Đại Lộc chủ động chống lũ

HOÀNG LIÊN 23/08/2014 08:14

Mùa mưa lũ đang đến gần. Các ngành, các địa phương, doanh nghiệp ở Đại Lộc đang tích cực hoàn thiện phương án phòng chống lụt bão.

Mùa mưa bão năm 2013, nhiều khu vực hạ du thủy điện ngập sâu trong nước. Ảnh: N.DƯƠNG
Mùa mưa bão năm 2013, nhiều khu vực hạ du thủy điện ngập sâu trong nước. Ảnh: N.DƯƠNG

Quy trình vận hành mới

Mùa mưa bão 2014 đang tới gần. Theo dự báo, từ nay đến tháng 11.2014 sẽ có 6 - 9 cơn bão hoạt động trên biển Đông, trong có có ít nhất 2 cơn bão có cường độ mạnh và khả năng ảnh hưởng của bão hoặc áp thấp nhiệt đới sẽ diễn ra sớm hơn mọi năm. Vùng thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn, ngoài thủy điện A Vương, Đắk Mi 4, năm nay có thêm Sông Bung 4 đi vào hoạt động. Theo đó, công tác điều tiết lũ sẽ có thêm nhiều khó khăn, thách thức.

Theo quy trình vận hành liên hồ chứa khu vực sông Vu Gia - Thu Bồn mới ban hành theo Quyết định số 909/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1.9 - 15.12 hằng năm, các hồ A Vương, Đắk Mi 4 và Sông Tranh 2 phải vận hành hồ chứa theo quy trình mới này nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình, hồ đập, góp phần giảm lũ hạ du, đảm bảo hiệu quả phát điện. Cụ thể, các thủy điện sẽ hạ mực nước đón lũ, tăng dung tích phòng lũ so với quy trình cũ. A Vương sẽ hạ mực nước đón lũ 6m, nâng cao trình lên 376m (cao trình cũ 370m), tăng dung tích phòng lũ 49,6 triệu mét khối, nâng tổng dung tích phòng lũ của nhà máy lên 84,83 triệu mét khối. Đắk Mi 4 hạ mực nước đón lũ 4m, nâng cao trình lên 255m (cũ là 251m), tăng dung tích phòng lũ 40 triệu mét khối. Sông Tranh 2 cũng hạ mực nước đón lũ 7m so với cao trình cũ là 165m, tăng dung tích phòng lũ 133,3 triệu mét khối.

Ông Ngô Xuân Thế - Trưởng phòng Kỹ thuật Công ty CP Thủy điện A Vương khẳng định, mùa mưa bão 2014 này, A Vương sẽ tăng tổng dung tích phòng lũ lên 84,83 triệu mét khối, tức dung tích tăng thêm là 49,6 triệu mét khối. Theo kịch bản phòng chống lụt bão - giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT) của A Vương, khi mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa ở mức dưới báo động II (8m), A Vương sẽ vận hành lưu lượng xả lớn hơn lưu lượng về để đưa mực nước hồ về cao trình 370m. Khi mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa 8,5m (giữa báo động II và III), thủy điện vận hành lưu lượng xả nhỏ hơn lưu lượng về để cắt lũ cho hạ du, hồ tích dần nước đến mực nước dâng bình thường cao trình 380m. Khi hết lũ, mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa dưới báo động I, nhà máy sẽ vận hành lưu lượng xả lớn hơn lưu lượng về để đưa mực nước về cao trình 376m.

So với quy trình cũ, điểm mới của quy trình lần này thể hiện ở việc các hồ thủy điện đồng loạt hạ thấp mực nước đón lũ, tăng dung tích phòng lũ. Ngoài ra, thẩm quyền quyết định ra lệnh vận hành hồ chứa được phân cấp, nếu trong điều kiện thời tiết bình thường, thẩm quyền ra lệnh vận hành hồ thuộc về chủ hồ, trong trường hợp có thông tin báo bão khẩn cấp, áp thấp nhiệt đới gần bờ hoặc thời tiết có thể diễn biến mưa lũ trong vòng 24 - 48 giờ tới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các phương tiện trên hệ thống Vu Gia – Thu Bồn thì Trưởng ban Chỉ huy PCLB-GNTT tỉnh trực tiếp chỉ đạo vận hành hồ. Lệnh vận hành phải được phát động trước 4 tiếng (quy trình cũ là 2 tiếng) và phải thông tin, tuyên truyền từ tỉnh đến huyện Đại Lộc và các huyện, đơn vị liên quan.

Chủ động phòng chống

Tại hội nghị triển khai công tác PCLB-GNTT năm 2014 mới đây, ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, Trưởng ban Chỉ huy PCLB-GNTT huyện cho rằng qua các đợt bão lũ, có thể thấy, nhiều địa phương vẫn chưa linh hoạt thực hiện phương châm “5 tại chỗ”, một số địa phương còn lơ là, không trực ban chỉ huy khi bão lũ xảy ra, gây ảnh hưởng tới công tác chỉ đạo chung. “Năm 2014 này, các hạn chế, yếu kém trên sẽ được sửa chữa, khắc phục, kiện toàn ban chỉ huy PCLB các xã/thị trấn, chủ tịch xã/thị trấn là trưởng ban PCLB và trực tiếp chịu trách nhiệm nếu để xảy ra sai sót” - ông Tính nói.

Cũng theo ông Tính, đối với những “điểm nóng” về tình trạng sạt lở, lũ quét, lũ ống, lũ cát như thôn Dục Tịnh (Đại Hồng), thôn 10 (Đại Cường), Giao Thủy (Đại Hòa)… huyện chỉ đạo các trưởng ban PCLB tại các địa phương lên phương án sẵn sàng ứng phó, huy động lực lượng, phương tiện di dời khẩn nhân dân những vùng trọng điểm lũ đến nơi an toàn khi tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp. Huyện cũng chỉ đạo xã Đại Cường rút kinh nghiệm từ đợt mưa lũ 2013 khi toàn huyện xảy ra 3 vụ chết đuối trong mưa lũ thì 2 trường hợp xảy ra ở Đại Cường - một địa phương được trang bị khá tốt về phương tiện, trang thiết bị PCLB. Ông Tính nói thêm: “Mùa mưa lũ này, huyện chỉ đạo các địa phương tăng cường việc nâng cao ý thức cho nhân dân trong việc phòng chống, ứng phó với mưa lũ, nghiêm cấm tình trạng sử dụng phương tiện, ghe thuyền đánh cá, vớt củi trong mưa lũ”.

Ông Trương Xuân Tý - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, Chánh văn phòng Ban PCLB-GNTT tỉnh thông tin thêm, năm 2014, trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn có một số thay đổi lưu lượng nước. Việc thủy điện Sông Bung 4 chặn dòng tích nước làm gia tăng nguy cơ khô hạn ở cuối vụ hè thu, đồng thời gia tăng nguy cơ mùa mưa lũ và nhiệm vụ PCLB-GNTT sẽ nặng nề hơn. Để giảm thiểu rủi ro cho vùng hạ du trong mùa mưa bão 2014, ngành thủy lợi tích cực phối hợp với địa phương và các nhà máy thủy điện xây dựng kế hoạch và quy chế vận hành xả lũ. Theo ông Trương Xuân Tý, mùa bão lũ 2014 này, Đại Lộc cần đẩy mạnh kiểm tra an toàn hồ đập và có phương án đảm bảo an toàn hồ đập bởi thực tế, một số hồ đập (hồ 10 tấn - Đại Nghĩa, hồ Cây Xoay - Đại Hồng, Chấn Sơn - Đại Hưng) trên địa bàn huyện đã bị bồi lấp, sạt lở, cần nâng cấp, duy tu trước mùa mưa bão.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Lộc chủ động chống lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO