Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu tại hội nghị trực tuyến với 18 huyện, thị xã, thành phố, nhằm đánh giá tình hình sản xuất nông nghiệp năm 2020 và triển khai những nhiệm vụ trọng tâm thời gian đến. Hội nghị diễn ra hôm qua 19.11.
Kết quả khả quan
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, năm 2020 cả tỉnh gieo trồng 146.700ha cây hàng năm. Riêng cây lúa, trong 2 vụ của năm nay, toàn tỉnh gieo sạ 83.512ha, giảm 1,68% so với năm 2019. Mặc dù thời tiết diễn biến bất lợi, nhất là khô hạn xảy ra diện rộng trong vụ hè thu, nhưng nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nên nhìn chung cả 2 vụ lúa đều thắng lợi. Theo thống kê, năm 2020 năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 54,06 tạ/ha (tăng 1,43% so với năm 2019) và tổng sản lượng đạt khoảng 451.475 tấn.
Theo Sở NN&PTNT, năm 2020 ước tính tổng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của tỉnh đạt 14.161 tỷ đồng, tăng 3,02% so với năm 2019. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đạt 8.389 tỷ đồng, tăng 1,86%; lâm nghiệp đạt 1.532 tỷ đồng, tăng 5,51%; thủy sản đạt 4.240 tỷ đồng, tăng 4,58%.
“Trong năm 2020, các địa phương tiếp tục thực hiện mô hình liên kết sản xuất các loại cây trồng. Vụ đông xuân có khoảng 3.500ha liên kết sản xuất, trong đó giống lúa là 3.250ha và các loại rau, ớt, dâu tằm, đậu phụng, dược liệu, cây ăn quả khoảng 250ha. Còn vụ hè thu, diện tích khoảng 1.359ha, trong đó giống lúa 1.186ha, rau đậu các loại 68ha, dâu tằm 55ha, cây ăn quả 34ha, dược liệu 16ha. Việc liên kết sản xuất giúp giải quyết ổn định đầu ra sản phẩm, đồng thời tăng thu nhập cho người nông dân. Đáng ghi nhận, trong năm nay, nhiều vùng duy trì và mở rộng diện tích chuyển đổi đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang canh tác các loại cây trồng cạn với tổng diện tích hơn 1.840ha. Nhìn chung, hầu hết cây trồng của các mô hình chuyển đổi đều cho năng suất cao và lợi nhuận tăng 20 - 30% so với sản xuất lúa trong cùng thời vụ, trên cùng chân đất” - ông Tích nói.
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp, tính đến thời điểm này, tổng số tàu cá của tỉnh là 3.042 chiếc. Tổng sản lượng hải sản ngư dân toàn tỉnh khai thác trong 10 tháng đầu năm 2020 đạt khoảng 87.854 tấn, tăng 3.234 tấn so với cùng kỳ năm 2019. Hiện nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh hơn 8.600ha. Nhờ người dân đa dạng hóa đối tượng nuôi, áp dụng hiệu quả nhiều giải pháp kỹ thuật và chủ động phòng trừ dịch bệnh nên trong 10 tháng qua tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 25.306 tấn, tăng 600 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng phát triển theo phương thức hàng hóa với quy mô lớn. “Tính đến thời điểm này, cả tỉnh có 351 trang trại chăn nuôi gồm 1 trang trại trâu, 32 trang trại bò, 168 trang trại heo, 150 trang trại gia cầm. Trong đó, có 5 cơ sở chăn nuôi được công nhận phù hợp với quy trình thực hành chăn nuôi tốt tại Việt Nam - VietGAP, 8 cơ sở chăn nuôi xây dựng và công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh” - ông Phạm Viết Tích thông tin.
Đảm bảo điều kiện sản xuất vụ đông xuân
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, vụ đông xuân sắp tới, ngoài canh tác hàng chục nghìn héc ta cây trồng cạn và rau đậu các loại, nông dân toàn tỉnh gieo sạ 42.000ha lúa, chủ yếu cơ cấu những loại giống chủ lực trung - ngắn ngày. Theo lịch thời vụ do ngành nông nghiệp tỉnh thiết lập, thời gian xuống giống vụ lúa đông xuân 2020-2021 bắt đầu từ ngày 30.12.2020 và kết thúc vào 10.1.2021. Tùy theo thời gian sinh trưởng của từng loại giống, bố trí lúa trổ từ ngày 20.3 đến 5.4.2021 (trổ tập trung từ 25.3 - 31.3.2021) và thu hoạch xong trước ngày 5.5.2021.
Theo ông Nguyễn Văn Tân - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật, nhằm hạn chế thiệt hại do dịch hại gây ra, thời gian tới nông dân cần tổ chức các đợt ra quân tiêu diệt chuột và ốc bươu vàng. Trước khi triển khai gieo sạ khoảng 1 tháng, tiến hành phát dọn lúa nách và cày dầm đất để cắt đứt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ.
“Hiện nay, hầu hết hồ chứa thủy lợi của tỉnh đã tích đầy nước, đảm bảo phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021. Tuy nhiên, để tiết kiệm nguồn nước cung ứng cho cây trồng trong vụ hè thu 2021, ngay từ bây giờ nông dân cần đắp bờ giữ nước trên ruộng cho làm đất gieo sạ vụ đông xuân” - ông Tân nói thêm.
Lãnh đạo nhiều địa phương cho rằng, những đợt bão lũ vừa qua đã khiến hạ tầng thủy lợi bị hư hỏng, sạt lở, bồi lấp nghiêm trọng, gây rất nhiều khó khăn cho vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nói: “Ngoài 20ha đất nông nghiệp ven các con sông bị cuốn trôi thì 53 trạm bơm điện trên địa bàn Đại Lộc cũng bị bão làm tốc mái và lũ làm sạt lở, bồi lấp bể hút với khối lượng đất cát rất lớn. Không chỉ vậy, toàn huyện có 3 hồ chứa nước bị cát đá bồi lấp lòng hồ và hàng loạt tuyến kênh mương bê tông bị sạt lở, ngã đổ với tổng chiều dài 2,6km. Vụ đông xuân tới, toàn huyện Đại Lộc sản xuất 4.300ha lúa và 2.800ha hoa màu, địa phương mong tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí sớm khắc phục thiệt hại về hạ tầng thủy lợi”.
Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp phổ biến rộng rãi lịch thời vụ, cơ cấu giống vụ lúa đông xuân 2020 - 2021 để nông dân biết và chủ động triển khai sản xuất. Đặc biệt, ngoài nguồn hỗ trợ của cấp trên, các địa phương nên linh hoạt huy động nhiều kênh vốn để sớm khắc phục công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương bị sạt lở, hư hỏng, bồi lấp nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới cho cây trồng; chuẩn bị đầy đủ các loại hạt giống phục vụ nhu cầu sản xuất của nhà nông.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu, thời gian tới các địa phương phải chủ động vận động nhân dân tích cực tích tụ, tập trung ruộng đất và rà soát hiện trạng, điều kiện cụ thể để có giải pháp phù hợp thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Các ngành, đơn vị chức năng phối hợp xúc tiến xây dựng vùng trồng dâu nuôi tằm gắn với khôi phục nghề truyền thống và du lịch tại Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn; quan tâm hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã và đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn có chất lượng tốt nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường...