Trong phương án cụ thể phòng chống mưa bão năm 2017, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đề ra mục tiêu đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt nhanh nhất có thể khi thiên tai xảy ra.
Khắc phục sự cố cầu bản bị gãy đổ tại lý trình km84+160, QL 40B vào mùa mưa bão 2016. |
Kinh nghiệm thực tiễn
Cuối năm 2016, mưa lớn gây sạt lở đất đá, cuốn trôi cầu tại một số tuyến đường lên các huyện vùng cao của tỉnh khiến giao thông ách tắc. Quá trình khắc phục sự cố gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, tháng 11.2016, trên quốc lộ (QL) 40B, lý trình km84+160 thuộc thôn 5, xã Trà Giác (Bắc Trà My), một cầu bản cũ bị nước suối chảy xiết gây sạt lở hai bên mố xây bằng đá hộc giản đơn, bản mặt cầu gãy sập. Cùng các điểm sạt lở khác, cầu bản hư hỏng làm ách tắc lưu thông từ huyện Nam Trà My xuống huyện Bắc Trà My. Giữa tháng 12.206, trên QL 14E do mưa lớn kéo dài gây sạt lở nghiêm trọng, nhất là taluy dương tại km85+300 khiến lưu thông đường bộ giữa Hiệp Đức và Phước Sơn bị chia cắt hoàn toàn. Nặng nhất với QL 40B bị sạt lở đất taluy dương 261.913m3; sạt lở taluy âm 22 vị trí, dài khoảng 600m… Trên đường thủy nội địa, nhiều phao báo hiệu hư hỏng hoặc bị cuốn trôi, kè bảo vệ một số trạm quản lý trực thuộc Đoạn Quản lý đường thủy nội địa Quảng Nam bị sạt lở. Cụ thể, ở khu vực Cửa Đại (Hội An), sông bị bồi lấp đoạn từ km3+500 hướng ra Biển Đông. Tuyến đường thủy nội địa Cửa Đại - Cù Lao Chàm hình thành một vệt cạn rộng 300m, cắt ngang từ phía Hội An qua Duy Xuyên nên các phương tiện không ra vào cửa biển được.
Để ứng phó sự cố trên, Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) Sở GTVT đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo khắc phục những vị trí sạt lở đứt đường, làm đường tạm, cống tạm. Bất chấp địa hình hiểm trở, các đơn vị được giao bảo trì, quản lý các tuyến QL và tỉnh lộ huy động tối đa lực lượng, máy móc, thiết bị vào cuộc. Nhờ đã tập kết được số lượng lớn trang thiết bị chuyên dụng, vật liệu tại nhiều điểm xung yếu, nỗ lực lao động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt để đảm bảo giao thông bước một sớm nhất có thể, dù kinh phí chưa hề được phân bổ. Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông (Sở GTVT) - ông Trần Ngọc Thanh cho hay, tổng kinh phí khắc phục bước đầu cho các QL bị hư hỏng lên đến 31,5 tỷ đồng; các tuyến tỉnh lộ là 4,048 tỷ đồng. Cạnh đó, tổng kinh phí sửa chữa bước đầu thuộc lĩnh vực đường thủy nội địa là 2,74 tỷ đồng. Qua thực tiễn ứng phó với mưa bão năm 2016, lãnh đạo Sở GTVT khẳng định việc triển khai còn tồn tại nhiều vấn đề khiến cho công tác đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là khâu khắc phục để thông xe bước một gặp trở ngại. “Điển hình là công tác tập kết máy móc tại một số tuyến đường miền núi chưa đầy đủ, chưa tính toán ảnh hưởng của việc tắc đường do sạt lở lớn, ngập lụt xảy ra. Cạnh đó, khâu thông tin, báo cáo của các đơn vị liên quan nhiều thời điểm chưa kịp thời, chính xác” - Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh nói.
Lên phương án cụ thể
Được biết, Sở GTVT đang nghiên cứu tiến tới thực hiện xã hội hóa công tác khắc phục bão lụt để huy động tối đa năng lực máy móc thiết bị của doanh nghiệp tham gia thực hiện công tác khắc phục đảm bảo giao thông. Trước mắt, ngành giao cho đồng chí lãnh đạo phụ trách vận tải cùng trưởng phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT chịu trách nhiệm phối hợp với các địa phương, điều động phương tiện của đơn vị vận tải để di dời nhân dân vùng thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của họ. |
Để khắc phục tồn tại vừa nêu, Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Thanh An yêu cầu công tác chuẩn bị phải thực hiện ngay từ mùa nắng. Đồng thời lưu ý, các đơn vị quản lý đường bộ cần liên hệ với các doanh nghiệp thi công tại địa phương để sẵn sàng trong huy động máy móc, thiết bị phục vụ khắc phục đảm bảo giao thông bước một nhanh hơn nữa. “Cần phải rút kinh nghiệm trong công tác nắm tình hình. Phụ trách các cung đường chú ý thường xuyên kiểm tra tuyến khi có mưa lớn để báo cáo nhanh đến lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Sở GTVT để có hướng chỉ đạo kịp thời” - ông Trần Thanh An yêu cầu. Theo đó, trước mùa mưa năm nay bắt đầu, Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam đang khẩn trương kiểm tra, xác định lại vị trí xung yếu trên các tuyến đường thuộc phạm vi doanh nghiệp quản lý. Theo ông Nguyễn Văn Sỹ - Phó Tổng giám đốc công ty, những điểm có mái taluy cao, địa chất yếu, có khả năng xảy ra sạt lở, cây cối dễ ngã đổ, vị trí thường xảy ra ngập lụt có lưu tốc dòng chảy lớn sẽ được chú ý đúng mức. Trên cơ sở đó, đơn vị tiến hành san gạt lề đường, phát quang, chặt bớt cành cây tán lá, gia cố taluy âm, cắm biển báo tại nơi có nguy cơ sạt lở, sụt lún. Doanh nghiệp cũng sẽ chú trọng thanh thải dòng chảy, kiểm tra hệ thống kết cấu công trình thoát nước trên tuyến nhằm phát hiện kịp thời hư hỏng để có biện pháp khắc phục xong trước mùa mưa. Khi xảy ra sự cố, trường hợp không thể khắc phục thông xe ngay, người có trách nhiệm phải cắm biển báo cấm nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Được giao quản lý QL 40B (đoạn km85-km141 qua Nam Trà My) và tỉnh lộ 603B, Công ty CP Xây dựng giao thông Quảng Nam đã lên phương án ứng phó vào mùa mưa bão. Phó Tổng giám đốc Ngô Viết Sang cho hay, đơn vị đang dự trù số lượng nhân sự, vật tư, thiết bị máy móc tập kết tại vị trí thích hợp, tìm ẩn nguy cơ cao để chủ động thực thi nhiệm vụ. Việc tăng cường mối liên hệ phối hợp với địa phương nơi tuyến đường đi qua được ưu tiên, từ đó có thể huy động thêm máy móc tại chỗ phục vụ khắc phục sự cố. Bên cạnh đó, Thanh tra Sở GTVT sẽ cử tổ công tác có mặt ở các nơi xung yếu, phối hợp chặt chẽ với công an kiểm tra trên các tuyến đường bộ, đường thủy nội địa; tham gia giải tỏa cây cối ngã đổ trên đường, điều tiết giao thông. Cùng với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tiến hành ngăn chặn tình trạng người dân dùng phương tiện thủy, vật nổi chuyên chở xe máy và người qua lại. Để công tác PCLB&TKCN đi vào chiều sâu, ông Lê Văn Canh - Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 2 (Thanh tra Sở GTVT) cho rằng, cần quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân. Về kế hoạch phòng chống lụt bão mang tính lâu dài, những người có trách nhiệm cần xây dựng hệ thống thông tin trên mạng để thông tin, cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá, lũ bùn, lũ quét, đặc biệt các điểm ngập lụt để cho nhân dân được biết, tránh tình trạng phương tiện bị ách tắc, hành khách phải chờ nhiều ngày tại nơi ngập lũ…
CÔNG TÚ