Câu chuyện liên kết phát triển vùng lần nữa được nêu lên trong hội nghị “Liên kết phát triển các Khu kinh tế và Khu công nghiệp trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung” do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức mới đây.
Không muốn nói đi nói lại về tiềm năng nhưng cũng phải nhắc rằng 5 tỉnh thành phố trong vùng (gồm Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định), có điều kiện thuận lợi để hình thành một hành lang kinh tế, thương mại quan trọng kết nối Bắc - Nam và là cửa ngõ ra biển của tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, nối Đông Dương với đường hàng hải quốc tế qua Biển Đông. Vùng kinh tế này được thành lập hơn 10 năm rồi nhưng đến nay, theo nhận định của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu thì mô hình liên kết còn khá lỏng lẻo và thiếu đột phá.
Bàn luận, phân tích thực trạng trên đây sẽ thấy rằng sâu xa của liên kết vùng lỏng lẻo là do mô hình, động lực, chính sách thu hút đầu tư… đều có những mặt bất cập. Như ý kiến của ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho rằng trong vấn đề thu hút đầu tư vào các khu kinh tế cũng không có gì khác. Hay như vấn đề phát triển khu công nghiệp, bản chất là quy hoạch chuyên ngành theo lợi thế từng vùng nhưng giờ phát triển thoải mái, tạo điều kiện cho nhà đầu tư ở tất cả lĩnh vực, khiến sự cạnh tranh lại xảy ra giữa các chủ đầu tư khu công nghiệp nên liên kết rất khó. Ông Nguyễn Văn Cao - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nêu thực tế là các khu kinh tế, khu công nghiệp trong vùng có tiềm năng, lợi thế tương đối giống nhau, nhưng chưa có sự phân tích sâu nhằm đưa ra cơ chế phân công thu hút đầu tư và phát triển hợp lý để tạo nên lợi thế tổng hợp của toàn vùng. Đáng chú ý, cả vùng có 4 khu kinh ven biển, gồm: Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định) và 19 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập, dù có tạo thêm năng lực sản xuất mới nhưng các dự án có hàm lượng đầu tư cho công nghệ và năng suất lao động đều thấp. (Năm 2016, tổng vốn đầu tư trung bình trên một dự án của các khu công nghiệp trong vùng chỉ hơn 104 tỷ đồng, trong khi mức trung bình của cả nước là 236 tỷ đồng).
TS. Dương Đình Giám - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp nhận xét các tỉnh trong vùng có tiềm năng phát triển giống nhau nhưng không có sự điều phối nào trong chiến lược phát triển nên cùng thu hút đầu tư giống nhau và trở nên manh mún. Nói nôm na đó là kiểu dàn hàng ngang mà bước, có thể cùng tiến hoặc cùng lùi như hình ảnh “hai con dê đi qua cầu”. Còn nhớ tại Diễn đàn kinh tế miền Trung vào năm ngoái, TS. Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã ví von như thế, đồng thời cảnh báo nguy cơ “cạnh tranh cùng xuống đáy” nếu cứ để tình trạng mạnh ai nấy chạy.
Nếu cứ dàn hàng ngang mà bước thì làm sao thấy rõ được “trọng điểm” rồi tạo ra “động lực” lan tỏa cho toàn vùng?
CBL