Dân gian có nhiều câu nói liên quan cái sự ăn, mặc.
Như:
Miếng ăn là miếng tồi tàn...
Và:
Chồng ta áo rách ta thương,
chồng người áo gấm xông
hương mặc người.
(...)
Nói vậy là đúng hay sai?
Có thể đúng và có thể sai.
Đúng, nếu miếng ăn, chiếc áo liên quan đến thái độ ứng xử, phẩm cách đạo đức mà lời răn là chớ tham mấy thứ “tồi tàn” và những gì không thuộc về mình.
Sai, có thể là sự trái ngược với tâm lý thông thường và cả những giá trị vật chất khó mà chối bỏ vì cần thiết cho con người. Phải vậy không, nếu không ăn thì sao mà duy trì sự sống? Nếu không mặc thì... trở lại thời nguyên thủy hay sao? Và, nếu chồng ta có được áo gấm xông hương mà ta vẫn thương thì có phải tốt hơn không?
Ngàn đời nay, con người phải lo làm lụng kiếm cái ăn. Rồi từ ăn no, nghĩ đến và tìm cách ăn ngon. Kinh nghiệm chế biến món ăn thức uống tích lũy thành nghệ thuật, và người ta giao lưu học hỏi rồi đưa ẩm thực thành chuyện của nhân loại. Vì thế, rất nhiều điểm đến du lịch trên thế giới gần như đều hội tụ đa dạng hương vị ẩm thực Âu, Á, Phi, Mỹ... Đâu xa, như Hội An bây giờ phong phú thực đơn trong các nhà hàng, khách sạn, phục vụ nhiều kiểu ăn uống đa dạng của thực khách muôn nơi. Có lẽ, do vậy mà Liên hoan ẩm thực quốc tế tổ chức ở Hội An mới đây, bên cạnh quảng bá các món ăn dân dã bản địa, còn thu hút 12 nền ẩm thực truyền thống đến từ Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Đức, Pháp, Nga, Slovenia, Sri Lanka, Thụy Sĩ, Ấn Độ, Ý và Mauritius.
Cũng tại Hội An, tuần qua ghi dấu sự kiện lớn với Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - châu Á 2016 lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam. Festival thu hút hơn 70 đại biểu đến từ 9 quốc gia cùng chung mục đích tôn vinh giá trị văn hóa tơ lụa. Trong đó, có những “chiếc nôi” tơ lụa như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Miến Điện, Thái Lan... Tại đây, các làng nghề lụa tơ tằm nổi tiếng ở Việt Nam cũng đã triển lãm sản phẩm; đặc biệt Làng Lụa Hội An đã quảng bá bằng sự trải nghiệm thực tế cách nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa của xứ Quảng. Rõ ràng, từ cái việc làm ra chiếc áo để mặc, với văn hóa tơ lụa đã thành những giá trị nhân loại. Vậy thì ở đây, cần ngước mắt nhìn nhan sắc của nhau và tôn vinh cái đẹp chứ chẳng lẽ cứ bảo thủ “áo gấm xông hương mặc người”? Như phát biểu của ông Li Jilin - Chủ tịch Hiệp hội Tơ lụa thế giới, Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - châu Á 2016 là một sáng kiến thú vị làm nổi bật tính văn hóa trong sản phẩm tơ lụa, làm cho các nhà sản xuất cảm thấy hứng khởi và có thể cổ vũ tinh thần cho những sáng tạo không mệt mỏi của họ.
Dẫn dụ từ miếng ăn và cái mặc để nói những giá trị sâu xa về văn hóa. Đúng rồi! Nhưng suy tưởng không dừng ở đó. Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, bà Christine Lagarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã dẫn dụ một điều rất thú vị, rằng “Món ăn yêu thích của tôi là Phở - một món ăn mang tính hình tượng đến mức dường như nó có khả năng hội tụ những tinh túy nhất của Việt Nam chỉ trong một cái bát. Tại sao chúng lại liên quan tới nhau? Bởi vì quản lý một nền kinh tế giống như chuẩn bị nấu một bát phở hoàn hảo – đòi hỏi sự hòa quyện của tất cả các thành phần”. Và, sau khi phân tích các đặc điểm của kinh tế Việt Nam, bà Christine Lagarde nêu ý kiến cần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn và ổn định hơn, “hãy tăng kích cỡ của cái bát để chứa được nhiều phở hơn, để mọi người cùng chia sẻ lợi ích”.
Từ ẩm thực và ăn mặc, nói đến chuyện văn hóa và làm kinh tế, những dẫn dụ sẽ đưa con người đến sự sáng tạo không ngừng cho chính cuộc sống của mình. Thiết thực, gần gũi, nhân văn biết bao!
NGUYỄN ĐIỆN NAM