Đàn đá trên nóc nhà Đông Dương

23/01/2016 11:21

Ông với lấy những viên đá đủ hình dạng  – cây đàn đặc biệt của mình – và bắt đầu chơi nhạc. Những thanh âm thoát ra khỏi căn nhà gỗ nằm chênh vênh trên sườn dốc Ngọc Di, réo rắt vang lên. Ông là Hồ Văn Thập (nóc Măng Tó, xã Trà Cang, Nam Trà My), người chơi đàn kì lạ trên đỉnh Ngọc Linh, nóc nhà của Đông Dương.Bản giao hưởng cô đơnSương chưa tan. Nóc Măng Tó chìm trong cái lạnh của độ cao hơn 1.200 mét so với mực nước biển, khói un lên từ những căn bếp. Nóc chừng vài chục hộ, nhà sàn thấp lè tè chen chúc nhau giữa sườn đồi. Từ ô cửa nhỏ của nhà sàn, những đôi mắt đen láy của lũ trẻ vùng cao trộm nhìn khách lạ, rồi vụt chạy đi, bỏ lại tiếng cười giòn tan. Chúng tôi băng qua đồng cỏ xanh rì tìm vào nhà ông Thập. Vẫn là ánh mắt trong veo của lũ trẻ từ trên ô cửa. Ông Thập ở nhà cùng với 4 đứa trẻ. Chúng là con của ông, qua 3 đời vợ. Một bà bỏ đi, để lại thằng con lớn nhất cho ông nuôi. Hai bà khác không may bạo bệnh, giờ đã hóa thân vào sương trắng. Còn một mình ông, và lũ trẻ. “Những đứa con của trời” - ông nói thế. Vì chúng tự lớn khôn, khỏe mạnh, như cây trái, như muông thú trên đỉnh Ngọc Linh này, với thứ “dinh dưỡng” lớn nhất là tình yêu của người cha già dành cho con. Một người cha già cô đơn…Một viên đá trong bộ đàn đá của ông Thập in hằn vô số dấu vết mài gọt. Ảnh: PHƯƠNG GIANGÔng có dáng người khắc khổ, đôi mắt và giọng nói lúc nào cũng trầm buồn. Có lẽ sau bao nhiêu xô dạt của đời, ưu tư đã hằn từng nếp nhăn, từng lời nói của ông già. “Sau này có nhiều người thương tui lắm, mà tui không ưng. Tui ở với tụi nhỏ được rồi” - ông nói. Tri kỷ của ông, ngoài lũ trẻ, là một cây đàn từ những ống nứa ám khói trên giàn bếp, một bộ đàn đá đặc biệt và những đêm nghêu ngao hát từ ô cửa nhỏ nhà sàn trên lưng chừng dốc. “Đàn đá” là những viên đá với đủ hình thù, kích thước. Còn bộ ống nứa là thứ “đàn tơ-rưng” của riêng ông, với vài ống tre kết lại bằng sợi mây, treo một đầu lên ô cửa, đầu còn lại buộc vào chân mình. Và chơi nhạc. Réo rắt, vui tươi, tha thiết, sâu lắng, mọi cung bậc của xúc cảm hòa vào “bản giao hưởng” ngẫu hứng của ông già. Những giai điệu của xúc cảm, của năm tháng tuổi trẻ đã qua, của tình yêu với quê, với rừng và cả nỗi cô đơn của một “nghệ sĩ làng” giữa ngôi làng Măng Tó này. Chúng tôi như bị cuốn vào thế giới của những thanh âm mê đắm ấy, theo bàn tay, theo đôi mắt nhắm nghiền của ông già “phiêu” trong từng giai điệu. Một bản giao hưởng được “ký âm” bằng trái tim, bằng đôi tai kỳ diệu, tái hiện tiếng của Ngọc Linh, với gió, rừng, suối và đá núi…Nhạc cụ kỳ diệu của rừngCây đàn đá của ông Thập là ký ức của tuổi thơ nhọc nhằn trên từng cánh rẫy. Mùa về, những hạt thóc trĩu trên sườn đồi sau ngày dài vất vả, lại trở thành thức ăn của… chim chóc, thú rừng trước khi về đến nhà, đến kho. Cha ông Thập gắn những ống lồ ô, những viên đá bằng dây rừng treo khắp rẫy, rồi lợi dụng sức nước để kéo dây, tạo tiếng động để đuổi thú rừng. Thích thú với âm thanh kỳ lạ đó, ông Thập tìm, chọn những viên đá, những ống lồ ô rồi sắp xếp chúng thành những hợp âm. Âm vọng trong ký ức nhọc nhằn đã theo ông đến khi trưởng thành, để rồi ông lặn lội khắp các suối, các cánh rừng tìm hàng nghìn viên đá, chọn lọc thành một bộ nhạc cụ đặc biệt với vỏn vẹn 12 viên lớn nhỏ. “Không phải viên đá nào cũng có thể làm đàn đá, vì rất khó tìm được một viên phát ra đúng nốt nhạc. Một bộ đàn đá đầy đủ phải mất cả mấy năm trời đi tìm, rồi so sánh, đánh thử để chọn. Còn phải đẽo gọt, mài từng chút một cho viên đá kêu được đúng nốt, đúng âm theo tai mình” - ông Thập nói. Đoạn, ông với lấy một viên, chỉ cho chúng tôi vô số dấu mài, gọt còn hằn trên bề mặt đá. Đá ở suối, ở rẫy, ở ven đường, ông gặp, gõ thử, mang về mài giũa, rồi lại bỏ, lại tiếp tục tìm. Cứ thế mòn mỏi suốt nhiều năm tháng, với thôi thúc của đam mê, ông Thập tìm được bộ đàn đá tự nhiên, riêng và duy nhất của người Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh.Ngoài ông, không một ai khác có thể tìm, chọn được đúng và đầy đủ một bộ đá tự nhiên có thể chơi nhạc. Nhạc sĩ Dương Trinh, người đã cất công tìm hiểu, sưu tầm và gắn bó với âm nhạc dân tộc truyền thống ở Quảng Nam đã khẳng định với chúng tôi như vậy về “nghệ nhân” Hồ Văn Thập. “Khác với đàn đá ở Tây Nguyên, đàn đá của người Xê Đăng là đá tự nhiên, hoàn toàn được tạo nên bằng đôi tai cảm âm của người sáng tạo ra nó. Bộ đàn của ông Thập được sắp xếp giống như cồng chiêng, tức là không có nốt thăng, nốt giáng rõ ràng, chủ yếu theo hợp âm trưởng, là hợp âm chính trong các giai điệu của người vùng cao” - ông Dương Trinh nói. Tâm huyết với thứ nhạc cụ đặc biệt ấy, nhiều lần ông Dương Trinh phải lặn lội đến tận nhà ông Thập, nài nỉ ông… để lại bộ đàn đá. Bộ đàn ấy hiện được lưu giữ trang trọng trong nhà ông Dương Trinh, đặt trên một mảnh vải thổ cẩm rất đẹp của người Xê Đăng. Ông Thập lại mải miết tìm lại một bộ đàn đá khác cho mình, cho niềm đam mê bất tận với những thanh âm diệu kỳ của đá núi, đến tận bây giờ.Chúng tôi uống rượu cùng ông Thập, thứ rượu cần ngọt lịm đã cất giữ suốt mấy mùa trăng. Ông chơi nhạc, uống rượu, khề khà kể những buồn vui đời mình. “Thằng này, mẹ nó mất từ khi nó 5 tháng tuổi. Tôi giã mía, vắt lấy nước nấu nuôi nó, mà giờ nó đã lớn thế này. Không có mấy đứa này, không có cây đàn này, thì buồn lắm” - ông kể. Chếnh choáng, ông kể thêm về lần gùi 70 ống nứa, mang rất nhiều đá về dưới Hội An để làm một cây đàn nước cho khu resort. Vậy mà cả đá, cả nứa và tài hoa của ông già chỉ được trả bằng một khoản tiền công bèo bọt. Ông về. “Đàn của mình, nhạc của mình chỉ dành cho Măng Tó này, cho Ngọc Linh này, cho những cánh rừng này thôi. Cho tai mình nghe, cho con mình nghe, cho mình sống những ngày còn lại” - ông cười, rồi ngửa cổ tu cạn chén rượu cần. Ngoài kia, gió núi xào xạc khắp những cánh rừng…PHƯƠNG GIANG
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đàn đá trên nóc nhà Đông Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO