Có hơn 35 năm gắn bó với nghề làm bánh bèo, vợ chồng ông Trương Văn Sự (67 tuổi) và Ngô Thị Lý (64 tuổi) ở tại thôn Tây Thành (Duy Nghĩa, Duy Xuyên) vẫn giữ cách làm truyền thống, tạo hương vị riêng cho món ăn dân dã xứ Quảng.
Vợ chồng chú Sự đang lấy bánh ra từ lò. Ảnh: L.T |
Về vùng quê Duy Nghĩa, nhắc đến bánh bèo cô Lý ai cũng biết. Bởi cái quán nhỏ này tồn tại ngót 36 năm. Chú Sự kể, hồi mới bắt đầu mở quán vốn liếng không có, phải vay mượn bà con lối xóm. “Thời điểm năm 1982, vợ chồng tôi mượn 50 nghìn đồng làm vốn nhưng bán gần cả năm mới đủ tiền trả nợ. Chưa kể có người đến ăn bánh trừ nợ” - chú Sự nói. Khổ cực là vậy nhưng sau nhiều năm gắn bó nghề cũng không phụ người, là sinh kế ổn định để gia đình chú Sự nuôi 5 người con ăn học đến nơi đến chốn.
Để quán bánh bèo có tiếng như bây giờ đòi hỏi vợ chồng chú Sự phải có kỹ thuật riêng. Gạo được chọn là loại gạo Khang Dân, mua từ xã Duy Thành (Duy Xuyên) chở qua. Đặc điểm của gạo này là làm cứng bánh mà không cần bỏ phụ gia. Trước khi xay bột phải vuốt gạo thật sạch và nhẹ tay để tránh làm mất lớp dinh dưỡng của gạo. Ngâm gạo từ 3 đến 4 giờ đồng hồ, nếu ngâm nhiều bánh sẽ bị chua. Xay bộ cũng là công đoạn quan trọng để bánh không quá mềm cũng không quá cứng. Sau khi xay bột xong tiến hành xếp chén thành 2 lớp, mỗi lớp 30 chén rồi đổ bột vào hấp cách thủy. Muốn có lượng hơi đủ cho bánh chín cần loại nồi đế dày, vung đậy khít để giữ hơi. Để bánh không bị rỗ khi hấp cô Lý trải một lớp khăn mỏng lên trên bề mặt chén để khi hấp hơi nước không nhỏ giọt. Thời gian chuẩn xác để bánh bèo chín là 15 phút sau khi đậy vung. Khi lấy bánh ra, để hạn chế lượng hơi bốc lên làm bỏng tay cần cho vào nồi một gáo nước lạnh để hơi hạ xuống bớt. Nhưn bánh được làm từ bột gạo nước, tôm, thịt heo ba chỉ và lá hẹ kèm theo đó là mắm ngọt và đậu phụng. Muốn nhưn ngon phải chọn nguyên liệu tươi, băm nhỏ rồi xào lên sau đó đổ vào bột pha loãng nấu cho đến khi bột trong là được.
Mỗi ngày hai vợ chồng chú Sự bán hơn 1.000 chén bánh bèo, giá 5 nghìn đồng 7 chén. Ngoài bánh bèo, quán còn bán thêm bánh nậm, bánh đập và sữa đậu nành nóng; bán từ 1 giờ chiều đến 8 giờ tối. Khách ở đây chủ yếu là học sinh, bà con hàng xóm, khách du lịch trong và ngoài nước. Chú Sự chia sẻ: “Từ khi dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An ở Duy Hải khởi động đến nay, lượng khách ghé quán đông hơn hẳn. Mỗi ngày trừ hết công cán, gạo, củi lời được 200 nghìn đồng. Quan trọng là chúng tôi sống được với nghề, góp phần lưu giữ món ăn dân dã của quê xứ”.
LÊ TÌNH