Đánh thức du lịch vùng tây nam

VĨNH LỘC 01/08/2014 08:15

Tiên Phước, Nam - Bắc Trà My có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với hàng chục danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cùng các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số đang sinh sống trên vùng đất này.

Đa dạng điểm đến

Vùng tây nam Quảng Nam gồm Tiên Phước, Nam - Bắc Trà My là nơi cư ngụ của 5 dân tộc chính: Kinh, Ca Dong, Co, M’nông và Xê Đăng với nhiều giá trị văn hóa đặc trưng từ trang phục, ẩm thực đến lễ hội, làng nghề… Nơi đây còn sở hữu những di tích lịch sử, danh thắng độc đáo, hoang sơ như thác Lò Thung, bãi Đá Giăng, Nhà lưu niệm Huỳnh Thúc Kháng, làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước); thác Bà Nô, thủy điện Sông Tranh, Khu di tích Nước Oa (Bắc Trà My)… cùng nhiều đặc sản nhà vườn nổi tiếng như lòn bon, thanh trà, tiêu, quế, cá niêng, rau dớn… Đến với Tiên Phước, du khách không thể bỏ qua làng cổ Lộc Yên (xã Tiên Cảnh), nơi vẫn còn lưu giữ 8 ngôi nhà cổ niên đại 100 - 150 năm với lối kiến trúc truyền thống xứ Quảng (nhà ba gian hai chái) được làm từ vật liệu chính là gỗ mít vườn, bên ngoài chạm trổ hoa văn trang trí sinh động, tinh tế thể hiện nét tài hoa của những nghệ nhân làng mộc Văn Hà xưa. Lộc Yên được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá là mô hình làng kiểu mẫu hoàn hảo còn sót lại của miền Trung với một bố cục không gian nhà - vườn - ngõ hòa quyện vào nhau để tạo lên bức tranh thôn quê điển hình.

Làng cổ Lộc Yên, một điểm đến hấp dẫn ở Tiên Phước. Ảnh: V.LỘC
Làng cổ Lộc Yên, một điểm đến hấp dẫn ở Tiên Phước. Ảnh: V.LỘC

Cách đó không xa về phía tây nam, khu di tích Nước Oa (xã Trà Tân, Bắc Trà My) nằm trong vùng đồi núi hiểm trở, nơi hai con sông Trường và sông Nước Oa ôm ấp tạo nên những bãi bồi kéo dài quanh co, hiểm trở. Trong kháng chiến  chống Mỹ, nơi đây là khu căn cứ đầu não của cơ quan Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đứng chân lãnh đạo nhân dân chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Ở Nước Oa, ngoài di tích Khu ủy 5 với những ngôi nhà gỗ lợp lá rừng tái hiện cuộc sống của cố Chủ tịch nước Võ Chí Công và các đồng chí của ông trong giai đoạn 1972 - 1973, du khách còn được tham quan nhiều công trình, bia di tích, nhà lưu niệm của các ban ngành trung ương từng hoạt động khi xưa như Khu di tích Căn cứ Bộ Tư lệnh Quân khu 5; Khu di tích An ninh khu 5; Khu lưu niệm Ban tổ chức Khu ủy 5; Khu sinh hoạt truyền thống Thanh thiếu nhi Nước Oa; Bia di tích Ban Kiểm tra Khu ủy 5; Bia di tích Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam - Trung Trung Bộ… Ngoài ra, tham quan du lịch Bắc Trà My không thể không nhắc đến thủy điện Sông Tranh 2 với các điểm tham quan nhà máy, đi thuyền du ngoạn quanh hồ, trải nghiệm sự đa dạng sinh thái của các loài sinh vật, thực vật sống trên những triền đồi ngập nước.

Đánh thức tiềm năng

Tiên Phước và Bắc Trà My được đánh giá là hai trong số các huyện sở hữu nhiều loại tài nguyên du lịch. Đã có không ít diễn đàn, hội thảo được ngành du lịch Quảng Nam và chính quyền địa phương tổ chức với khát vọng đánh thức tiềm năng, nhưng do những hạn chế về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, sản phẩm, nguồn nhân lực, ý thức người dân, trình độ quản lý… nên đến nay hầu như những kỳ vọng du lịch vẫn chưa thành hiện thực. Theo ông Nguyễn Lương Hùng - Phó Giám đốc Công ty Du lịch Lê Phong (Đà Nẵng), để đưa du lịch Tiên Phước và Bắc Trà My phát triển, ngoài những lợi thế về điểm đến, chính quyền địa phương cần xây dựng chiến lược phát triển cụ thể thông qua sự hỗ trợ của các chuyên gia du lịch hàng đầu nhằm tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn, tránh trùng lặp với các nơi khác. “Lộc Yên là một ngôi làng rất đẹp, nhưng chỉ cần chọn một, hai nhà cổ để khách tham quan, đừng đưa nhiều nhà vào khai thác sẽ dễ tạo sự nhàm chán vì kiến trúc các nhà đều na ná nhau” - ông Hùng góp ý. Ngoài ra, các điểm du lịch tại Bắc Trà My như thủy điện Sông Tranh, Khu di tích Nước Oa cần có những sản phẩm riêng biệt, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Võ Văn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam cho rằng, chính quyền địa phương nên ban hành những cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư đến xây dựng cơ sở hạ tầng như nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn mới có thể nghĩ đến việc đón khách du lịch. Ngoài ra, địa phương cần nhanh chóng bắt tay vào đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại chỗ có chuyên môn và chuyên nghiệp nhằm tạo cơ sở ban đầu cho phát triển du lịch sau này. Tuy nhiên, để đạt sự hoàn chỉnh của một điểm đến, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố từ sự quyết tâm của chính quyền địa phương đến những hỗ trợ, phối hợp của các cấp ngành…, khi đó mới hy vọng du lịch vùng tây nam có được những thay đổi mạnh mẽ, phát huy tiềm năng lợi thế, đáp ứng sự kỳ vọng của người dân về phát triển dịch vụ du lịch.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đánh thức du lịch vùng tây nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO