Đại Lộc với nguồn sinh lực mới

HOÀNG LIÊN 08/12/2017 09:15

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thu hút dự án, thúc đẩy công nghiệp phát triển, từng bước xây dựng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại… là những mục tiêu trọng tâm mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đại Lộc hướng tới.

Công ty CP Prime Đại Lộc giải quyết việc làm cho 1.000 lao động địa phương.  Ảnh: H.LIÊN
Công ty CP Prime Đại Lộc giải quyết việc làm cho 1.000 lao động địa phương. Ảnh: H.LIÊN

Khởi sắc từ công nghiệp

Năm 2017, vượt qua khó khăn, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Đại Lộc tiếp tục ổn định sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) tiếp tục tăng trưởng khá, các chỉ số về giá trị sản xuất đều tăng so với năm 2016. Giá trị sản xuất CN-TTCN năm 2017 ước tăng hơn 13% so với năm 2016. Trong năm, huyện đã thu hút được 4 dự án đầu tư trong cụm công nghiệp (CCN) và 4 dự án đầu tư ngoài CCN, có 2 dự án đang xây dựng nhà máy để đi vào sản xuất; đồng thời phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu cho 55 dự án với tổng kinh phí 66,7 tỷ đồng; phê duyệt quyết toán vốn đầu tư hoàn thành cho 45 dự án với tổng kinh phí 26,2 tỷ đồng. Huyện đã thực hiện giải phóng mặt bằng và bàn giao 12 công trình cho chủ đầu tư. Một số doanh nghiệp đã bước qua khó khăn để sản xuất ổn định, một số doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất có hiệu quả như Công ty TNHH Groz-Beckert Việt Nam, Công ty CP Prime Đại Lộc...

 Vườn ươm chè An Bằng tại xã Đại Thạnh. Ảnh: H.LIÊN
Vườn ươm chè An Bằng tại xã Đại Thạnh. Ảnh: H.LIÊN

Theo ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, những khởi sắc từ ngành CN huyện là sự nỗ lực rất lớn của doanh nghiệp cũng như vai trò của Đảng bộ, chính quyền địa phương trong công tác khuyến công, thực hiện tốt chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp. Bên cạnh tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, mở rộng phát triển sản xuất kinh doanh, huyện còn tích cực huy động nguồn lực để đầu tư hạ tầng các CCN, đồng thời tiếp tục quy hoạch một số CCN như Đông Phú, Tích Phú tại Đại Hiệp, CCN Đại Tân. Ông Mai còn cho biết, giai đoạn 2016-2017, Đại Lộc tiếp nhận 15 dự án đầu tư xây dựng với tổng trị giá hơn 750 tỷ đồng. Đáng chú ý là dự án của Công ty Ván ép công nghệ cao và Công ty DANACO chuyên kinh doanh, chế biến gỗ xuất khẩu. Ngoài ra, toàn huyện hiện có gần 1.970 cơ sở sản xuất TTCN, trong đó nhiều cơ sở hoạt động khá tốt, đa dạng về mặt hàng, chủng loại. Bên cạnh tiếp tục duy trì và phát triển các làng nghề đã có, huyện tiếp tục phục hồi một số làng nghề truyền thống như làm nón, làm chổi, nhân cấy một số ngành nghề mới như mây tre, đan lưới, thủ công mỹ nghệ...

Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại

Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - Trần Văn Mai cho biết, quan điểm của huyện là tăng cường thu hút dự án vào các CCN, ưu tiên ngành CN có hàm lượng khoa học công nghệ cao, ít ảnh hưởng tới môi trường, giải quyết việc làm cho nhiều lao động... Huyện cũng chấn chỉnh các công ty, xí nghiệp phát sinh ô nhiễm. Trên lĩnh vực nông nghiệp, huyện chỉ đạo tích tụ ruộng đất tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung; thúc đẩy chăn nuôi tập trung theo hướng liên kết bao tiêu sản phẩm. Phát triển nông nghiệp hữu cơ (rau, lúa gạo), nuôi heo sạch hướng tới cung ứng chuỗi nông sản sạch...

Những năm qua, dù đối diện với rủi ro thiên tai, giá cả và đầu ra sản phẩm bấp bênh, song ngành nông nghiệp Đại Lộc vẫn vượt khó, giữ mức tăng trưởng ổn định 4 - 4,5%/năm trong cơ cấu kinh tế. Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, trên lĩnh vực trồng trọt, toàn huyện đã xây dựng được 40 cánh đồng mẫu với tổng diện tích hơn 24.000ha, chủ yếu sản xuất lúa giống, lúa lai, nhóm thực phẩm rau màu liên kết tạo chuỗi sản phẩm hàng hóa. “Sau cây lúa giống, lúa lai thương phẩm, nhóm thực phẩm rau củ quả chủ lực của huyện đã phát triển được 120ha, giá trị sản xuất tăng cao, đạt 200 - 250 triệu đồng/ha. Điển hình là vùng rau ở Bàu Tròn (xã Đại An), hay Phiếm Ái, Hòa Mỹ, Mỹ Thuận (Đại Nghĩa), các xã Đại Thắng, Đại Cường, với các loại đu đủ, dưa leo, khổ qua, bí đao, cô ve, khổ qua” - ông Mẫn cho hay.

Trong năm 2017, toàn huyện có 30 tổ hợp tác chăn nuôi và có 4 HTX chăn nuôi được thành lập. Nếu cách đây 5 năm, toàn huyện chỉ có 6 - 7 trang trại chăn nuôi thì nay con số này đã là 18. Chủ trương của huyện là tiếp tục lấp đầy vùng chăn nuôi tập trung do tỉnh quy hoạch rộng 436ha và vùng do huyện quy hoạch theo chủ trương nông thôn mới. Mặt khác, bên cạnh mở rộng vùng nuôi thủy sản thâm canh, Đại Lộc còn tập trung trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn vì đầu ra trong tương lai đã có Công ty DANACO thu mua với nhu cầu tiêu thụ khá lớn.

Thêm một tin vui là Đại Lộc đang tiếp cận nhằm triển khai dự án trồng dâu nuôi tằm ở Đại Hiệp theo hướng khép kín từ cung ứng giống tằm, giống dâu, tạo kén, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, với tổng diện tích đầu tư 50ha. Theo ông Mẫn, dự án này thành công sẽ mở ra cơ hội và triển vọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp Đại Lộc theo chuỗi liên kết từ sản xuất tới bao tiêu sản phẩm, tạo động lực cho vùng lân cận.

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Lộc với nguồn sinh lực mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO