Trung Phước - nơi từng được mệnh danh là “thủ phủ trầm hương”, hiện có rất nhiều người đang sống trong cảnh nợ nần chồng chất. Có phải vì trầm cảnh đã hết thời?
Thị trường trầm cảnh Trung Quốc “đứng bánh”. Bao nhiêu giấc mơ đổi đời tan vỡ. Như hiệu ứng đô-mi-nô, một quân ngã sẽ xô lệch tất cả quân cờ. Làng Trung Phước (Quế Trung, Nông Sơn), từng có biết bao con người, gia đình dựa theo trầm mà sống, mà phất lên với đời. Giờ lại cũng chính họ hắt hiu với đời, với trầm… Cái câu “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, có lẽ chưa bao giờ thấm như bây giờ, với người làm trầm Trung Phước.
Phu trầm thành chủ
Những năm 1980 - 1990, làng Trung Phước nổi danh với trầm. Hay đúng hơn, làng quê này “chết danh” với tên gọi “xứ trầm”. Dễ chừng cả trăm người làng Trung Phước đã gắn đời mình với những chuyến đi nơi rừng thiêng nước độc để tìm trầm. Khi ấy, họ chỉ mon men một mục đích “lùng” kỳ nam, bất chấp phong sương, nín lặng ôm hết đắng cay, vùi đời mình vào những chuyến rừng sâu. Cũng có người đổi đời từ kỳ nam, khi trời thương kêu họ dạ, trúng bạc tỷ và phải trong đêm dời cả “hộ khẩu” biệt tích. Số còn lại, chỉ kịp giữ cho mình cái mà người Quảng Nam thường gọi là “mạng trành”, da bọc xương, và cả đời chỉ nhìn u uẩn. Nhưng giấc mơ kỳ nam thì vẫn đong đưa trong đầu. Đó là câu chuyện của những năm 1990, khi làng còn nghèo đói, còn gầy guộc, nhiều nhà còn chạy từng bữa ăn. Phu trầm khi ấy đếm không hết, thanh niên, đàn ông kéo nhau vào rừng, sang tận A Lưới, vào tận Phú Khánh. Đi ngày này, tháng nọ, đi đến khánh kiệt gia đình. Đi và mơ tưởng đến ngày đổi đời.
Một cơ sở sản xuất trầm cảnh ở Trung Phước. |
Và rồi người xứ trầm Trung Phước đổi đời thật. Nhưng không phải đời họ “lên hương” nhờ trúng kỳ nam. Làng Trung Phước, những năm 2010 - 2013, trầm hương lại rộ lên. Bây giờ, họ không vào rừng tìm trầm nữa, mà linh hoạt hơn, tạo nên mặt hàng trầm mỹ nghệ. Nhà nhà làm trầm cảnh. Chỉ chưa đầy 3 cây số, đã hơn 100 hộ có xưởng, với số lượng nhân công làm nghề lên đến hàng trăm người. Những “phu trầm” khi xưa, bây giờ làm ông chủ. Thanh niên không có nghề bây giờ có việc làm, mừng vui ra mặt. Làng trầm từ mấy chục năm, nên cứ hễ đụng vào dao là tỉa dó đâu ra đó, sắc nét. Nghề dạy nghề, quen tay thì nhiều tiền. Bảo sao thanh niên miền này không mừng. Ngày được hơn trăm nghìn đồng, ở không ai cho. Những “ông chủ” được báo chí tung hô là đại gia này, tỷ phú nọ. Mà họ, cũng thật “đại gia” với tiền lận lưng lên đến hàng tỷ đồng. Xuất ngoại như đi chợ. Làng quê bé nhỏ ngày trước, mấy ai biết “mặt mũi” cái hộ chiếu, vi-sa ra làm sao, bây giờ, 18 tuổi, đã rủ nhau vào tỉnh đi làm hộ chiếu, để phòng có ngày rồi mình thay cha, thay chú mà đi nước ngoài bán trầm cảnh. Thị trường chính của trầm cảnh Trung Phước là Trung Quốc. Người bán trầm cảnh sang Côn Minh, Thượng Hải, Bắc Kinh..., đi bằng đường cửa khẩu. Còn mặt hàng trầm cảnh thì đi “chui”. N.A… - một “ông chủ trẻ” 8X của làng Trung Phước, những năm 2010 - 2013, phần lớn thời gian sống ở Trung Quốc. Cứ hết 30 ngày, bỏ ra gần 2 triệu đồng xin gia hạn vi-sa. Một năm, N.A… chỉ ở nhà khoảng 2 tháng. Còn lại ở bên đó bán hàng. Mấy năm đó, trầm cảnh không có mà bán cho thương nhân Trung Quốc. Người Trung Phước cũng không hiểu họ mua làm gì, mỗi gốc như vậy từ mấy trăm triệu đồng trở lên, có khi hàng tỷ đồng. Mà vốn bỏ ra chỉ chừng trăm triệu đồng đổ lại. Lời quá nhiều, nên ham. Cả làng cùng ham. Ông L.K., năm nay đã gần 60 tuổi, mang ra một vòng tràng hạt tiện từ xoan đào, nói ở mình bán 500 nghìn đồng không ai mua, qua đó họ thích là trả cả chục nghìn nhân dân tệ (khoảng 30 triệu đồng). Ham quá, nên có bao nhiêu tiền để dành, đổ hết vào trầm cảnh với những chuyến buôn sang Trung Quốc.
Gian hàng trầm mỹ nghệ của người làng Trung Phước tại một hội chợ thương mại quốc tế ở Trung Quốc. Ảnh nhân vật cung cấp |
Đánh cược…
Hành trình để những gốc dó trầm tạo cảnh đi từ làng Trung Phước sang đến các hội chợ thương mại của một số tỉnh ở Trung Quốc khá gian nan. N.A… kể, có đầu mối hết, từ nước mình qua đó, như từ làng Trung Phước qua Đại Bình, cách nhau một con sông. Mà để qua được con sông đó, thì phải có mối người Trung ở bên kia. Giao dịch sòng phẳng. Tiền trả trước, đặt chân qua cửa khẩu thì họ giao hàng cho mình. Nói là “chui” nhưng đi khá ngang nhiên, vì bên đó có bảo kê. Tới cửa khẩu sẽ có một công ty Trung Quốc môi giới cho mình các gian hàng ở hội chợ, cũng công ty đó lập sẵn một cái kho, hàng không bán hết thì ký gửi vào kho. Mỗi gian hàng ở hội chợ, tính ra tiền Việt thì ngày khoảng mấy trăm nghìn đồng. Gửi ở kho cũng vậy.
Thời gian gần đây mặt hàng này ở Trung Quốc ế ẩm, bán chẳng ai mua. Hiện tại, những ông chủ trầm của Trung Phước đều ký gửi hàng tại kho bên đó. Có chủ đã gửi hàng 6 tháng trời. Trầm cảnh ở kho bên Trung Quốc, giống như “của để dành”. Bởi biết bao giờ mới bán được. Mỗi chủ gửi hàng với số vốn ít nhất phải hơn 300 triệu đồng, có kho nhận hàng với số tiền tính ra gần 2 tỷ đồng. Coi như đánh cược, đâm lao rồi, nên dù có ế ẩm cỡ nào, cứ tới ngày hội chợ, người làng lại kéo vali rủ nhau đi qua “triển lãm”. Trời thương thì cho đủ vốn đi về.
Trung Phước, từ con số cả trăm hộ làm nghề, bây giờ chỉ còn chưa đến 10 hộ còn theo nghề tạo trầm cảnh. Tham vọng từ làng nghề trầm mỹ nghệ sẽ nhân rộng mô hình này cho cả huyện có lẽ bị phá sản. |
Mỗi chuyến đi tính từ Trung Phước qua tới nước bạn, phải lận lưng chừng 50 triệu đồng làm lộ phí. Những năm hàng bán chạy, người Trung Phước kể, có chuyến bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội mà hết nửa hành khách là người làng mình. “Thì hội chợ diễn ra chừng đó ngày, ở thời gian đó, đi thì phải gặp hết” - ông K. nói. Ông K. cũng chẳng hiểu tại sao hai năm nay họ không thèm nhìn lấy hàng của mình, chứ đừng nói mua. Giống như nhiều mặt hàng nông sản sốt giá khác của Việt Nam do Trung Quốc thu mua, trầm hương rơi đúng vào kịch bản như vậy. Cứ nhìn những người nông dân - từng được gọi là “bán dạo xuyên quốc gia”, “tỷ phú trầm hương” thời gian gần đây thì rõ. Nợ bắt đầu rượt họ. Có người treo bảng “bán nhà”. Có người vay nóng quá nhiều, không biết tìm đâu để trả, phải bỏ xứ mà đi.
Cũng từ cơn sốt trầm, bao nhiêu cơn sốt khác nảy nở, từ làng quê này. Đầu tiên là sốt nhà đất. Tôi vẫn nhớ khoảng thời gian những ông chủ trầm, cứ hễ xuất ngoại “bán dạo” thì ít nhất cầm về gia đình mấy trăm triệu đồng trở lên, giá đất của làng quê vùng núi phải lên cả tỷ bạc một lô đâu chừng hơn 100m2. Trầm đứng. Đất cũng tự nhiên hạ. Rồi bao nhiêu hệ lụy đổ ra từ cái thời tiền bạc với người Trung Phước tính từ hàng trăm triệu đồng. Đánh bạc, vay nóng, chơi hụi, bể hụi, làm hàng giả, rồi bị phanh phui. Quân đô-mi-nô mang tên “trầm” đổ trước, hàng loạt quân bài khác chúi theo. Dân điêu đứng đã đành. Quản lý nhà nước cũng bó tay theo. Một đồ án quy hoạch cụm công nghiệp thương mại dịch vụ được huyện Nông Sơn bắt tay thực hiện, với mặt bằng 15,2ha. Đầu tiên, huyện cho xây dựng khu nhà trưng bày sản phẩm làng nghề, tiểu thủ công nghiệp, nông sản. Theo một chuyên viên của Phòng Kinh tế hạ tầng, kinh phí bỏ ra để hoàn tất riêng công trình này đã 3,7 tỷ đồng. Nhà trưng bày đã xong nhưng vẫn chưa có người đăng ký đưa mặt hàng nào vào đây. Trung Phước, từ con số cả trăm hộ làm nghề, bây giờ chỉ còn chưa đến 10 hộ còn theo nghề tạo trầm cảnh. Tham vọng từ làng nghề trầm mỹ nghệ sẽ nhân rộng mô hình này cho cả huyện có lẽ bị phá sản.
Tôi hỏi những ông chủ xưa kia là phu trầm, liệu hàng bên kho ở Trung Quốc giờ tính sao? Họ nói như không, thì phải đi rồi tìm cách bán, chớ biết sao. Tiền tỷ trong đó sao mà thờ ơ được. Đã cược cả đời vào đây, phải gượng dậy mà bước đi tiếp thôi…
Phóng sự của LÊ QUÂN