Huyện Đại Lộc đã hoàn thành việc cày phơi ải, ra quân diệt chuột, chuẩn bị làm đất, gieo sạ đúng theo lịch cơ cấu vụ hè thu của tỉnh. Công tác chống hạn cũng được các địa phương chủ động thực hiện.
Nhiều địa phương trong huyện Đại Lộc đang làm đất chuẩn bị xuống giống. Ảnh: H.L |
Tập trung xuống đồng
Vụ hè thu này, huyện Đại Lộc gieo sạ hơn 4.300ha với các giống chủ lực như BC15, TBR225, PC6, Thiên ưu 8, TBR45… có thời gian sinh trưởng 95 - 105 ngày, hay HT1, Đài thơm 8, lúa lai TH3-5 có thời gian sinh trưởng dưới 95 ngày. Kế hoạch xuống giống của huyện bắt đầu từ 20.5 và kết thúc trước 5.6, đảm bảo lúa trổ từ 25.7 đến 10.8, thu hoạch dứt điểm trước 10.9 đề phòng lũ lụt đến sớm.
Ngành nông nghiệp huyện chỉ đạo các địa phương ưu tiên bố trí các giống ngắn ngày và trung ngày để gieo sạ. Các xã vùng B, nhất là vùng cuối kênh, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo tranh thủ, chủ động, nước tưới tới đâu thì gieo sạ tới đó, chủ yếu sử dụng giống ngắn ngày gieo sạ để đảm bảo thu hoạch trước 10.9. Các chân ruộng trũng thấp sử dụng giống ngắn ngày, tập trung gieo sạ trà 1 để hạn chế thất thu do ngập úng trong giai đoạn cuối vụ. Đối với diện tích sản xuất giống lúa lai 2 dòng ở vụ đông xuân do bố trí lịch gieo sạ chậm để cách ly thời gian trổ với sản xuất đại trà thu hoạch muộn, phải sử dụng các giống cực ngắn ngày như HT1 để gieo sạ vào trà cuối, kết thúc việc gieo sạ trước 10.6. Các giống lúa chất lượng cao, ngon cơm theo quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa bố trí ở các chân đất tốt, tập trung, dễ kiểm soát dịch hại và sâu bệnh, thuận tiện trong chăm sóc, thu hoạch.
Hiện nhiều địa phương đã hoàn tất xong việc vệ sinh đồng ruộng, làm đất, bón vôi, phân vi sinh để tăng độ phì cho đất, ra quân diệt chuột bảo vệ mùa màng, chờ nước đổ về đồng tới đâu là tập trung gieo sạ tới đó. Thị trấn Ái Nghĩa và các xã Đại Nghĩa, Đại Quang... phổ biến rộng rãi các chương trình “3 giảm, 3 tăng”, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, ICM kết hợp với giải pháp kỹ thuật sản xuất lúa cải tiến SRI trên đồng ruộng, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất. Theo ông Trương Nhành - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp kết hợp SRI được triển khai mạnh tại cánh đồng thôn Đức Hòa, Đại Lợi, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng. Những cánh đồng kỹ thuật này, vụ đông xuân vừa qua, năng suất lúa đạt 70 tạ/ha. Còn theo ông Lê Phàn - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ái Nghĩa, vụ này, thị trấn gieo sạ tổng diện tích 332ha, cơ cấu giống, lịch thời vụ theo lịch chung của huyện. “Hiện khâu làm đất, cày phơi ải kết hợp ra quân diệt chuột đã hoàn tất. Chỉ một ít diện tích sản xuất lúa lai 2 dòng, 3 dòng được bố trí gieo sạ cách ly đang trong giai đoạn thu hoạch nên phấn đấu thu hoạch tới đâu, triển khai làm đất tới đó, đảm bảo các chân ruộng này gieo sạ xong vào 10.6” - ông Phàn nói.
Tăng cường chống hạn
Để đảm bảo sản xuất vụ hè thu đạt kết quả, huyện Đại Lộc chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Chi nhánh Thủy lợi Đại Lộc, các HTX nông nghiệp, ban nông nghiệp xã/thị trấn xây dựng phương án chống hạn ngay từ đầu vụ bằng giải pháp công trình và phi công trình. Các đội thủy nông điều tiết nước được củng cố, thường xuyên nạo vét khơi thông dòng chảy, hạn chế tối đa tình trạng thất thoát nguồn tưới trên từng tuyến kênh mương. |
Trước khả năng tình hình khô hạn đến sớm và kéo dài, nhiều nơi đã tích cực chuẩn bị phương án chống hạn để bảo vệ đồng ruộng bằng nhiều giải pháp công trình và phi công trình. Cùng với công tác chỉnh trang đồng ruộng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, thi công hoàn thành các công trình thủy lợi, tăng cường thủy lợi hóa đất màu… nhiều địa phương tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở một số diện tích không chủ động nước tưới như bắp, đậu xanh, đậu phụng... Tuy nhiên, ở một số địa phương như Đại Đồng, công tác phòng chống hạn gặp không ít khó khăn.
Theo ông Trương Hữu Mai - Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, 7 trạm bơm trên địa bàn đều sử dụng nguồn nước từ sông Vu Gia, mùa nắng dòng sông suy kiệt; 3 đập tự chảy và nhiều khu khe suối, ao hồ trên địa bàn mùa nắng hạn cũng cạn trơ. Đại Đồng cũng có nhiều cánh ruộng bậc thang, nhiều chân ruộng hay bị treo nước giữa và cuối vụ hè thu, ảnh hưởng lớn đến năng suất, nên chủ trương phải giảm diện tích gieo trồng lúa ở vụ hè thu để tiết kiệm nước tưới. Theo Ban Nông nghiệp xã Đại Đồng, có ít nhất 70ha bị ảnh hưởng do khô hạn vụ hè thu, vốn là diện tích được tưới bởi 3 đập tự chảy nên thường bị treo nước. Trước tình thế cấp bách, HTX Nông nghiệp Đại Đồng đã chi 300 triệu đồng từ nguồn dự phòng của HTX để nạo vét kênh mương để dẫn nước trực tiếp từ sông Vu Gia vào bàu Sấu phục vụ tưới cho đồng ruộng.
Ông Trương Nhành - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa cho hay, vụ này, Đại Nghĩa gieo sạ 325ha, công tác chuẩn bị xuống đồng được triển khai khẩn trương song khó khăn là thời vụ diễn ra cấp bách do vụ đông xuân kéo dài. Nguồn nước sông Vu Gia suy kiệt do thủy điện chặn dòng khiến bể hút các trạm bơm khó hoạt động, ảnh hưởng tới tiến độ cấp nước. Xã đã báo cáo huyện kiến nghị thủy điện xả nước sớm phục vụ gieo sạ. “Địa phương nỗ lực chỉ đạo hoàn thành gieo sạ trà 1 kết thúc vào 20.6. Phương án chống hạn đã sẵn sàng, tận dụng nguồn từ Bàu Ông chủ yếu vì bàu có sức tưới cho 200ha cánh Bắc. Ngoài ra còn có một số đập tự chảy như: đập Vũng Thùng, đập Mười Tấn và trạm bơm trên sông Vu Gia tưới cho cánh đồng Phiếm Ái 2, Hòa Mỹ. Trường hợp khô hạn kéo dài, thiếu nguồn tưới cục bộ sẽ triển khai phương án bơm từ sông vào hồ đập để tưới cho đồng ruộng” - ông Nhành nói.
HOÀNG LIÊN