(QNO) - Anh hay nói về mình bằng những câu chuyện từ cây rơm, gốc rạ, những điều giản dị và xưa cũ. Anh nói một cách say mê, say mê như lúc anh cầm cọ vẽ lên những gam màu. Có lẽ vì thế mà trong mỗi tác phẩm của anh đều phảng phất những nét cũ và tự nhiên riêng biệt.
Tác phẩm của Tĩnh phần lớn xoay quanh chân dung con người. Ảnh: PHAN VINH |
Từ bản năng
Ngồi chung bàn cà phê với các họa sĩ trong con hẻm nhỏ ở khu phố cổ Hội An, anh Bùi Văn Tĩnh (SN 1991, quê ở xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) gây chú ý vì là người trẻ tuổi nhất. Hòa vào câu chuyện sôi nổi bàn về hội họa, mỗi người đều mang nặng cái tôi riêng của mình và anh Tĩnh cũng vậy, dù trẻ tuổi nhưng anh đã sớm định hình được một phong cách nghệ thuật riêng. Nói về con đường đến với ngành hội họa, anh kể, tuổi thơ của mình có những lần mải mê xem ông đồ viết thư pháp mà quên cả giờ giấc hay lang thang trên các con đường ở TP.Tam Kỳ xem người ta vẽ bảng hiệu bằng sơn một cách vuông vức. Từ đó, anh bắt đầu tập vẽ. Khi được nhiều người khen các tác phẩm do mình vẽ ra, anh đã ấp ủ ước mơ trở thành một họa sĩ.
“Khi thi đậu vào ngành hội họa của Trường Đại học Nghệ thuật Huế và so sánh với bạn bè trong lớp, tôi mới giật mình nhìn lại, lâu nay, tôi đều vẽ theo bản năng mà không có căn bản nền. Chính vì vậy, thời gian đầu nhập học, nhiều thầy cô trong trường khuyên tôi nên chọn một ngành khác phù hợp hơn. Nhưng tôi không bỏ cuộc, tôi tìm đến những anh chị khóa trên, những người giàu kinh nghiệm để học hỏi” - anh Tĩnh chia sẻ.
Tác phẩm này anh Tĩnh muốn gửi gắm thông điệp nhân đạo yêu thương với động vật. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Từ đó, anh Tĩnh bắt đầu đi lang thang tập ký họa. Dần dần, trong môi trường đại học, tiếp xúc nhiều với những người làm nghệ thuật, anh đã hiểu được như thế nào là đẹp. Những tác phẩm hội họa trước đây anh cho là khó hiểu thì nay anh đã nhìn được cái đẹp trong đó. Thời gian sau, dù vẫn còn ngồi trên ghế giảng đường nhưng anh Tĩnh đã có thể kiếm sống được với ngành mình đang học. Anh nhận trang trí cho các quán mỗi dịp lễ, tết. Buổi tối, anh mang giá vẽ ra những con đường đông người qua lại ở TP.Huế để vẽ chân dung cho du khách.
Ra trường, anh đi khắp nơi, đến những vùng đất mà ở đó, môi trường nghệ thuật thật sự sôi động. Anh kết bạn, giao lưu với nhiều họa sĩ trong cả nước. Và từ đây, anh bắt đầu định hình được gu nghệ thuật của mình, sở trường của anh là khai thác những “chất liệu” bình thường, giản dị từ cuộc sống xung quanh để tạo nên cái đẹp tổng thể cho một tác phẩm. Gam màu chính được anh ưa chọn phải tôn vinh lên vẻ hoài cổ.
Hướng đến cái đẹp tự nhiên
Đa số các tác phẩm của anh Tĩnh đều là những bức chân dung về người nông dân, em bé, cụ già. Mọi thứ đều nhuốm màu đất và hoài cổ. Thời gian qua, anh Tĩnh đã có nhiều tác phẩm tham gia vào các buổi triển lãm tranh tại Quảng Nam và khu vực miền Trung. Nhưng ấn tượng và thu hút sự quan tâm của nhiều người nhất là tác phẩm “Cô gái và chú chim nhỏ” hay bộ tranh mà anh ký họa tại các lò giết mổ bò với những chi tiết nhỏ như ánh mắt ngơ ngác của con bò trong lò mổ... Chia sẻ về bộ tranh này, anh Tĩnh muốn gửi gắm thông điệp nhân đạo yêu thương với động vật, tạo sự tương tác, đồng cảm giữa người xem với tác phẩm.
Anh Tĩnh còn tham gia vào nhiều bộ phim tạo được sự quan tâm chú ý của khán giả với vai trò là họa sĩ thiết kế bối cảnh. Gần đây nhất là bộ phim “Cô gái đến từ hôm qua” do đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Anh Tĩnh cùng với ê-kip làm phim đã phục dựng lại những bối cảnh tương tự với khoảng thời gian trong truyện. Anh Tĩnh chia sẻ: “Khi nhận được thông tin công việc, tôi cảm thấy rất hào hứng, bởi vốn ưa thích những gam màu cũ. Nhưng tôi cũng phải thu thập thêm tư liệu, hình ảnh về giai đoạn thời gian như trong truyện mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh miêu tả”.
Anh Tĩnh và một bối cảnh do anh thiết kế trong phim "Cô gái đến từ hôm qua" ở Hội An. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Trong bộ phim trên, anh Tĩnh góp vào những chi tiết nhỏ như bảng hiệu trên phố, hình ảnh trong cuốn lưu bút của nhân vật, các poster ở rạp chiếu phim, tranh hay những vật dụng trang trí,... tất cả đều tạo nên một khung hình đậm màu cũ. Sau khi bộ phim được đóng máy, cùng với ê-kip chung, anh cảm thấy hài lòng về những gì mình đóng góp. Với anh, một người họa sĩ hiện đại, không nhất thiết phải ngồi bên giá vẽ mới có được tác phẩm, mà trong cuộc sống thường ngày vẫn có thể áp dụng được con mắt thẩm mỹ của mình vào đó. Ví như phim ảnh, nhà cửa, thậm chí là ăn mặc...
Anh Tĩnh đang thiết kế và thi công không gian hoài cổ cho một quán cà phê tại Hội An. Ảnh: PHAN VINH |
Công việc chính hiện tại của anh Tĩnh vẫn là vẽ tranh, nhưng ngoài ra anh còn nhận thiết kế cho các quán cà phê, karaoke... dựa trên những vật dụng cũ. Anh tìm mua những đồ dùng mà nhiều người không còn sử dụng về tái chế lại và tạo nên một không gian quán ấn tượng, đẹp theo một cách nhuốm màu xưa cũ. “Tất nhiên là tùy theo nhu cầu của từng khách hàng mà tôi sẽ thiết kế cho phù hợp, nhưng sở trường của tôi vẫn là phối các gam màu cũ để tạo nên cái đẹp tự nhiên nhất. Sắp tới, tôi sẽ làm ra những sản phẩm có ứng dụng mỹ thuật từ những vật dụng cũ, hư hỏng. Ví dụ như bồn tắm có thể làm một chiếc bàn nuôi thủy sinh hoặc tủ lạnh có thể làm bể cá... Như vậy, mọi thứ vứt đi đều được sử dụng lại với một vai trò khác, vai trò của cái đẹp” - anh Tĩnh chia sẻ.
PHAN VINH