Đạo diễn xuất sắc Đặng Bá Tài: “Tuồng chỉ còn đất sống tại các lễ hội”

ĐÔNG PHƯƠNG (thực hiện) 01/06/2013 10:05

Được trao giải đạo diễn xuất sắc nhất tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013 tại Quảng Nam với vở diễn “Hoàng Diệu” (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), đạo diễn Đặng Bá Tài tâm sự: sân khấu dân tộc nói chung và nghệ thuật tuồng nói riêng đang phải đối mặt nhiều thử thách…
Cơ duyên nào đưa ông đến với vở “Hoàng Diệu” của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Đà Nẵng?

Năm 2009, qua sự giới thiệu của TS. Trần Đình Ngôn, tôi được tiếp cận một kịch bản chèo về nhân vật lịch sử Hoàng Diệu từ một bản chép tay đã có từ rất lâu mà chị Phượng, một nhà nghiên cứu chèo, sưu tầm được. Đây là kịch bản chèo do tác giả Trúc Đường sáng tác năm 1962 và cũng đã được chuyển thể thành kịch bản cải lương vào thời bấy giờ. Từ nguyên tác là kịch bản chèo, cùng với sự hợp tác của anh Nguyễn Tứ Hải, Phó Giám đốc Nhà hát truyền thống Khánh Hòa, chúng tôi đã chuyển thể hoàn thiện thành một kịch bản tuồng lịch sử đầy chất bi hùng mà cũng không kém phần mượt mà trong văn phong, thấm đẫm chất văn học và nghệ thuật.

Nghệ sĩ Văn Quang (giữa) nhận Huy chương Vàng với vai diễn Hoàng Diệu.                                                                                                   ảnh: H.X.H
Nghệ sĩ Văn Quang (giữa) nhận Huy chương Vàng với vai diễn Hoàng Diệu. ảnh: H.X.H

Có thể nói, “Hoàng Diệu” là một trong những vở tuồng hết sức đặc biệt, có quá trình “thai nghén” trong suốt 4 năm tâm huyết, tính từ khi tiếp nhận, xây dựng đề tài đến khi sáng tạo và hoàn chỉnh tác phẩm. Khi nhận được lời đề nghị dàn dựng kịch bản và sự ủy thác trong vai trò đạo diễn từ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Đà Nẵng, tôi đã có cơ hội may mắn để đem vở “Hoàng Diệu” giới thiệu đến khán giả và đạt được thành công ở hội thi lần này. Với tôi, đó chính là  “cơ duyên” cho người nghệ sĩ thêm yêu nghề và gắn bó với  nghề.

Qua vở diễn “Hoàng Diệu”, trong vai trò là đạo diễn, ông muốn gởi gắm điều gì đến khán giả?

Đạo diễn Đặng Bá Tài (bìa trái)  nhận giải tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013.                    Ảnh: Đ.PHƯƠNG
Đạo diễn Đặng Bá Tài (bìa trái) nhận giải tại Cuộc thi nghệ thuật sân khấu tuồng và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc năm 2013. Ảnh: Đ.PHƯƠNG

Hình tượng nhân vật Hoàng Diệu được xây dựng trong tuồng được lấy từ hình mẫu của một vị anh hùng trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Qua việc tái hiện cuộc đời trung quân ái quốc của vị Tổng đốc trấn giữ Hà thành, điều mà tôi quan tâm nhất chính là thông qua hình tượng nhân vật này để gởi gắm thông điệp của “lòng yêu nước, tinh thần dân tộc” đến cho thế hệ trẻ Việt Nam.  Hoàng Diệu sinh ra trên mảnh đất Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống nho học. Khi nhận chức Tổng đốc trấn giữ thành Hà Nội, ông đã đem lời thề sinh tử quyết bảo vệ thành trì trước gót giày của quân xâm lược. Một Hoàng Diệu trung hiếu vẹn toàn còn được khắc họa rất chân thực và xúc động qua hình ảnh chiếc khăn gởi về quê tặng mẹ trong ngày giá rét. Lại càng đáng trân trọng hơn khi ở miền quê nghèo của miền Trung ấy, người mẹ đã gởi chiếc roi ra Hà Nội cho con như một lời răn đe, dạy bảo. Bởi trong thời khắc ấy, Hoàng Diệu đã không chỉ còn là đứa con của mẹ mà chính là sự tồn vong của cả dân tộc. Nhân cách ấy của Hoàng Diệu là tấm gương sáng cho thế hệ của hôm nay và cả mai sau noi theo.  

Đạo diễn tuồng  Đặng Bá Tài sinh năm 1958, tốt nghiệp diễn viên tuồng năm 1976. Giai đoạn 1976-1986, ông là diễn viên tuồng tại Nhà hát tuồng Bắc Trung ương (nay là Nhà hát tuồng Việt Nam). Giai đoạn 1986-1991, ông học và tốt nghiệp đạo diễn tuồng.
Ông từng đoạt các giải thưởng: Giải B với vở tuồng “Trương đồ nhục” (năm 1997); Huy chương Bạc với vở diễn “Hùng khí sông Lương” tại Hội diễn tuồng và dân ca toàn quốc tại Khánh Hòa và giải đạo diễn trẻ nhiều sáng tạo, năm 1999. Đạo diễn Đặng Bá Tài hiện đang công tác tại Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Đạo diễn đã sử dụng những thủ pháp nghệ thuật tuồng như thế nào trong xây dựng vở diễn? So với quy tắc xây dựng tuồng truyền thống, vở diễn này có yếu tố cách tân gì?

Theo tôi, để xây dựng một vở tuồng hay trước tiên cần phải có một cốt truyện tốt. Đó chính là nền móng ban đầu cho việc tạo nên những lớp diễn tốt. Từng lớp diễn tốt sẽ tạo nên không gian tạo xúc cảm thẩm mỹ đối với người xem. Thủ pháp ước lệ chính là nghệ thuật đặc sắc của tuồng, tạo nên sự giản ước tối đa về không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật. Thủ pháp ước lệ đã tạo nên sự khác biệt rất lớn cũng như lợi thế của tuồng so với các loại hình nghệ thuật khác, mang đến sự thích thú cho khán giả. Trong sáng tác của tôi, những quy tắc truyền thống của tuồng luôn được tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của khán giả đương đại cũng như tạo nên một chỉnh thể toàn vẹn cho vở diễn, tuồng thời nay đã cần đến những yếu tố “cách tân” so với trước. Nếu trước đây, tuồng truyền thống chỉ sử dụng nghệ thuật biển diễn trong vở diễn thì tuồng thời nay đã sử dụng thêm nhạc nền, thiết kế mỹ thuật, ánh sáng cũng như có sự thay đổi trong trang phục, hóa trang gương mặt diễn viên. Tuy nhiên, những phần phụ trợ này cần phải đảm bảo đáp ứng được âm hưởng màu sắc của sân khấu tuồng với mục đích làm rõ hơn cho chủ đề của vở diễn và nhất định không được đi ngược lại với những quy tắc của nghệ thuật tuồng truyền thống.


“Tuồng chỉ còn “đất sống” tại các lễ hội. Chỉ có một số khán giả lớn tuổi và người làm công tác nghiên cứu là quan tâm và yêu thích tuồng. Để tìm “lối ra” cho tuồng, bản thân những người làm nghệ thuật như chúng tôi cần phải nghiêm túc xem xét lại vai trò của chính mình trong sáng tạo nghệ thuật”.(Đạo diễn NGUYỄN BÁ TÀI)

Ông có thể chia sẻ cảm xúc khi nhận giải thưởng  đạo diễn xuất sắc nhất tại hội thi lần này?

Với người làm nghệ thuật, còn niềm hạnh phúc nào lớn lao bằng tác phẩm của mình được ghi nhận và yêu thích. Ngay trong buổi công diễn vở Hoàng Diệu vào sáng 23.5, khi vừa kết thúc vở diễn trên sân khấu, tôi đã không thể kìm nén sự xúc động của mình, chạy lên sân khấu để ôm thật chặt các đồng nghiệp, diễn viên đã hoàn thành rất xuất sắc. Nghệ sĩ Văn Quang, người đảm nhận vai diễn Hoàng Diệu thực sự tài năng trong diễn xuất với chất giọng truyền cảm và khả năng biểu đạt tuyệt vời. Chính sự hóa thân của anh vào từng những lớp diễn đã chuyển tải hầu như toàn vẹn dụng ý của đạo diễn, góp phần quan trọng làm nên thành công vở diễn. Tôi mong muốn trong tương lai vở diễn “Hoàng Diệu” sẽ được công diễn tại Điện Bàn, quê hương của cụ Hoàng Diệu.

Hiện nay, khán giả trẻ khá thờ ơ so với nghệ thuật tuồng. Vậy theo ông, chúng ta phải làm cách nào để thu hút lượng khán giả này đến với nghệ thuật tuồng?

Tôi luôn trăn trở và xoay xở về điều này. Có thể nói rằng đây đúng là một thử thách lớn mà hiện trạng sân khấu dân tộc nói chung và nghệ thuật tuồng nói riêng đang phải đối mặt. Để giải được bài toán khó này cần phải nhìn nhận sự việc từ cả hai phương diện: người làm nghệ thuật và khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Sân khấu tuồng hiện nay đã không thể bán vé cho khán giả trẻ, đó là thực tế xót xa. Tuồng chỉ còn “đất sống” tại các lễ hội. Chỉ có một số khán giả lớn tuổi và người làm công tác nghiên cứu là quan tâm và yêu thích tuồng. Để tìm “lối ra” cho tuồng, bản thân những người làm nghệ thuật như chúng tôi cần phải nghiêm túc xem xét lại vai trò của chính mình trong sáng tạo nghệ thuật. Người làm nghệ thuật đã có thể làm gì để đáp ứng được nhu cầu của khán giả và được khán giả đón nhận. Hướng đi nào, sáng tạo nào cho sân khấu tuồng có được vị thế riêng trong thời đại phát triển của đa dạng các loại hình nghệ thuật như điện ảnh, ca nhạc... là bài toán khó.

Công tác giáo dục thế hệ trẻ đối với nghệ thuật truyền thống dân tộc cũng là điều hết sức đáng quan tâm. Trong chuyến công diễn tại Hàn Quốc vừa qua, tôi nhận thấy khán giả trẻ của nước này vẫn hết sức yêu thích đối với các loại hình sân khấu truyền thống chứ không phải như thực trạng đáng buồn ở nước ta. Gần đây, việc đưa tuồng vào giảng dạy ở trường học đã được thực hiện tại một số địa phương, góp phần giúp cho thế hệ trẻ có cơ hội tìm hiểu về tuồng. Đưa tuồng vào biểu diễn tại các trường đại học cũng là việc nên làm để có thể tạo lượng công chúng trẻ cho tuồng. Để giáo dục cho thế hệ trẻ  hiểu được tuồng để rồi từ đó mà yêu tuồng là một chặng đường gian khó, cần phải nhận được sự ủng hộ và góp sức của toàn xã hội trong một nỗ lực chung  bảo vệ kho tàng nghệ thuật truyền thống dân tộc.

ĐÔNG PHƯƠNG (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đạo diễn xuất sắc Đặng Bá Tài: “Tuồng chỉ còn đất sống tại các lễ hội”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO