Đại Quang khốn khổ vì ô nhiễm

PHAN VINH - HOÀNG LIÊN 17/09/2016 20:13

(QNO) - Những năm qua, nhiều lần các cơ quan báo chí đã phản ánh tình trạng các nhà máy tại Cụm công nghiệp Đại Quang (Đại Lộc) gây ô nhiễm đến môi trường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tình trạng này không những không giảm mà còn có chiều hướng tăng cao.

Xử lý chất thải kiểu đối phó

Chỉ mới 16 giờ nhưng gia đình chị Hậu (ở tại thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang, Đại Lộc) đã bắt đầu bữa cơm tối. Khung thời gian sinh hoạt sớm hơn bình thường này có từ lúc các nhà máy tại Cụm công nghiệp Đại Quang đi vào hoạt động. Sau bữa ăn, mọi cánh cửa trong căn nhà chị Hậu đều được đóng kín. Ngay cả các lỗ thông gió cũng được bịt kín từ bấy lâu nay. Chị Hậu giải thích: “Phải ăn sớm vì đến khoảng 5 giờ chiều là mùi hôi thối từ Cụm công nghiệp Đại Quang bắt đầu lan ra khu dân cư. Tranh thủ ăn xong để đóng cửa chứ đến giờ đó mùi bay vào nhà thì không thể ngủ được. Những hôm trời mưa, khoảng 3 giờ chiều đã nghe hôi rồi”.

Nhà máy sả nước thải ra gần với diện tích trồng lúa của người dân. Ảnh VINH LIÊN
Nhà máy xả nước thải ra gần với diện tích trồng lúa của người dân. Ảnh VINH LIÊN

Theo thông tin từ UBND xã Đại Quang, tình trạng ô nhiễm không khí từ các nhà máy thuộc Cụm công nghiệp Đại Quang đã ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm hộ dân tại các thôn Trường An, Tam Hòa, Hòa Thạch, Đông Lâm, Phương Trung và Phước Lộc từ nhiều năm qua. Mọi đời sống sinh hoạt của người dân tại đây đã bị đảo lộn vì phải sống chung với ô nhiễm. Các nhà máy gây ra tình trạng này thuộc những Công ty TNHH Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Prime Đại Lộc (sản xuất gạch Ceramic) và Công ty TNHH Đại Hòa (chế biến bột cá làm thức ăn gia súc).

Lượng khói đá, bụi đá thải ra môi trường từ Công ty CP Prime Đại Lộc với tần suất dày đặc, khí thải từ nhà máy cũng có mùi khó chịu với những hộ dân sống lân cận. Công ty CP Prime Đại Lộc nhiều năm qua từng bị người dân cùng chính quyền địa phương “tố” xả thải gây ô nhiễm môi trường xung quanh và gần đây, dư luận được trấn an vì có thông tin công ty này đầu tư hệ thống xử lý nước thải trị giá nửa triệu USD. Tuy nhiên, khói đá, bụi đá từ nhà máy này thực tế vẫn gây tổn thất nặng nề cho vùng sản xuất lúa và trồng trọt của các thôn lân cận.

Ông Đoàn Tám - Chủ tịch UBND xã Đại Quang cho biết: “Trong thời gian qua, sau khi ghi nhận những phản ánh, bức xúc từ người dân, các công ty thuộc Cụm công nghiệp Đại Quang đều báo cáo đã lắp đặt hệ thống xử lý chất thải trước khi đưa ra môi trường xung quanh. Những thiết bị kỹ thuật xử lý vi sinh từ các nước tiên tiến trên thế giới được nhập về các nhà máy để xử lý chất thải. Tuy nhiên, dù đã được đầu tư “mạnh tay” như vậy nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn kéo dài trong nhiều năm nay”. Cũng theo ông Đoàn Tám, hiện Công ty CP Prime chỉ mới đầu tư được hệ thống xử lý nước thải, song hệ thống xử lý khí thải, bụi khói thì chưa đầu tư vì công nghệ này rất đắt, có giá trị lên đến cả triệu USD và nhà máy đang hướng tới đầu tư trong những năm tới.

Tại Công ty TNHH Đại Hòa, nhóm phóng viên được tận mắt chứng kiến công nghệ xử lý chất thải được nhập từ Đan Mạch với giá trị lên đến hơn 1 tỷ đồng. Ông Trịnh Lang - Phó Giám đốc Công ty TNHH Đại Hòa đưa chúng tôi đến bể lọc cuối cùng của quy trình xử lý chất thải. Tuy nhiên, nguồn nước này vẫn có màu đục đen, bột nổi đầy bể và mùi hôi thối bốc lên khiến có cảm giác buồn nôn, chóng mặt. Khu vực sản xuất chính với nền bẩn và ẩm ướt, công nhân lại không được trang bị các phương tiện khẩu trang, găng tay khi vận hành. “Nhà máy nào mà không hôi, một nhà máy bột cá mà không hôi thì rất khó. Nếu yêu cầu nhà máy bột cá mà không hôi thì chỉ có nước phải đóng cửa hết thôi” - ông Lang nói.

