Nhờ thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp mạnh, đến thời điểm này huyện Đại Lộc đã cơ bản khống chế được
|
Nhờ ban bố lệnh cấm từ mùng 3 tết nên huyện Đại Lộc sớm khống chế được dịch tai xanh. Ảnh: V.SỰ |
Vào cuộc đồng bộ
Hôm 28 tháng chạp năm Nhâm Thìn, vi rút gây bệnh tai xanh bất ngờ bùng phát trên một số đàn heo ở xã Đại Tân, huyện Đại Lộc. Từ thời điểm đó đến mùng 10 tháng giêng năm Quý Tỵ, mầm bệnh tiếp tục phát tán ra 62 thôn, khối phố trên địa bàn xã Đại Phong, Đại Cường, Đại Minh, Đại Thắng, Đại Chánh, Đại Thạnh, Đại Hòa, Đại Hiệp, thị trấn Ái Nghĩa khiến 1.803 con heo của 426 hộ dân bị nhiễm dịch tai xanh, trong đó có 259 con chết và 292 con mắc bệnh nặng phải tiêu hủy bắt buộc. Ông Phan Đức Tính - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, trước những diễn biến phức tạp của vi rút gây bệnh, mặc dù ngay trong dịp tết nhưng lãnh đạo huyện vẫn triệu tập cuộc họp khẩn cấp với ngành liên quan và chính quyền các địa phương để củng cố lại Ban chỉ đạo phòng chống dịch các cấp. Ông Tính nói: “Không ngồi chờ quyết định công bố dịch của tỉnh, ngay từ ngày 12.2 (tức mùng 3 tết), UBND huyện đã ban bố lệnh cấm vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo trên toàn địa bàn Đại Lộc. Đồng thời khẩn trương kiện toàn Đội kiểm tra liên ngành cấp huyện, thiết lập ngay các điểm chốt chặn trên những tuyến giao thông trọng yếu ở tất cả 18 xã, thị trấn và bố trí lực lượng túc trực thường xuyên nhằm ngăn chặn tình trạng vận chuyển heo bệnh đi tiêu thụ”.
Tiếp tục tăng cường kiểm soát, kiểm dịch Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y Trung ương cho biết: “Vi rút Lelystad tồn tại trên con heo nhiễm bệnh ít nhất 2 tháng, vì vậy nếu trong thời gian tới chính quyền các địa phương và người chăn nuôi không chủ động những biện pháp phòng dịch một cách cao độ thì dịch tai xanh rất dễ tái bùng phát trở lại. Riêng đối với ngành thú y từ tỉnh đến cơ sở, tôi đề nghị vẫn phải tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát, kiểm dịch”. |
Theo ông Phan Thanh Thiên - Trưởng trạm Thú y Đại Lộc, bên cạnh việc tăng cường khâu giám sát dịch đến tận hộ chăn nuôi, ngay sau khi phát hiện ổ bệnh đầu tiên ở xã Đại Tân, ngành thú y huyện nhanh chóng chi viện 1.100 lít hóa chất Benkocid và hàng chục máy bơm có động cơ cho chính quyền các địa phương để đồng loạt triển khai vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng trên diện rộng, nhất là tại những nơi đang bị vi rút tấn công, các ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao bùng phát mầm bệnh. Đặc biệt, từ giữa tháng 2.2013 đến nay Đại Lộc đã dốc toàn lực cho công tác tiêm phòng. Ông Thiên cho biết: “Ngoài lực lượng thú y huyện, hơn 3 tuần qua chúng tôi huy động toàn bộ đội ngũ thú y cơ sở tham gia khâu tiêm phòng bao vây, khống chế dịch. Nhờ sự vào cuộc hết sức quyết liệt nên đến trưa ngày 5.3 Đại Lộc đã tổ chức tiêm xong 28.500 liều vắc xin tai xanh do Sở NN&PTNT hỗ trợ”. Ông Thiên cho biết, lượng vắc xin vừa nêu chủ yếu được tiêm cho những đàn heo tại 10 xã, thị trấn bị dịch tai xanh tấn công và một số vùng có nguy cơ cao bùng phát vi rút gây bệnh.
Hàng nghìn con heo khỏi bệnh
Nhìn 20 con heo thịt và 2 con heo nái của mình ăn mạnh trở lại, vợ chồng ông Lê Tốt ở thôn Mỹ Đông (xã Đại Phong, huyện Đại Lộc) không giấu được niềm vui: “Hôm rằm tháng giêng, cả đàn heo đang khỏe mạnh thì bỗng dưng có đến 14 con bị nhiễm bệnh nặng. Thấy nó đồng loạt bỏ ăn, sốt cao, toàn thân đỏ ửng, nằm liệt một chỗ tui nghĩ chắc chắn không cứu được. Thế nhưng, chừng 1 tuần trở lại đây, nhờ tích cực điều trị theo phác đồ do ngành thú y hướng dẫn, càng ngày bệnh tình của đàn heo càng giảm, chừ thì tất cả đã ăn mạnh rồi”. Ông Tốt cho biết, ngoài việc vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng với tần suất mỗi ngày 2 lần thì ngay khi đàn heo phát bệnh ông lập tức mua Vitamin C về hòa với nước khoáng đổ cho nó uống thường xuyên. Cạnh đó, ông Tốt nhờ thú y cơ sở tiêm kháng sinh liều mạnh nhằm tăng cường sức đề kháng cho đàn heo. Kiên trì chăm sóc, điều trị nên đến giờ này đàn heo thịt và nái của ông Tốt đã hoàn toàn khỏe mạnh.
Cách nhà ông Tốt không xa, vợ chồng ông Nguyễn Chinh cũng hết sức phấn khởi vì đàn heo 20 con cả nái lẫn thịt đã thoát khỏi dịch tai xanh. Hồi giữa tháng 2, trong số heo vừa nêu của ông Chinh thì có 2/3 bị nhiễm dịch tai xanh. Nhờ cần mẫn điều trị theo sự hướng dẫn cặn kẽ của cán bộ thú y xã nên đến nay tất cả 15 con heo bị vi rút Lelystad tấn công đã khỏi bệnh hẳn. Ông Chinh hồ hởi: “Lúa, đậu ở ngoài đồng đang bị chuột và nhiều loài sâu bệnh nguy hiểm khác hoành hành, nguy cơ vụ mùa thất bát đã hiện hữu trước mắt. Cũng may là đàn heo ni vẫn an toàn, chứ nếu nó bị chết hoặc phải tiêu hủy khẩn cấp thì khó khăn sẽ chồng chất”.
Ông Phan Thanh Thiên cho biết, nhờ triển khai đồng bộ những biện pháp cấp bách nên tính đến sáng ngày 5.3 tại huyện Đại Lộc đã qua 10 ngày không phát sinh thêm ổ dịch nào mới. Mừng hơn, nhờ lực lượng thú y từ huyện đến xã, thôn và người chăn nuôi tập trung điều trị theo phác đồ hướng dẫn nên đến thời điểm này 1.490 con heo bị nhiễm dịch tai xanh trên địa bàn 10 xã, thị trấn của Đại Lộc đã hoàn toàn khỏi bệnh. Ông Thiên nói: “Bây giờ, mặc dù Đại Lộc đã cơ bản khống chế được dịch tai xanh nhưng trong những ngày tới chúng tôi vẫn sẽ siết chặt khâu chốt chặn, kiểm soát địa bàn và thực hiện nghiêm lệnh cấm. Đồng thời, tiếp tục duy trì thường xuyên khâu vệ sinh môi trường, phun tiêu độc, khử trùng trên diện rộng”.
VĂN SỰ