Đại học không phải là con đường duy nhất

PHƯƠNG NAM 11/03/2019 06:54

Từ bỏ đại học nhưng Nguyễn Nhật Thiên (22 tuổi, phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) không ngừng mở rộng kiến thức và kỹ năng để theo đuổi đam mê hội họa. “Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công” - Thiên khẳng định như thế.

Lớp vẽ của Thiên.Ảnh: P.N
Lớp vẽ của Thiên.Ảnh: P.N

Ngã rẽ của đam mê

Thiên kể, mình thích vẽ từ hồi còn bé. Khi đó, Thiên vẽ lung tung lên bất cứ đâu mà cậu thấy có chỗ trống. Có đận, Thiên xé tờ lịch treo tường ra vẽ nhưng xé quá một tháng khiến ba mẹ la rầy. Tiền ba mẹ cho, Thiên đều dùng vào việc mua giấy, bút, mực để vẽ. Khi học phổ thông, Thiên từng đoạt giải nhất cuộc thi vẽ ở trường.

Năm 2015, Thiên thi đỗ đại học mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, chàng trai lại không đến giảng đường mà vác ba lô đến các trung tâm dạy vẽ để thực hiện ước mơ của mình. “Vì ba mẹ muốn em thi đại học nên em cũng cố thi. Từ hồi cấp 2, em đã nuôi dưỡng ý định tốt nghiệp cấp 3 xong là đi theo con đường hội họa, theo cách của mình. Biết em không học đại học, ba mẹ buồn lắm. Có thời gian mẹ giận không nói chuyện với em” - Thiên chia sẻ.

Nhắc lại chuyện này, bà Phạm Thị Kim Yến, mẹ Thiên nói: “Tôi muốn con mình thi đại học như mọi học sinh khác. Dù sao đại học cũng là nền tảng để nó bổ sung kiến thức chuyên môn và là điều kiện để kiếm việc làm. Khi nó nói không học đại học để đi theo con đường của mình, tôi lo lắm”. Biết ba mẹ lo lắng nên Thiên càng nỗ lực hơn. Ngoài học trực tiếp thầy cô ở các trung tâm dạy vẽ, Thiên còn mày mò trên mạng những nguyên lý cơ bản của hội họa. Cứ thế, Thiên tích lũy kiến thức, rèn luyện kỹ năng để theo đuổi giấc mơ của mình.

Mang trái tim căng đầy tình yêu với hội họa và vốn kiến thức nền tảng vững chắc, một năm sau, Thiên trở về quê và bắt đầu công việc vẽ tranh tường. Thiên thành lập nhóm vẽ Shino Home, gồm 6 bạn trẻ, chuyên nhận vẽ tranh trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Với giá vẽ tranh tường phổ biến hiện nay là 200 đến 450 nghìn đồng/một mét vuông, nhóm của Thiên thu nhập 50 triệu đồng/tháng, riêng những tháng cuối năm khoảng 100 triệu đồng. Với kỹ thuật hội họa, Thiên và các bạn còn khắc, vẽ chữ trên trái cây để bán vào các dịp lễ, tết.

Truyền đam mê cho học trò

Bên cạnh vẽ tranh để khởi nghiệp, Thiên quyết định truyền đam mê của mình cho các bạn trẻ. Học sinh của Thiên đa số là các bạn luyện thi đại học khối H, khối V và học sinh cấp 3. “Mình đã từng trải qua quá trình rèn luyện và ôn thi đại học nên mình muốn truyền kinh nghiệm, kiến thức để các em có thể thi đỗ vào các trường khối H, khối V. Nhưng trên hết, mình muốn có một nơi cho những ai yêu hội họa đến để thả hồn”.

Khi Thiên mở lớp học vẽ, mẹ Thiên lại một lần nữa lo lắng cho cậu con trai út. Bởi bà nghĩ dạy học là việc cần có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản ở các trường sư phạm, còn con bà lại không theo học đại học. Nhưng sau vài tháng, bà đã yên tâm và tin tưởng vào hướng đi của con. Hiện nay, lớp học của Thiên có 30 học sinh. Nói là lớp học nhưng nơi này hoàn toàn không có áp lực bài vở, các em học sinh gọi Thiên là anh và giữa họ như anh em, bạn bè. Thiên chia sẻ: “Môn học này không giống như học môn toán, lý... theo công thức nhất định mà tùy thuộc vào năng khiếu, cách nhìn nhận, tư duy của mỗi em. Nghệ thuật luôn là sự sáng tạo. Bởi thế, mình dạy các em những nguyên tắc cơ bản, còn cái chính là các em cùng nhau trao đổi, học hỏi lẫn nhau và tìm ra những ý tưởng mới...”.

Để được làm học sinh của Thiên, các bạn trẻ phải trải qua thử thách về lòng kiên nhẫn, sự chịu khó. Có thể, Thiên yêu cầu học sinh đọc sách hoặc để học sinh đến tự xem, tự học ở các bạn khác một khoảng thời gian ban đầu. Rồi có những nội dung, Thiên buộc phải làm đi làm lại nhiều lần để thử thách học trò. “Nghệ thuật phải có cảm hứng. Chính vì vậy, mình quan trọng việc tạo môi trường thân thiện, thoải mái ở lớp vẽ, để các em sáng tạo, thả hồn vào các bức tranh” - Thiên cho biết. Bạn Thảo Nguyên, sinh viên năm 2 Trường Đại học Kiến trúc TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: “Đến với lớp học của anh Thiên, em được trang bị nhiều kiến thức để thi đỗ đại học. Đó là lớp học thân thiện mà em rất thích. Cho đến bây giờ, mỗi khi tết hay hè về, em đều đến lớp học ấy”.

Về học phí thì Thiên thu theo từng học sinh, tùy hoàn cảnh cụ thể. Có nhiều em khó khăn, Thiên không nhận tiền học phí. Học sinh của Thiên sau khi vào đại học, dịp hè hay tết đều có thể đến lớp dạy vẽ của Thiên để vẽ tranh kiếm tiền trang trải việc học. Học trò của Thiên đã có nhiều bạn đỗ đại học với môn hội họa đạt điểm cao. Không những dạy vẽ, hàng năm, Thiên còn tận tình dẫn các học trò của mình vào TP.Hồ Chí Minh để thi đại học. Khi tôi hỏi có nên học đại học hay không, Thiên trả lời: “Nếu đại học là điều không thể thiếu để bạn theo đuổi ước mơ của mình, hãy học tập hết mình, trau dồi chuyên môn cho thật tốt. Nhưng đại học không phải là con đường duy nhất, bạn vẫn thành công nếu biết phát huy sở trường và kiên trì theo đuổi đam mê”.

PHƯƠNG NAM

TÁC PHẨM THAM DỰ CUỘC THI BÁO CHÍ “NHỮNG TẤM GƯƠNG KHỞI NGHIỆP – SÁNG TẠO”

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại học không phải là con đường duy nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO