Hồi chuông báo động lại gióng lên sau khi xảy ra sự cố cháu T.L.H.N bị lọt xuống cọc bê tông rỗng bên trong, đường kính rộng 25cm đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m tại công trình cầu Rọc Sen ở xã Phú Lợi (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) vào trưa ngày 31/12/2022. Một lần nữa, việc đảm bảo an toàn nơi các công trình đang thi công nói chung, xây dựng hạ tầng giao thông nói riêng được đặt ra cấp thiết.
Còn nhớ vào chiều tối 9/1/2022, một người đàn ông chạy xe máy chở theo vợ và 2 đứa con đang lưu thông trên đường Võ Chí Công theo hướng từ TP.Tam Kỳ về xã Tam Tiến (Núi Thành) thì bất ngờ tông vào đống cát chắn ngang giữa đường khiến 2 mẹ con tử vong, 2 cha con bị thương nặng. Đống cát này được nhà thầu thi công dự án đường 129 (nay là đường Võ Chí Công) đổ để chặn không cho xe vào công trình thuộc điểm đang chờ lún.
Người dân địa phương cho biết, chỗ đống cát không đặt biển báo cảnh báo và rào chắn bằng dây phản quang, có lẽ vì thế mà trời chập choạng tối người điều khiển xe không phát hiện ra vật cản nên đã tông phải.
Ghi nhận tại công trình giao thông đang khai thác vừa tiến hành nâng cấp, mở rộng, cọc tiêu bị ngã, dây phản quang cảnh báo đứt lìa, song đơn vị thi công chưa chú tâm điều chỉnh. Vì vậy, người điều khiển phương tiện không quan sát kịp đã lao xuống vệt sâu vốn được đào lên để đổ cấp phối đá dăm.
Những vị trí vừa đào lên được rào chắn, nhưng thiếu đèn cảnh báo vào ban đêm rất dễ khiến phương tiện tông thẳng vào. “Tiết kiệm” tiền thuê nhân công, nhà thầu không bố trí người cảnh giới giao thông, phó mặc cho xe múc đưa gàu qua lại, rất dễ va vào người đi đường. Trong lúc, hợp đồng ký kết của gói thầu đã có bố trí nguồn kinh phí để lo công tác đảm bảo an toàn giao thông.
Chủ đầu tư các dự án xây dựng hạ tầng đường bộ trên địa bàn tỉnh có nhiều văn bản đôn đốc nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát tuân thủ quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn trong quá trình thi công.
Người đứng đầu của chủ đầu tư thường xuyên quán triệt đội ngũ điều hành của ban đứng trực tiếp công trường phải giám sát sự tuân thủ quy định từ phía đơn vị thi công, ghi hình và có biện pháp chấn chỉnh hoặc báo cáo để xử lý lỗi. Người đứng đầu còn bất ngờ đi kiểm tra, qua đó nhắc nhở, thậm chí kỷ luật nhà thầu vi phạm.
Tuy nhiên, một số nhà thầu chưa chú tâm đến việc đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông trên công trường, nhất là công trình do cấp huyện, cấp xã làm chủ đầu tư. Việc tuân thủ quy định ở công trường do tỉnh hay trung ương làm chủ đầu tư triển khai trên địa bàn tỉnh từ phía nhà thầu đôi lúc còn mang tính đối phó. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần rà soát lại để có giải pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời thực trạng nêu trên, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.