Đại hội đại biểu Đảng bộ Sở LĐ–TB&XH lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 -2020: Để chính sách đi vào cuộc sống

PHƯƠNG GIANG 22/05/2015 08:12

Ở một địa phương như Quảng Nam, ngành LĐ-TB&XH luôn phải đối diện với hàng núi công việc. Nhưng có lẽ trong 5 năm qua, áp lực công tác càng lớn hơn, khi có thêm hàng loạt chủ trương, chính sách mới của Trung ương và tỉnh trên lĩnh vực này.

Xác định những nhiệm vụ trọng tâm với những giải pháp, biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình, đặc điểm của ngành, nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Sở LĐ-TB&XH đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động triển khai thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, chăm sóc người có công, tri ân các anh hùng liệt sĩ, hỗ trợ các đối tượng xã hội... trên địa bàn toàn tỉnh.

Lãnh đạo, nhân viên Sở LĐ-TB&XH thăm hỏi, tặng quà cho người có công cách mạng.
Lãnh đạo, nhân viên Sở LĐ-TB&XH thăm hỏi, tặng quà cho người có công cách mạng.

Ông Lê Sáu, Bí thư Đảng ủy Sở LĐ-TB&XH thông tin, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của Quảng Nam từ 30% năm 2010 đã tăng lên 41% vào năm 2014; mạng lưới cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh tăng từ 42 cơ sở vào năm 2010 lên 45 cơ sở vào năm 2014 với quy mô và chất lượng ngày càng tăng. Các chính sách về bảo hiểm thất nghiệp, chương trình quốc gia về bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động được tăng cường. “Chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động, người sử dụng lao động; chủ động phối hợp với các ngành giải quyết tốt các vụ đình công, lãn công góp phần ổn định sản xuất tại doanh nghiệp và tạo mối quan hệ hài hòa giữa người sử dụng lao động và người lao động. Công tác xóa đói giảm nghèo có nhiều tín hiệu tốt, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 18,5% (năm 2010) xuống còn còn 12,1% (năm 2014)” - ông Sáu nói.

Là cơ quan tham mưu chủ lực của tỉnh trong công tác giảm nghèo, thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH đã thực hiện tốt công tác tham mưu, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Ông Hoàng Thanh Thanh - Phó Trưởng phòng Tài nguyên & môi trường huyện Bắc Trà My, một trong những đơn vị tham gia hỗ trợ người nghèo tại địa phương chia sẻ: “Những hộ nghèo mà đơn vị đồng hành từ năm 2011 đến nay đều đã thoát nghèo bền vững. Kết quả này có được từ sự đồng tâm của tập thể cán bộ, đảng viên đơn vị, cùng với ý chí, quyết tâm thoát nghèo của người nghèo. Đây là một trong những chủ trương hết sức thiết thực, nhiều ý nghĩa, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần để những hộ nghèo đủ sức vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho chính mình và cho xã hội”.

Chính sách đào tạo nghề đã giúp nhiều người dân thoát nghèo.
Chính sách đào tạo nghề đã giúp nhiều người dân thoát nghèo.

Đối với miền núi, nơi những khó khăn về điều kiện kinh tế, xã hội, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm càng khó khăn hơn. Từ thực tiễn của địa phương, những lớp đào tạo nghề cho người dân, tập huấn mô hình sản xuất dựa trên điều kiện đặc thù ra đời, tạo thêm động lực thoát nghèo cho người dân. Nhìn vào diện mạo của các xã A Nông (Tây Giang), Phước Năng (Phước Sơn), Ta Bhing (Nam Giang)… bây giờ, mới thấy những bước tiến dài của địa phương, trong đó có vai trò quan trọng của ngành LĐ-TB&XH.
Theo Sở LĐ-TB&XH, các chính sách an sinh về y tế, giáo dục, văn hóa... đã tác động mạnh mẽ đến công tác giảm nghèo. Nếu ở giai đoạn 2006 - 2010, tổng nguồn kinh phí thực hiện các chính sách an sinh cho toàn tỉnh ở mức vài trăm tỷ đồng, thì giai đoạn 2011 - 2015, mức kinh phí đầu tư đã lên xấp xỉ 1.600 tỷ đồng mỗi năm. Hàng loạt chính sách chung, riêng, đặc biệt là chính sách đặc thù của tỉnh như cấp thẻ bảo hiểm y tế, vay vốn học sinh sinh viên, tín dụng cho hộ nghèo, cấp bù kinh phí cho người dân tộc thiểu số khám chữa bệnh, lo cho cán bộ phụ trách giảm nghèo ở xã, gần nhất là chính sách khuyến khích giảm nghèo bền vững... đã giúp tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh và bền vững, hướng đến đảm bảo an sinh xã hội về lâu dài. “Đó là thành quả của quá trình tìm hướng giải quyết những khó khăn căn cơ về việc làm, sinh kế, kịp thời đáp ứng yêu cầu nhân dân từng vùng, từng địa phương. Với vai trò tham mưu, triển khai thực hiện, Đảng bộ Sở đã nỗ lực hết mình để những chính sách sát với thực tiễn, đồng thời phát huy tối đa hiệu quả những nguồn lực đầu tư” - ông Lê Sáu khẳng định.

Song song với vai trò tiên phong trong công tác giảm nghèo, Đảng bộ Sở LĐ-TB&XH cũng lãnh đạo đơn vị thực  hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Đầu năm 2015, công trình cải tạo, nâng cấp Trung tâm Nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công tỉnh được khánh thành, tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn cho các đối tượng chính sách. Ông Tôn Thất Hoàng - Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng - điều dưỡng người có công Quảng Nam chia sẻ: “Đối với cán bộ là đảng viên của trung tâm, công tác chăm sóc người có công là phần việc, nhiệm vụ cao cả. Bởi vậy, chúng tôi luôn đặt mình ở vị trí là con cháu đang chăm sóc cho ông bà, cha mẹ với tinh thần trách nhiệm cao nhất để làm tốt công việc của mình”. Chung tinh thần đó, lãnh đạo sở cùng các cán bộ, đảng viên luôn đề cao việc tận tụy với công tác của ngành, đến tận cơ sở, lắng nghe và giải đáp những thắc mắc liên quan đến  chế độ chính sách cho thương binh, liệt sĩ, người có công trên địa bàn tỉnh. “Nắm bắt kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; trực tiếp là các chủ trương của Bộ LĐ-TB&XH; của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Đảng ủy Khối các cơ quan, Đảng bộ Sở luôn quán triệt việc rà soát, kịp thời giải quyết chính sách cho các đối tượng là người có công, thương binh, liệt sĩ. Đây là nhiệm vụ chính trị nặng nề, nhưng cũng là mục tiêu để Đảng bộ Sở phấn đấu, hoàn thành vai trò, nhiệm vụ được giao”, ông Lê Sáu - Bí thư Đảng ủy Đảng bộ Sở LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại hội đại biểu Đảng bộ Sở LĐ–TB&XH lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 -2020: Để chính sách đi vào cuộc sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO