Đại Lộc nỗ lực tuyển sinh

LÊ DIỄM 13/07/2017 08:38

Trong điều kiện tuyển sinh người học nghề hết sức khó khăn, huyện Đại Lộc vẫn nỗ lực khai giảng được khóa đào tạo nghề đầu tiên với 30 người học nghề may công nghiệp.

Đến từ làng Yều (xã Đại Hưng), 2 vợ chồng Đinh Hiền và Hối Thị Đơn cùng xuống thị trấn Ái Nghĩa học nghề may công nghiệp. Hiền nói: “Hai vợ chồng quyết định học nghề may để sau này cùng đi làm được thuận tiện hơn. Khi được đào tạo bài bản thì công việc, cuộc sống sau này sẽ ổn định”. Hôm khai giảng khóa học nghề may, chị Trần Thị Ái Quyên (xã Đại Sơn) vượt hơn 50km từ nhà tới trung tâm huyện để tham gia khóa học. Chị Quyên cho hay: “Trước mắt tôi vẫn phải chạy xe máy đi về ngày 2 bận, chứ con còn nhỏ không ai lo được. Tôi vẫn biết làm công việc này áp lực về thời gian, thu nhập cũng không cao, nhưng phải có công việc ổn định để nuôi các con”.

Qua gần một năm triển khai Quyết định 3577 theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, Đại Lộc mới tuyển sinh và khai giảng được khóa đầu tiên. Khó khăn về nguồn lao động, lao động thì cho rằng nghề may công nghiệp lương thấp là những nguyên nhân chính khiến Đại Lộc gặp khó khi tuyển sinh. Với khóa đào tạo này, lao động sẽ được trực tiếp học nghề tại doanh nghiệp, do các giáo viên của Trung tâm Dạy nghề thanh niên phối hợp với Công ty Dệt may Thái Liên (thị trấn Ái Nghĩa) cùng đào tạo. Ngay trong tháng đầu tiên người lao động vào công ty học việc, ngoài chế độ theo Quyết định 3577 hỗ trợ, thì công ty cũng sẽ hỗ trợ cho mỗi lao động một tháng lương cơ bản là 2,9 triệu đồng cùng với 300 nghìn đồng tiền chuyên cần. Bà Nguyễn Vân Hiền - Trưởng phòng Nhân sự Công ty Dệt may Thái Liên cho biết: “Công ty hiện có 10 chuyền may, có 200 lao động, trong khi đó nhu cầu tuyển dụng của công ty là 300 lao động nữa. Lao động sau khi học nghề may theo chế độ, chúng tôi sẽ kiểm tra tay nghề và ký kết hợp đồng lao động, đóng đầy đủ các khoản bảo hiểm ngay từ tháng làm việc chính thức đầu tiên. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục được phối hợp với huyện Đại Lộc trong đào tạo, tuyển dụng nghề may trong thời gian tới”.

Để có được khóa đào tạo nghề đầu tiên này, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Lộc đã vào cuộc tích cực, từ khâu tuyên truyền đến vận động người lao động đi học nghề. Trong số 30 lao động, xã Đại Hưng có đến 17 lao động (trong đó có 7 lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số ở làng Yều). Bà Lương Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho biết: “Thực tế hiện nay tại Đại Hưng, phần lớn lao động nhàn rỗi lúc không làm mùa vụ, riêng lao động ở độ tuổi 18 đến 35 để vận động đi học nghề may không nhiều. Phần đông thanh niên đi học cao đẳng, đại học hoặc đi làm xa. Lúc đầu Đại Hưng cũng dự tính vận động để mở một lớp may tại chỗ, vì điều kiện đi lại quá xa nhưng không đủ số lượng mở lớp. Đưa lao động xuống trung tâm huyện để học, đi làm mà lao động ở trọ lại cũng vất vả, nhất là lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Hy vọng họ bám trụ, không bỏ về giữa chừng để hoàn thành khóa học và đi làm như kế hoạch”.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Lộc nỗ lực tuyển sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO