Đạo đức nhà báo thời số hóa

TÂM THƯ - HẠ NGUYÊN 21/06/2020 12:29

LTS: Dù là thời đại nào, vấn đề đạo đức nhà báo vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. Trong thời đại cách mạng công nghệ, kết nối số, mạng xã hội, báo chí phát triển mạnh mẽ và phong phú các loại hình. Vì thế việc quản lý hoạt động báo chí và đạo đức báo chí ngày càng được các cơ quan báo chí và xã hội đặt ra với yêu cầu cao hơn.Nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21.6, Báo Quảng Nam mở một diễn đàn về chủ đề này. 

NHÀ BÁO, TS.NGUYỄN TRI THỨC - ỦY VIÊN BAN BIÊN TẬP TẠP CHÍ CỘNG SẢN: “CHỐNG TIÊU CỰC TRONG ĐẤU TRANH CHỐNG TIÊU CỰC”

 

Từ lâu, đạo đức nghề báo đã được xem trọng, bởi báo chí luôn tôn thờ sự khách quan, trung thực, phụng sự vì sự phát triển chung. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong hệ sinh thái báo chí - truyền thông đầy biến động hiện nay, đạo đức nghề báo lại càng cần phải xem trọng hơn, bởi trong môi trường truyền thông số, thông tin cập nhật liên tục, thường xuyên, áp lực về chạy đua thời sự là rất lớn. Việc bảo đảm thông tin trung thực, tránh bị mạng xã hội “dắt mũi”, tránh những vội vã, thiếu kiểm chứng, không lường hết tác động bất lợi, tiêu cực của thông tin... là việc phải được coi trọng. Phải làm sao để thông qua báo chí, người dân có cái nhìn đúng đắn, khách quan, bản chất, định hướng về thông tin, tránh vội vã nghe, tin, chia sẻ những thông tin giả, xấu, độc... trên không gian mạng.

Đặc biệt, trong vòng hơn một thập kỷ trở lại đây, khi báo chí phát triển bùng nổ, đặc biệt là báo mạng điện tử, vấn đề đạo đức nghề báo lại được nhắc đến, với nhiều băn khoăn, trăn trở. Bởi trong nghề báo xuất hiện thêm, trầm trọng hơn những vấn đề tiêu cực trong đấu tranh chống tiêu cực. Không ít nhà báo đã vướng vòng lao lý vì dọa nạt, tống tiền doanh nghiệp, địa phương. Không ít cơ quan báo chí, phóng viên đã thực hiện sai tôn chỉ, mục đích của mình gây những hệ lụy tiêu cực trong xã hội, khiến uy tín, vị thế của nhà báo, nền báo chí bị ảnh hưởng, thậm chí nghiêm trọng. Tình trạng báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, chạy theo thương mại hóa, sa đà vào những vấn đề tiêu cực, lơ là thông tin tích cực, những vấn đề quốc kế dân sinh... liên tục được nhắc nhở, cảnh báo, chấn chỉnh, nhưng sự đổi thay chưa như mong đợi.

Phóng viên Báo Quảng Nam tìm hiểu về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: D.L
Phóng viên Báo Quảng Nam tìm hiểu về chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: D.L

Tình trạng “nhà báo đếm tầng”, “nhà báo IS”, “đánh hội đồng”... vẫn xuất hiện, không phải riêng lẻ, cá biệt, thưa thớt. Những biểu hiện cụ thể về vi phạm đạo đức nghề báo ấy khiến những người làm báo chân chính, khiến xã hội muộn phiền, đau lòng, tha thiết muốn chấn chỉnh, khắc phục.

Hy vọng, quy hoạch báo chí được tiến hành nghiêm túc, quyết liệt, công bằng... sẽ góp phần quan trọng giải quyết vấn đề này. Thông qua đó, vấn đề đạo đức nghề báo cũng sẽ không còn là vấn nạn, nỗi nhức nhối trong làng báo, cũng như trong xã hội.

PHẢI TUÂN THEO “CÁI ĐẠO CỦA SỰ THẬT”

Thời gian gần đây, nhiều nhà báo bị cơ quan công an bắt giữ vì vòi (tống) tiền cơ sở; không ít chủ doanh nghiệp và dư luận bạn đọc cho rằng đạo đức nhà báo xuống cấp so với trước đây. Nhà báo Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao Động tại Đà Nẵng nhìn nhận:

 

Trong một cuốn sách dạy về nghề báo, viết cách đây đã lâu, Bến Nghé - nhà báo kỳ cựu của báo Sài Gòn Giải Phóng có tâm sự: “Nghề làm báo trước sau tuân theo “cái đạo của sự thật”. Người cầm bút vượt qua bao cửa ải của quyền lực cá nhân, để tôn vinh quyền lực của cộng đồng, và để dễ dàng không bị biến thành “bồi bút”... Những ai quay lưng với sự thật, xin chớ bước vào nghề báo. Những năm 80 của thế kỷ trước chúng tôi được đào tạo nghiệp vụ báo chí và đó là điều mà các giảng viên, gồm các nhà báo lão luyện trong giới làm báo lúc bấy giờ thường nhắc đi, nhắc lại và coi đó là tôn chỉ nghề nghiệp. Và vừa qua, không ít nhà báo trong thời đại 4.0 thay vì làm chức trách, phục vụ “cái đạo của sự thật”, thì lại lợi dụng nó để trục lợi, vinh thân phì gia.

Tôi không nhận định đạo đức nhà báo thời 4.0 đang “xuống cấp” hơn trước hay không, vì chưa có một con số nào thống kê giữa hai thời kỳ để đối sánh, tuy vậy hiện tượng vòi vĩnh doanh nghiệp để nhận phong bì hoặc đổi chác “sự thật” để lấy vật chất, tiền bạc xuất hiện ngày càng nhiều và đang có xu hướng làm vẩn đục môi trường báo chí hiện nay.

Vậy có phải đạo đức báo chí đang là vấn đề xã hội nhức nhối và cần phải cảnh báo?

Tôi nghĩ dư luận trên các mạng xã hội về hành vi nhiều nhà báo, đặc biệt trong những vụ bắt giữ quả tang nhà báo nhận tiền doanh nghiệp, với tư cách là một người làm báo lâu năm, tôi cho rằng đó là phần nổi của tảng băng. Phần chìm của nó lớn hơn nhiều, đó là những hợp đồng truyền thông, bài viết PR (public relations - quan hệ công chúng), trông có vẻ hợp pháp hơn. Không ít các doanh nghiệp lớn thường dàn xếp những vụ việc bất lợi cho mình với công luận bằng cách này.

Cách đây vài năm, Tổ chức SIDA (Thụy Điển) có mở khóa học dành cho lãnh đạo các báo về phương pháp xây dựng bộ quy tắc đạo đức báo chí. Bộ quy tắc này quy định những hành vi được làm, không được làm của nhà báo, tòa báo. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành bộ quy tắc chung cho hội viên, nhưng còn khá sơ sài. Sau khóa học, một vài tờ báo lớn, có uy tín với bạn đọc trên địa bàn phía Nam đã xây dựng được Bộ Quy tắc đạo đức báo chí dành riêng cho cơ quan họ, và hạn chế được khá nhiều tiêu cực của phóng viên.

Đạo đức nhà báo là vấn đề quan tâm muôn thuở của tất cả tòa soạn. Cách đây vài năm, một trường đại học mời tôi thỉnh giảng học phần Đạo đức báo chí và pháp luật dân sự có liên quan đến hoạt động báo chí. Qua đó tôi thấy những tờ báo lớn của thế giới đều xây dựng bộ quy tắc đạo đức rất chặt chẽ và nghiêm khắc. Trong số này tờ New York Times (Mỹ) còn chi tiết đến độ hướng dẫn cho phóng viên cả cách nhận quà, cách nhận lời mời dự tiệc chiêu đãi… Ở Việt Nam hiện nay có vài tờ báo cũng lấy đó để quy định hành vi cho các phóng viên của mình trong hoạt động báo chí.

Vậy đâu là nguyên nhân?

Cho đến thời điểm tờ báo điện tử đầu tiên xuất hiện, thì trước đây số lượng cơ quan báo khá ít ỏi, bình quân mỗi địa phương có hai cơ quan - báo của Đảng bộ và Đài phát thanh. Các cơ quan trung ương hoặc đoàn thể thì số có cơ quan ngôn luận chỉ đếm trên đầu ngón tay. Số nhà báo được cấp thẻ hành nghề, theo đó cũng được lựa chọn khắt khe và không nhiều. Lúc này bên cạnh sự nghiêm khắc trong quản lý hoạt động báo chí của Ban Tuyên huấn (nay là Ban Tuyên giáo) từ Trung ương đến địa phương, kỷ luật nghiệp vụ trong từng tòa soạn, thì môi trường cho việc tiêu cực trong báo chí cũng rất hạn chế.

Còn hôm nay trong cơ chế thị trường, cơ quan báo chí nở rộ như nấm sau mưa. Hội đoàn nhỏ lớn, ngành nghề… đều có cơ quan ngôn luận của mình. Tháng 11.2019, thống kê cho thấy cả nước có đến 850 cơ quan báo chí, với hơn 20 nghìn nhà báo được cấp thẻ (số nhà báo sử dụng giấy giới thiệu, vì chưa đủ tiêu chuẩn cũng không ít). Có thể thấy quá nhiều và hoạt động lộn xộn đến mức, nhiều lần Chính phủ phải thực hiện chủ trương quy hoạch, thu gọn số lượng các tờ báo…

Trong khi đó, hiện nay số cơ quan báo chí tự nuôi được hoạt động của mình đếm trên đầu ngón tay. Số còn lại, phần lớn để tồn tại, các tờ báo phải quẫy đạp, giao khoán chỉ tiêu kinh tế cho phóng viên; lập nhiều văn phòng đại diện, thường trú để khai thác kinh tế… Từ đó sinh ra hiện tượng không quản lý được hành vi phóng viên của mình, và chuyện vòi vĩnh, phong bì, ép doanh nghiệp làm quảng cáo, truyền thông… trở nên nghiêm trọng. Thực trạng đó không khó nhận thấy, khi thử tìm kiếm các từ khóa có liên quan đến tiêu cực trong hoạt động của báo chí trên internet.

Vì vậy để lập lại trật tự hoạt động báo chí hiện nay, Chính phủ cùng các cơ quan quản lý báo chí từ Trung ương đến địa phương phải mạnh tay hơn nữa và thực hiện nghiêm túc chủ trương quy hoạch của Chính phủ.

NHÀ BÁO LÊ VĂN NHI - CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO QUẢNG NAM: ĐẠO ĐỨC LÀ YÊU CẦU CỐT LÕI CỦA NGƯỜI LÀM BÁO

Tôn trọng đạo đức nghề nghiệp là cách để giữ vững uy tín của người làm báo và cơ quan báo chí, vun đắp niềm tin ở công chúng, đó là khẳng định của nhà báo Lê Văn Nhi - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh trong cuộc trò chuyện với PV Báo Quảng Nam.

 

PV:Ông đánh giá như thế nào về việc tuân thủ quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo của hội viên Hội Nhà báo Quảng Nam trong những năm qua?

Nhà báo Lê Văn Nhi: Thực hiện Luật Báo chí 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và tiếp đó là Quy tắc ứng xử của người làm báo trên mạng xã hội. Cùng với Luật Báo chí, các quy định, quy tắc này được các cấp hội nhà báo, cơ quan báo chí tổ chức quán triệt sâu rộng trong đội ngũ hội viên và những người làm báo. Trong quá trình xây dựng, góp ý các quy định, quy tắc này và sau khi chính thức ban hành, các cơ quan báo chí và hầu hết người làm báo trong nước đều đánh giá cao, xem đây là những chuẩn mực cụ thể, cần thiết để định hướng hoạt động nghề nghiệp và giữ vững uy tín  của người làm báo.

Với Hội Nhà báo Quảng Nam, những năm qua, các vấn đề về đạo đức nghề nghiệp là một trong những nội dung trọng tâm, xuyên suốt hoạt động hội. Hằng năm, Hội Nhà báo tỉnh đều tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm liên quan đến đạo đức người làm báo, nhằm nghiên cứu, quán triệt các quy định, quy tắc đạo đức do Trung ương hội ban hành; phân tích, nhận diện, cảnh báo những vi phạm trong đời sống báo chí hiện đại, qua đó thảo luận, đề xuất các giải pháp cụ thể trong hành động, nhằm giữ vững đạo đức của người làm báo.

Rất nhiều ý kiến đóng góp cũng như sự quan tâm của hội viên trong những lần tổ chức hội thảo cho thấy, ý thức, nhận thức của đông đảo hội viên về đạo đức nghề nghiệp dã được nâng cao. Điều đáng mừng là đến thời điểm này, chưa có hội viên nào của Hội Nhà báo Quảng Nam vi phạm đạo đức nghề nghiệp đến mức bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật ở các cơ quan chủ quản, cơ quan chức năng lẫn hội đồng kỷ luật của hội. Từ việc tuân thủ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đông đảo người làm báo là hội viên Hội Nhà báo Quảng Nam đã giữ vững được uy tín, tư cách của cá nhân lẫn cơ quan chủ quản và tập thể hội.

Ảnh: THÀNH CÔNG
Ảnh: THÀNH CÔNG

PV:Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh mẽ cùng những thay đổi lớn của cuộc cách mạng 4.0, Hội Nhà báo tỉnh đã cảnh báo những biểu hiện nào trong vi phạm đạo đức người làm báo cũng như những giải pháp để ngăn ngừa các biểu hiện này, thưa ông?

Nhà báo Lê Văn Nhi: Trước hết, tôi xin nhấn mạnh, không phải bây giờ, trong thời đại cách mạng 4.0, vấn đề đạo đức nghề nghiệp mới được coi trọng, mà đối với người làm báo, ở thời nào, trong bất cứ nền báo chí nào, đạo đức nghề nghiệp cũng là yêu cầu tất yếu, cốt lõi. Nguyên tắc hành nghề hàng đầu mà nhà báo phải tuân thủ là thông tin trung thực, khách quan, đúng bản chất sự việc. Cùng với đó là tinh thần trách nhiệm. Tôn trọng và tuân thủ nghiêm đạo đức nghề nghiệp, là cách duy nhất để báo chí tồn tại và đứng vững trong lòng công chúng.

Sở dĩ trong giai đoạn hiện nay, vấn đề đạo đức người làm báo được nói nhiều, vì  khi xuất hiện internet cùng sự bùng nổ của mạng xã hội, đời sống báo chí đã thay đổi rất nhiều, rất căn bản. Mạng xã hội trở thành nguồn thông tin khổng lồ chi phối hoạt động của nhiều người làm báo. Bên cạnh những cái tích cực thì những mặt trái - cụ thể là việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hoạt động của báo chí đã trở nên nghiêm trọng, đến mức trở thành một trong những vấn đề nhức nhối, báo động.

Các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý Nhà nước và cả các cơ quan báo chí, hội nhà báo các cấp đã chỉ ra rất nhiều vi phạm về đạo đức người làm báo thời gian qua, như:  thông tin sai sự thật, thông tin giật gân, câu khách, thông  tin phiến diện, một chiều xuất hiện phổ biến trên các báo; nhiều người làm báo thiếu tôn trọng nguyên tắc hành nghề, tập trung khai thác thông tin từ mạng xã hội để viết báo, nhưng bỏ qua khâu kiểm chứng độ tin cậy, tính chính xác của nguồn tin; có những người làm báo, cơ quan báo chí chỉ chăm chú vào những tin, bài phản ảnh các mặt trái của xã hội, thậm chí thổi phồng, bóp méo sự thật, nặng “đánh đấm” hơn là giới thiệu, khắc họa những mô hình, điển hình và đưa ra những giải pháp trên tinh thần xây dựng.

Có những trường hợp nhà báo phát ngôn, bình luận, chia sẻ thông tin trên mạng xã hội không đúng tôn chỉ, mục đích của tờ báo; hoặc có tình trạng viết bài trên báo với nội dung, quan điểm khác, nhưng lại viết bài, chia sẻ trên mạng xã hội với thông tin, quan điểm trái ngược. Đây là tính hai mặt hết sức lo ngại, là biểu hiện cần ngăn chặn trong việc sử dụng mạng xã hội của người làm báo.  Ngoài ra, việc đưa tin không đúng thời điểm, “câu view”, cũng cần cảnh báo. Đã có hiện tượng một số thông tin mạng xã hội biến thành thông tin báo chí mà thiếu sự kiểm chứng, xuất phát từ những cá nhân lười tư duy, ít đi cơ sở, ngại khó, chỉ chăm chăm lấy thông tin tác nghiệp từ mạng xã hội, cũng như chia sẻ thông tin tác nghiệp theo nhóm…

Để khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức báo chí, thời gian qua, các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý Nhà nước và hội nhà báo các cấp đã tăng cường nhiều biện pháp xử lý, phòng ngừa, chấn chỉnh sai phạm. Nhiều cơ quan báo chí cũng đã cụ thể hóa Luật Báo chí và các quy định, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam bằng các bộ quy tắc, chuẩn mực hành nghề trong nội bộ phù hợp với tôn chỉ, mục đích, hoạt động và đặc điểm của cơ quan báo chí.

Tuy nhiên, theo tôi, điều quan trọng nhất vẫn là quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện của chính mỗi người làm báo, cả về hành vi, thái độ ứng xử trong các mối quan hệ khi tác nghiệp và trong việc thể hiện, công bố tác phẩm báo chí. Bởi, thực tế cho thấy, không hiếm người làm báo, nhất là những nhà báo trẻ, còn khá ảo tưởng về “quyền lực” của báo chí; có khi vô tình, hoặc cũng có thể cố tình lạm dụng quá mức cái gọi là quyền lực của báo chí, từ đó dẫn đến vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm các nguyên tắc hành nghề, thậm chí vi phạm pháp luật.

PV:Xin cảm ơn ông!

“CON DAO HAI LƯỠI”

Phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với nhà báo Phan Công - Thạc sĩ báo chí - Trưởng ban Thời sự - Pháp luật ZingNews, về những nguy cơ đối với đạo đức nhà báo thời kết nối số, cạnh tranh với mạng xã hội, đặc biệt ở một trong những trung tâm báo chí, nơi kinh tế đời sống nhộn nhịp như TP.Hồ Chí Minh.

 

Kết nối số mở ra những cơ hội phát triển báo chí nhưng đồng thời cũng tạo ra nguy cơ, thủ thuật gian lận trong báo chí?

Một trong những vấn đề của các tờ báo điện tử, trang tin điện tử là làm thế nào để tin, bài, sản phẩm của mình có nhiều người xem, và việc này cụ thể hóa qua chỉ số “pageview”. Không chỉ tạo ra nội dung hay, thông tin chính xác, các sản phẩm trên nền tảng internet phải lôi cuốn bạn đọc bằng sự hấp dẫn qua hình thức của nó, như hình ảnh phải đẹp, thông tin phải được trình bày trực quan và quan trọng là phải biết nắm bắt xu hướng (trending) thông tin.

Mặc dù một số trang đã cố gắng với nhiều giải pháp để sản phẩm được nhiều người tiếp cận, không phải lúc nào chỉ số “pageview” cũng theo ý muốn. Khi “pageview” không đạt như mục tiêu tối thiểu được đặt ra trước đó, nó kéo theo nhiều vấn đề nan giải khác, trong đó hiệu quả tiếp cận khách hàng của các công ty đã chi tiền để quảng cáo tạo ra áp lực cho chính các trang điện tử. Nói cách khác, những bài báo có nội dung quảng cáo của các nhãn hàng không đạt được chỉ số “pageview” tối thiểu theo cam kết, lúc này họ thường dùng các thủ thuật để tạo ra “view khống” hay nói bằng thuật ngữ chuyên môn là “cheat view” trực tiếp trên mỗi bài báo.

Ngoài ra, chuyện gian lận thường thấy là tình trạng “chôm” nội dung giữa những trang tin. Để đầu tư nội dung tử tế cho một tờ báo, không chỉ tốn về nhân lực mà cả vật lực, đó là chưa nói đến hàng loạt điều kiện khác để được hoạt động báo chí. Thực tế, không phải trang tin nào cũng có đủ khả năng xây dựng cho mình một bộ máy để tạo ra nội dung. Khi không thể xây dựng một tổ chức bao gồm người săn tin, đội ngũ biên tập có nghề…, họ chỉ cần vài kỹ thuật viên sử dụng các phần mềm tự động kéo các bài báo từ những trang tin khác về website của mình mà không xin phép. Nơi nào “cẩn thận” hơn, họ thay cả tên tác giả của bài báo gốc, ghi một bút danh lạ hoắc nào đó vào và nghiễm nhiên sản phẩm báo chí đó trở thành sản phẩm của họ. Và chỉ cần tạo liên kết với Google Ads, những mẩu quảng cáo tự động xuất hiện lên trang và lợi nhuận đổ về tài khoản của người chủ trang tin này.

Việc cạnh tranh với mạng xã hội và sự lên ngôi của “báo chí công dân” kéo theo hệ lụy gì?

Thời đại số mang đến cho nhà báo nhiều thuận lợi hơn, rõ ràng nhất là chưa bao giờ nhà báo thấy công việc thu thập tin tức của mình dễ dàng như hiện nay, khi họ chỉ cần lướt Facebook là có thể biết ngay những sự việc ở xa hàng nghìn cây số diễn ra thế nào. Sự lên ngôi của báo chí công dân (citizen journalism) nhờ vào mạng xã hội đã giúp cho ai cũng có cơ hội đưa tin với chiếc điện thoại thông minh, cho mọi người cảm giác như “tôi cũng là nhà báo”.

Thế nhưng, điều này lại là “con dao hai lưỡi”, khi thông tin chưa kiểm chứng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, tin giả (fake news) được chia sẻ đến chóng mặt và khiến không ít người điêu đứng, cộng đồng hoang mang. Gần đây nhất là những tin giả về dịch Covid-19 làm cho nhiều người bất an, hay chuyện MC.Trấn Thành bị tung tin đi “bay lắc” khiến nam nghệ sĩ phải giận dữ tuyến bố làm rõ đến cùng sự việc.

Và không ít nhà báo, tờ báo bị “bẫy”, trở thành nạn nhân của tin giả khi người viết không kiểm chứng, vội vàng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt về thời gian của báo điện tử, đẩy không ít nhà báo, tờ báo đến việc phải đính chính và bị cơ quan quản lý phạt vì đưa tin không chính xác, uy tín bị giảm sút.

Nhà báo làm thế nào giữ mình trước những cám dỗ?

Không phải lúc nào, con người cũng đủ sáng suốt để nhận ra những cám dỗ quanh mình. Con đường dẫn đến cám dỗ hay cạm bẫy đôi khi bắt đầu từ những việc rất vô tình, và cho đến khi nhận ra thì có lúc đã muộn. Những vấp ngã của đồng nghiệp luôn là bài học đau đớn của nghề báo, và tôi luôn nhắc nhở mình: “Qua điền lý hạ” (Qua ruộng dưa chớ sửa giày).

ÔNG PHẠM HỒNG QUẢNG – GIÁM ĐỐC SỞ THÔNG TIN – TRUYỀN THÔNG (TT-TT): QUẢN LÝ PHẢI THEO KỊP SỰ PHÁT TRIỂN BÁO CHÍ

 

Mặc dù thông tin báo chí ngoài tỉnh viết về Quảng Nam rất nhiều, nhưng số lượng, chất lượng các bài báo tuyên truyền, quảng bá về thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các ngành, địa phương trên địa bàn Quảng Nam còn ít. Chưa có nhiều bài viết chuyên sâu bàn về giải pháp xử lý những vấn đề dư luận quan tâm như giữ gìn bảo tồn các di sản văn hóa, nếp sống văn minh, ô nhiễm môi trường, nói không với rác thải nhựa, khai thác khoáng sản, khai thác gỗ trái phép… nhằm định hướng dư luận xã hội và góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, các cấp chính quyền địa phương. Tình trạng thông tin chưa chuẩn, chưa đa chiều, thông tin thiếu thận trọng, thiếu nhạy cảm về chính trị, đưa nhiều thông tin liên quan vấn đề tiêu cực, mặt trái của xã hội, giật gân, câu khách... vẫn thường xuyên xảy ra. Một số phóng viên, cộng tác viên của cơ quan báo chí hoạt động tại địa phương khi tham gia mạng xã hội có những phát ngôn không phù hợp.

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có 4 cơ quan báo chí, gồm: Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Nam, Báo Quảng Nam, Tạp chí Đất Quảng, Tạp chí Khoa học. Tỉnh Quảng Nam có 119 người được Bộ TT-TT cấp thẻ nhà báo, 18 chương trình truyền thanh - truyền hình (trực thuộc các trung tâm VHTT&TTTH cấp huyện) cùng nhiều bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp. Có 7 cơ quan thường trú, văn phòng đại diện, văn phòng liên lạc của các báo ngoài tỉnh với 17 phóng viên, nhà báo; 24 phóng viên đăng ký thường trú và 14 phóng viên được giới thiệu hoạt động tại Quảng Nam. Có thể thấy lực lượng báo chí ở Quảng Nam khá hùng hậu.

Một số cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh có lúc chưa ứng xử tốt với báo chí, xử lý thông tin chưa kịp thời, chưa thực hiện tốt các quy định về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; chưa kịp thời cung cấp thông tin chính thức cho báo chí bằng các hình thức phù hợp, nên dễ dẫn đến khủng hoảng truyền thông.

Nhiều dự án, công trình triển khai trên địa bàn tỉnh chưa được các ngành chức năng cung cấp thông tin rõ ràng, đầy đủ, nên báo chí thiếu thông tin, dẫn đến khai thác theo nhiều hướng khác nhau, nhiễu loạn thông tin, gây khó khăn trong việc quản lý thông tin trên báo chí.

Đến nay, việc xây dựng, bổ sung các văn bản quản lý Nhà nước về báo chí điện tử còn chậm, chưa phù hợp với thực tế phát triển của báo chí thời công nghệ số. Luật Báo chí 2016 đã có hiệu lực nhưng thực tế vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn dưới luật, đặc biệt là những văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến báo chí điện tử. Vì vậy, các quy định điều chỉnh hoạt động quản lý Nhà nước về báo chí điện tử còn nhiều khó khăn, bất cập, chủ yếu tập trung vào báo chí in và phát thanh, truyền hình. Các quy định phân biệt báo chí điện tử và tạp chí điện tử hầu hết chưa phù hợp với thực tiễn hoạt động và chưa rõ ràng.  

Quản lý báo chí trong thời đại 4.0 là một trong những nhiệm vụ rất khó khăn. Nhưng, một lần nữa phải khẳng định rằng, sự phát triển của các loại hình thông tin trên internet với các báo điện tử đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, phong phú, đa dạng, nhiều chiều của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, quản lý phải theo kịp sự phát triển, thúc đẩy phát triển lành mạnh, bền vững, đúng định hướng qua đó phát huy và khai thác tối đa những lợi ích, những yếu tố tích cực mà báo chí đem lại cho sự phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân, góp phần chủ động đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, bảo vệ chính đáng lợi ích của dân tộc và nhân dân.

Ảnh: THÀNH CÔNG
Ảnh: THÀNH CÔNG

Quản lý Nhà nước về báo chí là công tác đặc thù, cần sự chung tay của các cấp, các ngành. Để công tác quản lý góp phần thúc đẩy báo chí phát triển, cần tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, của các cơ quan chức năng trong giám sát thực thi pháp luật về báo chí. Và, cái cốt lõi nhất chính là ở cái tâm, đạo đức của mỗi nhà báo.

NHÀ BÁO PHẢI CÓ BẢN LĨNH CHÍNH TRỊ

Ông Nguyễn Hữu Sáng - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận định như vậy, đồng thời cho rằng đạo đức nhà báo là thứ mà không máy móc hay công nghệ nào thay thế được.

 

Vài nét khái quát về đội ngũ báo chí Quảng Nam hiện nay, thưa ông?

Những năm qua, đội ngũ những người làm báo của tỉnh phát huy truyền thống báo chí cách mạng của tỉnh, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tác phong, đạo đức của người làm báo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, sứ mệnh báo chí được giao. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, báo chí Quảng Nam luôn đồng hành, sát cánh với sự phát triển của tỉnh. Đến nay, đội ngũ những người làm báo của tỉnh đã không ngừng vươn lên, lớn mạnh về mọi mặt, tính chuyên nghiệp và bản lĩnh chính trị ngày càng trưởng thành và nâng cao. Các loại hình báo chí như báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử đã được đội ngũ những người làm báo khai thác, đa dạng hóa với nhiều sản phẩm báo chí có chất lượng như: phóng sự, bài viết, hình ảnh, tin ngắn, e-magazine, infographic, chương trình truyền hình, games show…

Từ đó, đã chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đưa tin về tình hình quốc tế, trong tỉnh và trong nước, những mô hình hay, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, quảng bá hình ảnh Quảng Nam, tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tham gia phản biện xã hội. Có thể khẳng định rằng, báo chí Quảng Nam thực sự là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước, với nhân dân. Đội ngũ người làm báo đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng; họ đã và đang đồng hành với sự phát triển của Quảng Nam.

Ông có thể nhận diện những điểm hạn chế?

Tại Hội nghị tổng kết công tác báo chí Quảng Nam tổ chức ngày 5.3.2020, các đại biểu đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Đó là, tuy báo chí đã vào cuộc, phản ánh trung thực các vấn đề nóng, các vấn đề tiêu cực, nhưng thông tin mới dừng ở mức độ phản ánh, chưa đưa ra các thông tin mang tính định hướng dư luận xã hội, tính phản biện và sức chiến đấu của nhiều tuyến tin, bài chưa cao. Thời lượng, nội dung tuyên truyền chưa dành mức tương xứng cho những đề tài gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến, nhân tố mới trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và thực hiện các chủ trương, chính sách mới.

Tính chiến đấu, đấu tranh phản bác quan điểm, luận điệu sai trái, tin tức giả, thông tin sai sự thật trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là internet, mạng xã hội chưa cao (hiện trên địa bàn tỉnh chỉ có Báo Quảng Nam thành lập fanpage trên mạng xã hội facebook). Một số phóng viên thường trú, hoạt động trên địa bàn tỉnh chưa có nhiều bài viết chuyên sâu về công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, gương người tốt - việc tốt…

Ông quan niệm thế nào về nhà báo hiện đại?

Theo tôi, trong xu thế của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, cạnh tranh với mạng xã hội, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao của báo chí hiện đại; nhà báo phải yêu nghề, có tâm với nghề, dám dấn thân vì nghề nghiệp; phải tinh thông nghiệp vụ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gần gũi, sâu sát với quần chúng, sử dụng thành thạo trang thiết bị hiện đại, giỏi ngoại ngữ và phải biết làm giàu chân chính bằng trí tuệ của mình. Mỗi nhà báo cần phải bám sát thực tiễn, đừng làm “nhà báo sa-lông”, có như thế báo chí mới có nhiều bài viết tốt, để lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân văn trong xã hội.

Trong công tác tuyên truyền các vấn đề thời sự, nóng, phức tạp, nhạy cảm, nhà báo và cơ quan báo chí cần phải tìm hiểu kỹ lưỡng, phân tích thấu đáo, có kiểm chứng để thông tin chính xác, đầy đủ, khách quan, trung thực với tinh thần là thông tin nhanh nhưng phải đúng, hay, thuyết phục, góp phần tích cực định hướng dư luận xã hội.

Báo chí là một hoạt động đặc biệt mang đặc tính chính trị - xã hội. Mỗi tác phẩm báo chí khi được công bố, phát hành rộng rãi đều trực tiếp hay gián tiếp tác động đến nhận thức, tâm tư, tình cảm và tư tưởng của người dân và hành vi của cộng đồng. Vì lẽ đó, người làm báo phải hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình. Dù công nghệ có phát triển đến đâu thì với nhà báo, quan trọng nhất vẫn là nền tảng tri thức và đạo đức nghề nghiệp. Nhiều chuyên gia khi nghiên cứu về báo chí với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đều thống nhất rằng, cần quan tâm xây dựng hình ảnh nhà báo như cố nhà báo Hữu Thọ đã nói: “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” - đó chính là đạo đức của người làm báo, đó là thứ mà không máy móc hay công nghệ nào thay thế được.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đạo đức nhà báo thời số hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO