Chỉ vỏn vẹn có 5 triệu đồng vốn kinh doanh ban đầu nhưng biết sử dụng đồng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả, đến nay chị Ngô Thị Kim Ngọc đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại chỗ và trở thành nữ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG).
Đến phường Hòa Hương (TP.Tam Kỳ), hỏi chị Ngô Thị Kim Ngọc hay “Chị Ngọc xẻ gỗ” ai cũng trầm trồ khen ngợi bởi đức tính cần cù, chịu thương chịu khó và giàu lòng nhân hậu. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, đông anh em nhưng bằng nghị lực của mình, chị cùng chồng chăm chỉ làm ăn và trở thành nữ nông dân SXKDG. Chị Ngô Thị Kim Ngọc tâm sự, sau khi lập gia đình, vợ chồng phải ra riêng bước đầu khổ trăm bề. Biết rằng, nghèo khó thì phải “một nắng hai sương”, chăm chỉ làm ăn, nhưng thật ra mà nói, làm nông công việc vất vả quanh năm nhưng chỉ đủ ăn, đủ mặc, chưa nói đến việc học hành của con cái. Năm 2007, chị Ngọc quyết tìm cho mình một cách làm ăn mới, vừa làm nông vừa gắn với kinh doanh để có thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, lúc đó chị chỉ có khoảng 5 triệu đồng; trong khi đó số vốn cần để mua trang thiết bị, đầu tư xưởng chế biến gỗ lại không hề nhỏ. Được bạn bè, người thân và Hội Nông dân phường động viên, trợ giúp vốn và từ nguồn vay của Ngân hàng NN&PTNT TP.Tam Kỳ 50 triệu đồng và Ngân hàng CSXH tỉnh cho vay từ nguồn giải quyết việc làm 20 triệu đồng, chị rủ những người chưa có công ăn việc làm cùng làm nhà xưởng vừa xẻ gỗ gia công vừa kinh doanh chế biến gỗ gia dụng.
Chị Ngọc (ngoài cùng bên trái) chuẩn bị bữa cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Ảnh: M.S |
Trong 3 năm đầu, tuy gặp không ít khó khăn trong sản xuất như lao động, xẻ gỗ, đầu ra khó ổn định, lỗ lãi thất thường, chị phải tiết kiệm về mọi mặt và phải vay mượn thêm cho đủ vốn để sản xuất kinh doanh. Trong kinh doanh nhu cầu khách hàng ngày càng tăng, gỗ thành phẩm tiêu thụ trên thị trường ngày càng nhiều hơn, từ một máy cưa vận hành chưa đáp ứng với thị trường, chị lại xoay xở mua thêm 2 máy cưa nữa để phục vụ cho nhu cầu khách hàng. Đầu năm 2011, việc sản xuất được ổn định, chị vay thêm 250 triệu đồng nâng tổng vốn kinh doanh khoảng 1,2 tỷ đồng. Khi cơ sở dần ổn định, chị đầu tư thêm phân xưởng để vừa xẻ gỗ gia công và bán gỗ thành phẩm, mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi ròng trên 210 triệu đồng, từ đó chị thực hiện kế hoạch trích lãi trả nợ vay mượn. Niềm vui của chị hôm nay là đã trả hết số tiền vay của ngân hàng, nợ nần và tài sản cố định cộng với vốn lưu động đã trên 1,5 tỷ đồng. Đồng thời chị đã tạo điều kiện giúp đỡ 10 lao động mức lương khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Cả ngày chị Ngọc quần quật với công việc, vừa sắp xếp bố trí công việc cho anh em công nhân, vừa tham gia công tác xã hội địa phương. Cũng lắm lúc khá bận rộn cho công việc làm ăn, “tay cầm thước đo gỗ, tay sổ sách theo dõi công nợ” nhưng chị vẫn lo chu toàn. Ở đâu, gia đình nào gặp bất trắc trong cuộc sống, khó khăn về kinh tế chị tìm đến chia sẻ khó khăn và hỗ trợ một phần kinh phí để động viên, giúp đỡ nhiều gia đình nghèo khác vượt qua khó khăn vươn lên cuộc sống. Đối với các phong trào ở địa phương, chị luôn tiên phong vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và có nhiều đóng góp cho phong trào hoạt động của địa phương.
Cuộc sống ngày càng khấm khá hơn, với tấm lòng nhân hậu, chị luôn cảm thông thấu hiểu và luôn giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh nghèo khó như: đau ốm, thương tật, cô đơn không nơi nương tựa... Chị sẵn lòng tạo mọi điều kiện để giúp đỡ cả vật chất, lẫn tinh thần mặc dầu gia đình vẫn còn nhiều việc phải lo. Từ tiết kiệm mọi nguồn chi tiêu trong gia đình chị dành số tiền mỗi năm trên 20 triệu đồng làm từ thiện. Mới đây, Đại hội Hội Từ thiện phường Hòa Hương đã bầu chị giữ lại chức Chủ tịch Hội Tù thiện nhiệm kỳ 2014 - 2019. Ông Nguyễn Quang Ân - Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Hương nói: “Đối với công tác hội và phong trào nông dân chị Ngọc luôn đi đầu gương mẫu, chấp hành tốt điều lệ và các quỹ quy định của hội. Ngoài ra, chị Ngọc còn tiết kiệm chi tiêu hỗ trợ cho Hội Nông dân phường 2 triệu đồng/năm về khoản quỹ hỗ trợ nông dân có hoàn cảnh khó khăn và học sinh nghèo vượt khó học giỏi”. Chị vừa được UBND TP.Tam Kỳ tặng Giấy khen nông dân SXKDG tiêu biểu năm 2014.
Ở tuổi 50, chị Ngọc chưa bao giờ mệt mỏi với công việc, hằng ngày chị vẫn làm những công việc nặng nhọc, “cầm thước đo từng tấc gỗ” và quán xuyến công việc kinh doanh. Niềm trăn trở của chị là mặt bằng kinh doanh hiện tại còn nhỏ chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất, dễ gây tiếng ồn và chưa an toàn nên đầu tư còn manh mún. Chị mong muốn mở thêm một trại mộc dân dụng, để sản xuất ra mặt hàng gỗ dân dụng vì nhu cầu chung của thị trường hiện nay và giải quyết lao động ở địa phương chưa có việc làm. “Nếu có mặt bằng để dựng trại gỗ gia dụng tôi có thể giúp thêm 15 - 20 lao động có công việc làm ổn định có mức lương ban đầu 2,5 - 3 triệu đồng/tháng/người. Sắp tới, tôi sẽ đầu tư mô hình vừa gia công, vừa sản xuất và kinh doanh để mặt hàng mộc dân dụng mang thương hiệu mộc Tam Kỳ có mặt trong ngoài tỉnh và xa hơn, đó cũng là điều vĩnh phúc cho tôi” - chị Ngọc cho biết thêm.
MINH SƠN