễ lay.

Song Thu có nhiều bài thơ chữ Hán gửi tặng bạn bè, trong đó có nhiều bài được giới văn học nhận định xứng là hậu thân của Lam Anh nữ sĩ sống vào thế kỷ XVII, đồng hương Điện Bàn của bà. Bà cũng dịch tiểu thuyết tiếng Hoa “Dạ vũ thu đăng” (Đèn thu đêm mưa) in trên báo Tiếng Dội, các số ra trong tháng 10.1962. Đặc biệt, bà là tay viết thư pháp cừ khôi của Sài thành. Cũng theo nhà văn Nguyễn Văn Xuân, ngày tết (những năm 50 thế kỷ trước) túng tiền, bà nhờ người em kết nghĩa đi mua giấy hồng đơn về viết liễn “bán chơi”, thi thố với mấy ông thầy người Hoa. Người dân trong khu phố xúm xít khen nét chữ của bà, họ kêu: “Giỏi quá ta, đàn bà mà viết liễn!”.

Song Thu đúng là bậc kỳ nữ của đất Gò Nổi buổi giao thời, được nữ giới lẫn những trang nam nhi ngưỡng mộ. Giỏi việc nước, đảm việc nhà, phẩm hạnh cao nhã, cốt cách cứng cỏi xứng với Quảng Nam linh địa, nơi có Hành Lãnh - Thu Giang lúc nào cũng soi bóng xuống trang thơ thời tao loạn…

PHÙNG TẤN ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đài gương soi dấu hạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO