Đài Thăng Bình tròn tuổi 40

GIANG BIÊN 15/06/2018 09:12

Đài Truyền thanh - truyền hình (TT-TH) Thăng Bình, tiền thân là Đài Truyền thanh Thăng Bình được thành lập năm 1978. Qua hơn 40 năm xây dựng và trưởng thành, Đài TT-TH Thăng Bình đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Phòng kỹ thuật của Đài TT-TH Thăng Bình được đầu tư hiện đại phục vụ cho việc ghi, thu chương trình phát thanh và truyền hình. Ảnh: GIANG BIÊN
Phòng kỹ thuật của Đài TT-TH Thăng Bình được đầu tư hiện đại phục vụ cho việc ghi, thu chương trình phát thanh và truyền hình. Ảnh: GIANG BIÊN

Làm truyền thanh ở xã

Đã gần 40 năm nay, ngày nào ông Võ Đức Quý (SN 1962) - Trưởng đài Truyền thanh xã Bình Nguyên cũng thức dậy rất sớm và có mặt tại trạm truyền thanh xã trước 15 phút kiểm tra máy để đúng 5 giờ sáng thực hiện tiếp sóng Đài TT-TH và Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam. Trạm truyền thanh xã Bình Nguyên thành lập từ năm 1980, sử dụng hệ thống truyền thanh hữu tuyến. Năm 2007, UBND xã Bình Nguyên đầu tư hơn 100 triệu đồng để lắp đặt máy phát sóng 50W, trụ ăng ten và 24 cụm loa không dây ở khắp 4 thôn trên địa bàn.

Từ khi thành lập đến nay, Trạm truyền thanh xã Bình Nguyên chỉ có một nhân sự là ông Võ Đức Quý vừa làm công việc trưởng đài, vừa làm biên tập, phát thanh viên và kỹ thuật. Hiện nay, hầu hết sự kiện, cuộc họp quan trọng, ông Quý còn phải lo tổ chức truyền thanh trực tiếp. Đặc biệt, khi dịch bệnh hay bão lụt xảy ra, ông Quý phải túc trực tại trạm để kịp thời thông tin - thông báo tường tận đến cho người dân chủ động phòng chống. Tất cả những công việc ấy, đòi hỏi ở ông sự đam mê, nhiệt tình, bởi mức lương phụ cấp dành cho cán bộ truyền thanh như ông rất thấp. Ông Võ Đức Quý cho biết, sau khi đi bộ đội và xuất ngũ trở về quê, ông vào làm ở trạm truyền thanh xã cho đến tận bây giờ. Công việc của người làm truyền thanh khá bận rộn, buổi sáng đi làm lúc mọi người chưa thức dậy. Ban trưa, mọi người nghỉ ngơi mình cũng phải làm, còn buổi tối khi mọi người quây quần bên mâm cơm gia đình mình phải ngồi trực máy. “Mặc dù bây giờ sử dụng hệ thống phát thanh tự động nhưng mình phải luôn có mặt để lỡ xảy ra sự cố nhiễu sóng hoặc có trục trặc lập tức khắc phục ngay” - ông Quý nói.

Từ đầu năm 2017, UBND xã Bình Nguyên yêu cầu trạm truyền thanh xã phải xây dựng chương trình phát thanh hàng tuần, hàng tháng, do đó công việc của ông Quý càng nặng nề hơn. Không những vậy, ông còn phối hợp với ban công an xã xây dựng hệ thống tiếng loa an ninh phát tự động vào lúc 21 giờ 30 phút hằng đêm để thông báo cho nhân dân chú ý giữ gìn tài sản, đề phòng trộm cắp. Cũng chính ông phối hợp với ban công an xã thực hiện sáng kiến hệ thống điện thoại báo mất tài sản. Theo đó, mỗi khi người dân mất  tài sản chỉ cần gọi điện đến số máy của lực lượng công an xã, lập tức hệ thống phát thanh sẽ tự động phát ra loa. Như vậy, mọi thông tin mất tài sản sẽ đến được với người dân.

Ngoài ông Võ Đức Quý, ở Thăng Bình có rất nhiều người gắn bó lâu năm với truyền thanh cơ sở, như các anh Lê Văn Thủy ở Trạm truyền thanh xã Bình Chánh, Châu Phải ở Trạm truyền thanh xã Bình Sa, Lê Bá Huy ở Trạm truyền thanh xã Bình Quế…; còn có nhiều người nay đã nghỉ hưu, được Đài Tiếng nói Việt Nam tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp truyền thanh”. Ông Lê Nam Quang - Trưởng đài TT-TH huyện Thăng Bình cho biết, những người làm truyền thanh ở cơ sở cũng là cộng tác viên tích cực của đài huyện. Họ không chỉ nối dài cánh sóng phát thanh của đài huyện mà còn đưa thông tin nhanh nhất từ cơ sở một cách trung thực góp phần làm phong phú nội dung chương trình của đài huyện.

Dấu ấn đài huyện

Trải qua 40 năm, dẫu nhiều lần thay đổi phương thức lãnh đạo, quản lý và ngay cả tên gọi, nhưng Đài TT-TH Thăng Bình vẫn không ngừng ổn định bộ máy, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, trau dồi nghiệp vụ… để hoàn thành tốt công tác tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là các chính sách an sinh của địa phương đến với cán bộ, đảng viên, nhân dân.

Về nhân sự, Đài TT-TH Thăng Bình hiện có 6 biên chế và 6 hợp đồng, hầu hết được đào tạo bài bản, đúng với chuyên ngành. Bà Trương Thị Thúy Ưu - Phó Trưởng đài TT-TH Thăng Bình chia sẻ, không chỉ thực hiện các chương trình phát thanh hàng ngày với thời lượng 30 phút và tiếp âm đài tỉnh cùng Đài Tiếng nói Việt Nam, hiện đơn vị còn sản xuất chương trình phát thanh online, chương trình truyền hình hàng tuần trên cổng thông tin của đài và chương trình truyền hình trên sóng QRT hàng tháng. Bà Trương Thị Thúy Ưu cũng cho hay, tiếng loa truyền thanh, hình ảnh truyền hình của đài bây giờ không chỉ phủ sóng trên địa bàn và các vùng lân cận mà còn vươn ra bên ngoài qua hệ thống internet. “Ngoài việc chủ động sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình, chúng tôi đã phối hợp với các ban, ngành liên quan mở 21 chuyên mục, tiết mục chuyên sâu phục vụ bạn nghe đài; tổ chức phát thanh trực tiếp các sự kiện chính trị quan trọng của huyện” - bà Thúy Ưu nói.

Thời gian qua Đài TT-TH Thăng Bình tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại đơn vị và trạm truyền thanh cơ sở. Năm 2003, UBND huyện Thăng Bình xây dựng đề án phát triển mạng lưới truyền thanh cơ sở và được HĐND huyện khóa VIII thông qua, ra nghị quyết thực hiện, qua đó xây dựng được 22 trạm truyền thanh cấp xã phát sóng FM. Năm 2014, HĐND huyện thông qua đề án củng cố, phát triển sự nghiệp TT-TH trên địa bàn huyện, theo đó hàng năm ngân sách bố trí hàng trăm triệu đồng cho các địa phương củng cố, sửa chữa hệ thống máy phát sóng, loa FM, mua sắm máy tính ghi chương trình để các đài cơ sở hoạt động.

Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện Thăng Bình có hơn 800 cụm loa FM  phủ khắp 132 thôn, tổ dân cư. Ông Võ Thành Châu - Phó Trưởng đài TT-TH Thăng Bình (phụ trách kỹ thuật) cho hay: “Chúng tôi đặt ra từng lộ trình cho mỗi năm. Theo đó, đối với những địa phương đăng ký về đích nông thôn mới, chúng tôi ưu tiên đầu tư trước để tạo thuận lợi cho công tác tuyên truyền. Đài huyện cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống phát sóng FM, so với truyền thanh hữu tuyến trước đây không chêch lệch về kinh phí nhưng rất thuận lợi cho việc quản lý sử dụng. Các cụm loa được mắc trực tiếp vào hệ thống điện, khi có tín hiệu từ máy phát cùng tần số sẽ tự động phát thanh. Cách làm này ít bị hư hỏng, có sự cố dễ khắc phục. Một số trạm truyền thanh xã còn cài tự động hẹn giờ, nên tất cả chương trình đều được tiếp âm nghiêm túc, đầy đủ”.

GIANG BIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đài Thăng Bình tròn tuổi 40
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO