Dân "chạy" bão trở về nhà

M.ĐỨC - P.GIANG - X.NGHĨA - H.PHÚC - M.HẢI- T.CHÂU - V.ANH - Q.VIỆT -  V.SỰ - P.THÀNH 10/11/2013 16:28

* Xã đảo Tân Hiệp (Hội An) tiếp tục cho dân tránh bão

(QNO) - Sáng nay 10.11, hàng nghìn người dân vùng ven biển TP.Tam Kỳ, Núi Thành tránh trú bão tại các điểm tập trung trên địa bàn Tam Kỳ được địa phương và lực lượng chức năng tổ chức đưa về tận nhà. Sau một đêm mất ngủ và thấp thỏm đợi bão, nhiều ngươi đã tươi tỉnh trở lại vì “tai qua nạn khỏi”.

  • Toàn cảnh bão số 14
Xe buýt rước người dân sơ tán tại trường Đại học Quảng Nam về lại nhà. Ảnh: Hữu Phúc
Xe buýt rước người dân sơ tán tại trường Đại học Quảng Nam về lại nhà. Ảnh: Hữu Phúc

Tan nỗi lo

Nhận được thông báo bão không đổ bộ trực tiếp vào đất liền như dự báo ban đầu, người dân đã bắt đầu trở về nơi cư trú sau một đêm tập trung tại các đơn vị, trường học để tránh bão. Tại điểm tránh trú bão tập trung ở trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam, cụ Nguyễn Cao Thiên (82 tuổi, trú thôn Tân Phú, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ) có vẻ tươi tỉnh, tay ôm các vật dụng cần thiết đứng đợi xe đến đưa về nhà. Cụ cho biết dù đêm qua không thể nào ngủ được vì tiếng người cười nói, tiếng khóc giật mình của trẻ em nhưng sáng nay nghe tin bão không còn uy hiếp, được về nhà nên mừng quá. “Ai cũng tưởng sẽ ở lại đây lâu hơn, bão ập đến sẽ gặp khó khăn. Hồi khuya nhiều người nôn nao khi thấy gió bắt đầu mạnh dần, có mưa và đoán già đoán non bão bắt đầu đổ bộ vào đất liền, nhưng sáng nay nghe nói bão qua rồi thì thở phào. Tui ở đây thì yên tâm rồi nhưng lo là mấy người ở nhà không biết ra răng, nhà cửa yếu ớt có bị hư hại chi không, chừ thì mừng rồi” - cụ Thiên nói.

Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Trần Nam Hưng động viên bà con trước lúc về nhà.
Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Trần Nam Hưng động viên bà con trước lúc về nhà. Ảnh: Xuân Nghĩa

Tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh lúc 8 giờ sáng 10.11, khi ông Trần Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng Ban chỉ huy PCBL TP.Tam Kỳ thông tin bão số 14 không đổ bộ vào Quảng Nam, dù mệt nhọc sau một đêm xa gia đình nhưng ai nấy đều vui mừng. Nhiều người dân cho biết Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lo chu đáo từ nơi ăn chỗ ngủ cho nhiều gia đình trú bão. Đến động viên thăm hỏi hơn 700 người dân thôn Tỉnh Thủy và Hạ Thanh 2 (xã Tam Thanh) chuẩn bị về lại gia đình, Phó Chủ tịch UBND Tam Kỳ Trần Nam Hưng chia sẻ, nghe bão không vào cả tỉnh cùng mừng, bà con yên tâm trở về nhà.

Lực lượng đoàn viên thanh niên di chuyển một người khuyết tật đi sơ tán trong đêm lên xe buýt trở về quê.  Ảnh: Hữu Phúc
Lực lượng đoàn viên thanh niên di chuyển một người khuyết tật đi sơ tán trong đêm lên xe buýt trở về quê. Ảnh: Hữu Phúc

Trong sáng nay, hơn 6.000 người dân Tam Thanh được xe buýt đưa về tận nhà. Đưa cụ ông ra tận ô tô về thôn Tỉnh Thủy, Đại tá Đinh Trọng Ngọc - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh vui mừng nói, bão không vào thấy bà con phấn khởi chúng tôi rất mừng, nghe tin tỉnh chỉ đạo di dời dân xã biển Tam Thanh, đơn vị đăng ký tỉnh lo cho 1.000 người dân trong những ngày được di dời, và trích kinh phí đơn vị lo cho người dân từ chỗ sinh hoạt đến ăn uống. Bà Nguyễn Thị Ánh (80 tuổi, tổ 8 thôn Tỉnh Thủy) xúc động cảm ơn lãnh đạo UBND TP.Tam Kỳ và Bộ đội Biên phòng tỉnh. “Qua cơn bão mới thấy tấm lòng của cán bộ và các chú bộ đội với bà con thật sâu nặng nghĩa tình” - bà Ánh nói.

Đưa dân về tận nhà

Tại điểm tránh trú bão tập trung ở trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam, sáng 10.11, khoảng 500 người dân được lực lượng xung kích phụ giúp thu xếp đồ đạc, chuyển lên xe buýt trở về nhà. Thầy giáo Nguyễn Công Định - Chỉ huy phó lực lượng trực bảo vệ trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam cho biết, đêm qua nhà trường đã huy động nhiều cán bộ, trực chăm sóc bảo vệ cho bà con tránh trú bão. Mọi người được phát mỳ gói, nước uống đầy đủ. Ngoài các vật dụng, lương thực cần thiết được chính quyền địa phương cấp phát thì nhà trường cũng chuẩn bị một số thuốc men thông dụng, sẵn sàng hỗ trợ bà con. Sáng 10.11, sau khi được lệnh di dời dân, lực lượng trực PCLB của nhà trường cùng chính quyền địa phương nhanh chóng tổ chức di dơi, hỗ trợ người dân kiểm tra đồ đạc cá nhân, di chuyển lên xe buýt về nhà.

Đại tá Đinh Trọng Ngọc - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đưa người dân về lại gia đình.
Đại tá Đinh Trọng Ngọc - Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đưa người dân về lại gia đình.

Tại điểm tránh trú bão tập trung trường Đại học Quảng Nam, hàng trăm người cũng tập kết tại sảnh lần lượt lên xe trở về nhà, một số khác di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Các phương tiện vận tải tiếp tục được huy động để giúp dân quay về các xã vùng ven biển Tam Thanh, Tam Thăng, dự kiến sẽ hoàn tất trong sáng nay. Trên địa bàn Tam Kỳ có 8 điểm trú ẩn tập trung với khoảng 10 nghìn người dân, đến trưa nay việc vận chuyển người dân trở về nhà đã hoàn tất. Lãnh đạo TP.Tam Kỳ cũng có mặt từ rất sớm tại các điểm tránh trú bão để chỉ đạo công tác di chuyển người dân.

Ông Nguyễn Cao Thiên với các vật dụng “chạy” bão đang đợi xe chở về nhà.  Ảnh: Hữu Phúc
Ông Nguyễn Cao Thiên với các vật dụng “chạy” bão đang đợi xe chở về nhà. Ảnh: Hữu Phúc

Tại Thăng Bình, Bí thư Huyện ủy Phan Nghĩa cho biết, theo chỉ đạo của tỉnh, từ 8 giờ sáng nay huyện chỉ đạo các xã tổ cho người dân ăn sáng, sau đó di chuyển dân về nơi ở cũ. "Huyện chỉ đạo việc đưa dân đến nơi tránh bão như thế nào thì bây giờ phải tổ chức đưa về như vậy" - ông Phan Nghĩa nói. Theo ghi nhận của phóng viên, tại các khu tránh, trú bão ở các xã, sáng sớm, nhiều người dân đã tự động trở về nơi ở của mình. Trong khi đó, chính quyền các xã đã sử dụng các phương tiện tại chỗ để hỗ trợ người dân trở về nhà.

Theo ông Nghĩa, ngoài công tác di dời dân trở về nơi ở cũ, Ban Phòng chống lụt bão của huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương theo dõi diễn biến mưa, lũ trên các sông, hồ. Những khu vực có nguy cơ ngập cục bộ thì các xã phải sẵn sàng để di dời dân đến nơi an toàn. Trước đó, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong trường hợp bão Haiyan đổ bộ, huyện Thăng Bình đã di dời 3.809 hộ với 9.862 nhân khẩu đến các điểm tránh, trú bão an toàn. 

Tại xã Bình Nam, ông Võ Xuân Tùng - Bí thư Đảng ủy xã Bình Nam cho hay, đến 9 giờ cùng ngày, khoảng 1.600 nhân khẩu của xã đã được lực lượng xung kích địa phương đưa về tận gia đình sau khi đã dùng xong bữa sáng. Tại xã Bình Hải, hơn 350 hộ dân cũng đang được lực lượng xung kích của địa phương đưa về gia đình đảm bảo an toàn.

Sóng biển dâng cao tại đảo Cù Lao Chàm vào sáng sớm 10.11. Ảnh: Minh Hải
Sóng biển dâng cao tại đảo Cù Lao Chàm vào sáng sớm 10.11. Ảnh: Minh Hải
Ban Chỉ huy PCLB tỉnh cho biết, riêng xã đảo Tân Hiệp (Hội An), người dân vẫn đang được tập trung trú ẩn tại các địa điểm tránh trú bão, khuyến nghị cảnh báo ảnh hưởng của bão vẫn đang được phát đi. Ngoài ra, một số khu vực có khả năng xảy ra ngập lụt nguy hiểm vẫn đang tổ chức cho người dân trú ẩn phòng ngừa những diễn biến bất lợi có thể xảy ra. Phương châm đảm bảo an toàn, theo dõi sát sao tình hình bão lũ vẫn đang tiếp tục được triển khai tại tất cả các địa phương, tùy tình hình diễn biến của bão lũ, các địa phương chủ động tổ chức cho học sinh đi học trở lại. Riêng đối với các địa bàn miền núi phải tập trung đề phòng lũ quét, sạt lở đất, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ huy PCLB tỉnh. (M.Hải - P.Giang)

* Ở xã Đại Hưng (Đại Lộc), nhận được chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCLB huyện Đại Lộc, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo lực lượng công an, dân quân tự vệ trên địa bàn đưa người dân trở về nhà an toàn. Tại trường Tiểu học Trương Đình Nam, trường Mẫu giáo xã Đại Hưng, trụ sở UBND xã, hơn 700 nhân khẩu đã mang các dụng cụ thiết yếu khi sơ tán bão trở về nhà. Ông Nguyễn Khắc Xuyên, Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng cho biết: “Khi cơn bão số 14 đổi hướng, nhận được sự chỉ đạo của cấp trên, chúng tôi đã thông báo người dân đang sơ tán tập trung có thể trở về nhà, ổn định sinh hoạt. Sau khi chuẩn bị sẵn gạo, mì tôm, nước uống cho người dân ở các điểm tập trung sơ tán vào ngày hôm qua, sáng nay, xã cũng đã hỗ trợ giúp người dân có vật dụng đựng nước sinh hoạt, đặc biệt là nước uống. Tuy nhiên, do đặc thù dễ ngập nước của xã, ngay từ bây giờ, chúng tôi cũng đã đề phòng trước, nếu mưa lớn hoặc nước lũ dâng nhanh, việc di dời, sơ tán người dân trở lại 3 điểm tập trung và các nhà kiên cố trong xã sẽ được thực hiện ngay”.

Ở xã Đại Hồng, tại trường Nguyễn Minh Chấn (thôn Ngọc Kinh Tây), sau khi bão đổi hướng di chuyển, người dân đi sơ tán tại đây cũng đồng loạt về nhà. Ông Đặng Văn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Đại Hồng cho biêt: “Tại các điểm sơ tán tập trung, sáng nay, khi bão qua, chúng tôi đã truyền thông tin người dân có thể trở về nhà. Do các điểm sơ tán ở gần nhà người dân mà mọi người lại trật tự vận chuyển đồ đạc, vật dụng nên cuộc trở về của người dân đảm bảo an toàn. Còn tại các điểm sơ tán tại chỗ là các nhà kiên cố trong các thôn, người dân cũng trở về nhà, sắp xếp lại đồ đạc, chuẩn bị và ổn định cho cuộc sống tiếp theo”. 

Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc Phan Đức Tính, kiêm Trưởng Ban Chỉ huy PCLB huyện chia sẻ: cơn bão rất may không qua địa bàn huyện, hạn chế nhiều thiệt hại về người và của cho địa phương. Việc thông báo và hỗ trợ đưa người dân về nhà cũng như giúp họ ổn định các sinh hoạt thường nhật như nước uống, lương thực, thực phẩm đã được huyện quan tâm và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Điều đáng mừng nữa là đến thời điểm này, mực nước tại sông Vu Gia rất thấp, chỉ ở mức báo động 1. Các công thủy điện cũng đã điều tiết được lượng nước từ mấy ngày qua nên xả lũ đúng quy trình đã không gây nên lũ, lụt tại địa phương”. 

* Tại huyện Quế Sơn, 8 giờ sáng nay 10.11, khi cơn bão số 14 không còn uy hiếp Quảng Nam, Ban Chỉ huy PCLB huyện đã quyết định cho người dân quay về nhà. Ông Trần Đại Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND huyện nói: “Trong số 9.000 người được đưa đi lánh nạn vào hôm qua 9.11 thì có 1.152 người già, 1.431 trẻ em và hơn 100 phụ nữ mang thai. Vì vậy, từ sáng tới giờ chúng tôi đã điều động nhiều lực lượng và phương tiện để hỗ trợ các cụ già, trẻ em, phụ nữ mang thai, người tàn tật trở về nhà một cách an toàn”.

Thanh niên huyện Duy Xuyên cõng những cụ già rời nơi trú ẩn về lại nhà.
Thanh niên huyện Duy Xuyên cõng những cụ già rời nơi trú ẩn về lại nhà.

Tại xã Duy Vinh, ông Phan Công Nhanh - Chủ tịch UBND xã cho biết, ngay sau khi nhận được thông báo của UBND huyện Duy Xuyên về việc hỗ trợ đưa người dân về nhà, lãnh đạo xã đã huy động hơn 30 người gồm quân sự, công an, thanh niên xung kích vào cuộc. “Đến 12 giờ ngày 10.11, hơn 300 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu trên địa bàn xã Duy Vinh đã trở về nhà an toàn. Riêng các hộ dân ở ốc đảo Đông Bình, do cách trở đò giang, chính quyền địa phương điều động 1 chiếc thuyền máy loại lớn và hơn 10 thanh niên xung kích đưa người dân và phương tiện qua sông một cách an toàn”.

11
Không thể tự đi lại, bà Võ Thị Chọn (thôn Đông Bình, xã Duy Vinh) được thanh niên xung kích dùng cán khiêng về nhà.

Trong khi đó, tại xã miền biển Duy Hải, chính quyền địa phương đã huy động 4 xe ô tô chở người dân về tận thôn, xóm. Ông Nguyễn Văn Thống - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải cho biết, các lực lượng xung kích gồm quân sự, công an, thanh niên đã xuống từng khu dân cư giúp người dân vận chuyển lúa gạo, đồ dùng sinh hoạt gia đình trở về nhà để sớm trở lại cuộc sống thường nhật.

* Tại huyện Nông Sơn, chính quyền xã Quế Trung cũng điều động các xe ô tô loại lớn chở hàng trăm người dân trú tại làng Hố Môn (thôn Trung Nam) và một số địa phương khác về nhà sau một đêm đi tránh bão tại trụ sở UBND xã. Lúc 11 giờ trưa nay 10.11, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Đình Sử - thành viên Ban Chỉ huy PCLB huyện Nông Sơn nói: “Tính đến thời điểm này, 3.000 hộ dân với tổng số 8.500 nhân khẩu trên địa bàn 7 xã được các ngành, địa phương đưa đi sơ tán vào ngày hôm qua 9.11 đã trở về nhà và ổn định cuộc sống”.

M.ĐỨC - P.GIANG - X.NGHĨA - H.PHÚC - M.HẢI- T.CHÂU - V.ANH - Q.VIỆT -  V.SỰ - P.THÀNH 

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dân "chạy" bão trở về nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO