Với đồng bào vùng cao khu 7, việc “cho mượn” bò hay trao tặng bò giống giữa bà con làng bản đã không còn là chuyện lạ lẫm. Nay, cả bản làng cùng chung tay chăm sóc, nuôi dưỡng đàn bò ở xã AXan càng tô thắm cho tính cộng đồng, truyền thống đẹp ở vùng biên…
Người dân vùng cao AXan (Tây Giang) phấn khởi nhận đàn bò giống được hỗ trợ từ Đoàn kinh tế quốc phòng 207. Ảnh: P.G |
“Đàn bò được giao sẽ là tài sản chung của cộng đồng làng bản. Dựa trên cơ sở hướng dẫn, tư vấn về kỹ thuật của cán bộ chuyên trách Đoàn kinh tế quốc phòng 207, bà con sẽ chung tay chăm sóc, nhân giống đàn bò, từ đó phát triển mô hình chăn nuôi tập trung, cải thiện thu nhập”, ông Phạm A, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết. Theo ông A, mô hình chăn nuôi bò ở 4 xã vùng biên Tây Giang trong những năm gần đây đang được xem là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, do chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu theo hình thức thả rông, dịch bệnh xảy ra rất khó kiểm soát gây thiệt hại không nhỏ cho người dân. Trước thực trạng đó, huyện đã triển khai nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền người dân xây dựng mô hình chăn nuôi tập trung, bước đầu đạt được một số tín hiệu khả quan. Được sự hỗ trợ của Đoàn kinh tế quốc phòng 207, 32 con bò giống đã được trao tặng cho bà con 2 bản Agrí’h và Kanoonh 1 dưới hình thức tài sản cộng đồng; cả làng có trách nhiệm chăm sóc, phát triển đàn bò, lập khu chăn thả tập trung, chăm sóc đồng cỏ làm nguồn thức ăn thường xuyên cho đàn bò. “Từ nguồn bò giống này, chúng tôi hy vọng sẽ tạo thêm một sinh kế bền vững cho bà con vùng cao phát triển kinh tế, hướng tới thoát nghèo và xóa nghèo cho bà con” - Đại tá Trần Văn An, Đoàn trưởng Đoàn kinh tế quốc phòng 207 nói.
Trước khi thực hiện mô hình, Đoàn kinh tế quốc phòng 207 đã tổ chức phối hợp với địa phương khảo sát khu chăn thả, tìm vị trí trồng cỏ giống. Theo đó, 3 tấn cỏ giống đã được hỗ trợ cho bà con 2 thôn Agrí’h và Kanoonh 1 để bà con trồng, chăm sóc trước khi giao bò 3 tháng, đảm bảo nguồn thức ăn dự trữ cho đàn bò ngay khi tiếp nhận. Hai cán bộ chuyên trách cũng đã được cử đến “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc” với người dân để tuyên truyền, tập huấn cho dân kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc đàn bò, đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống phát sinh khi có dịch bệnh. Bằng cách làm khép kín này, mô hình chăn nuôi bò tập trung theo quy mô nhóm hộ, không chỉ phát huy được sức mạnh cộng đồng truyền thống, mà còn giúp thắt chặt tình dân quân ở vùng biên.
Nhận bò giống được cấp phát về làng, ông Tơngôl Dân (thôn Agrí’h, xã AXan, Tây Giang) phấn khởi: “Được nhận bò, không chỉ một hai con mà là cả đàn, dân trong bản ai cũng vui lắm. Cả bản sẽ cố gắng chăm sóc tốt để vài năm nữa có thêm mười con, hai chục con bò nữa, ai cũng góp công sức, cũng có phần”. Theo tính toán, nếu được chăm sóc tốt, không mắc dịch bệnh, chỉ trong vòng vài năm, số bò giống này sẽ trở thành một nguồn lực đáng kể cho bà con, giúp vơi đi khó nghèo vùng biên ải.
P.GIANG - N.ĐOAN