Cần giải quyết triệt để

Theo ông Đoàn Tám, trước đây, Công ty TNHH Đại Hòa nằm ở vị trí gần khu dân cư gây ô nhiễm không khí nặng nề. Trong nhiều đợt tiếp xúc cử tri, địa phương đã ghi nhận những bức xúc của người dân tại khu vực này. Sau đó, UBND xã Đại Quang đã kiến nghị lên cấp trên và yêu cầu công ty này di dời địa điểm hoạt động. Hiện tại công ty TNHH Đại Hòa đã di chuyển đến khu vực cách địa điểm cũ gần 500m. Dù đã được cải thiện về tình trạng ô nhiễm nhưng vào giờ cao điểm vẫn còn nghe mùi hôi lan tỏa rộng ra khu vực dân cư. Riêng về phía Công ty Cao su Đà Nẵng, thời gian vừa qua, công ty này gặp một số trục trặc về kinh doanh nên tần số hoạt động đã giảm đi, việc xả thải gây ô nhiễm về nước và không khí có ít hơn so với trước đây. Còn Công ty CP Prime Đại Lộc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất nông nghiệp của người dân. Mỗi vụ có 20 - 30ha lúa, chuối bị ảnh hưởng; còn diện tích mất hẳn năng suất và sản lượng lên đến 70 - 80ha. Những năm qua, Ban Thanh tra Sở TN&MT, Phòng TN&MT huyện, chính quyền địa phương, đại diện người dân và phía công ty cứ mỗi mùa vụ đều trực tiếp đi kiểm tra, thống kê số diện tích nông nghiệp bị thiệt hại và yêu cầu công ty đền bù cho người dân. Việc đền bù thiệt hại cho nhân dân đã diễn ra thường xuyên từ năm 2012 tới nay.

Khí thải dù đã qua xử lý vẫn còn mùi hôi. Ảnh VINH LIÊN
Khí thải dù đã qua xử lý vẫn còn mùi hôi. Ảnh VINH LIÊN

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều hộ dân tại xã Đại Quang, các biện pháp mà những công ty thuộc Cụm công nghiệp Đại Quang đang áp dụng hiện tại đều mang tính tạm thời. Dù đã lùi vào vị trí giáp núi, nhưng Công ty TNHH Đại Hòa vẫn xả khí và nước thải ô nhiễm ra môi trường vào những giờ cao điểm. Công ty Cao su Đà Nẵng hiện đang “ế ẩm” nên ít hoạt động, nhưng trong thời gian đến, nếu tình hình kinh doanh trở lại bình thường thì việc xả thải ra môi trường sẽ lại như trước đây. Hơn 100ha đất nông nghiệp của người dân bị ảnh hưởng bởi chất thải của Công ty CP Prime Đại Lộc không thể cứ áp dụng mãi phương thức đền bù, như vậy sẽ sinh ra tâm lý người dân trồng lúa không phải vì thóc mà để nhận tiền đền bù. Riêng, phía chính quyền xã Đại Quang và huyện Đại Lộc nhiều lần đề xuất phương án chuyển đổi toàn bộ 100ha trên sang đất công nghiệp, song mọi việc chưa ngã ngũ.

Ông Trương Văn Huấn - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Đại Lộc cho biết: “Những lần tiếp xúc cử tri tại xã Đại Quang, chúng tôi liên tục nhận được phản ánh bức xúc của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải của các nhà máy thuộc Cụm công nghiệp Đại Quang. Đơn vị đã tổ chức nhiều đợt khảo sát, kiểm tra. Lần gần đây nhất, vào tháng 6.2016, chúng tôi tiến hành khảo sát và phát hiện tình trạng xả thải vượt quá mức cho phép tại nhà máy chế biến bột cá làm thức ăn gia súc thuộc Công ty TNHH Đại Hòa. Nguyên nhân được cho rằng do hệ thống xử lý chất thải bị trục trặc kỹ thuật, và chúng tôi đã yêu cầu công ty này khắc phục. UBND huyện đã có chỉ đạo sẽ kiểm tra tất cả các nhà máy thuộc Cụm công nghiệp Đại Quang trong khoảng thời gian từ tháng 9 - 12 sắp tới. Nếu phát hiện sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”.

PHAN VINH - HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Quang khốn khổ vì ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO