Ô Da/Vu Gia là một ngôi làng cổ trên đất Quảng Nam, nằm bên sông Ô Da. Các nguồn sử liệu cho thấy Ô Da (汙) cạnh Trang Điền, thuộc tổng Quảng Đại, huyện Quế Sơn (Quốc sử quán triều Nguyễn, Đồng Khánh địa dư chí, bản dịch Viện Hán Nôm, 2003, tr. 1450, 1469). Tên gọi Ô Da hiện hữu trong hai thôn Ô Da Nam và Ô Da Bắc (Đại Cường, Đại Lộc) và chưa rõ từ lúc nào đã có sự chuyển gọi phổ biến thành Vu Gia, Ô Gia.
Xác lập truyền thống
Từ vị trí địa lý thuận lợi cho việc giao thương, phát triển nông nghiệp, Ô Da là điểm tụ cư sớm của người Việt di cư lập làng, truyền thống tương thân tương ái, đạo lý uống nước nhớ nguồn được tôn trọng. Di sản Hán Nôm của làng đã lưu dấu rõ nét vấn đề này qua việc xác lập truyền thống đạo lý tưởng nhớ, tôn vinh công lao các vị khai canh khai khẩn, làm nên tín ngưỡng tiền hiền độc đáo.
Bản sớ văn nhân kỳ giỗ chạp ngày 22.8 Kỷ Tỵ (1929, 1869?) của làng cho biết nhiều thông tin quan trọng từ Phó ý bổn Tiền hiền khai khẩn, làng Ô Da (tổng Quảng Đại Thượng, huyện Duy Xuyên, phủ Thăng Hoa) tôn thờ các vị Tiền tiền hiền khai khẩn (24 vị họ Đỗ Văn, Đỗ Thanh, Đỗ Đăng; 13 vị họ Hà Duy; 12 vị họ Ung Văn; 14 vị họ Thái Phúc; ngài Nguyễn Phúc An, [?] Văn Bảng; 2 vị họ Võ Công, 2 vị họ Trần Văn) cùng các vị tiền hậu hiền khai khẩn, tiền khai cư hậu khai canh và các vị khác trong Thập nhị tôn phái.
Để khắc ghi công ơn tiền nhân, từ ngày 22.8 năm Tự Đức 30 (1877), toàn bộ dân binh, hào mục, lý dịch, quan viên chức sắc trong làng cùng nhau họp bàn, lập nên bản giao ước về truyền thống đạo nghĩa đặc biệt này. Theo đó xác định, trong làng xã có nhiều họ tộc chung tay góp sức mở ấp lập làng nhưng quả thực, các ngài tổ tiên họ Đỗ đã có công lao tiên khởi, được tôn vinh là Tiền hiền khai canh Hậu hiền khai cư, công ơn rất lớn nên cần được dân làng báo đền công đức.
Từ đây, làng đồng thuận trích số khẩu phần công điền tất cả là 7 mẫu 3 sào (xứ Trà Khung 1 mẫu 2 sào, xứ ruộng nước 1 mẫu 3 sào, xứ Cây Gạo 4 mẫu 5 sào), xác nhận ranh giới rõ ràng rồi kính giao lại cho họ Đỗ để nhập vào từ đường, hằng năm xuân thu tế lễ, mãi mãi lưu truyền cho hậu thế. Theo bản giao ước này, lệ làng quy định về sau, nếu có ai dùng bất cứ điều gì tranh đoạt số ruộng ấy phải bị nghiêm trị theo tội bất tuân lệ làng. Văn bản do Lý trưởng Đỗ Văn Đức, Thủ bản Mai Văn Luật, cùng Bổn xã các tộc đồng liên danh ký chỉ.
Ghi nhớ công lao
Có lẽ do tình trạng thất tán tài liệu nên đến ngày 24.6 năm Duy Tân 2 (1907), tờ trình của 64 thân hào, lý dịch xã Ô Da đã kê khai về việc phong tặng thần sắc theo lệnh của triều đình đối với các vị thần khai canh lập ấp, có công đức với dân, có miếu thờ làm bằng chứng. Theo đó thì trong làng nhiều đời trước, do tình trạng giấy tờ khai canh thiết lập làng xã đã bị mục nát nên khó có thể kê cứu được, nhưng từ xa xưa truyền lại rõ ràng, thành hương lệ thống nhất trong thực hành đời sống nghi lễ tại làng thì có hai ngài Hà quý công (húy Hàn) và Đỗ quý công (húy Văn Thư).
Đáng chú ý là qua bao binh biến, xã dân phiêu tán khắp nơi, ruộng đất đều bị chiếm cứ, chiếm lập làm ruộng lộc. Đến thời Gia Long (đầu thế kỷ 19) thì trong làng không còn dấu tích họ Hà mà chỉ có họ Đỗ nổi bật công lao chiêu mộ binh dân trùng tu địa bạ xã. Truyền thống đạo nghĩa “mộc bản thủy nguyên” (Cây có cội, nước có nguồn), chốn hương thôn vẫn đặc biệt trân trọng công lao khai mở của họ Hà, dù rằng về sau, bất hạnh không còn con cháu. Từ đó, xã dân truyền đời tuân theo lệ định thực hành nghi lễ ở tòa linh miếu được phụng thờ chu đáo, nổi bật với bài vị Tiền triều sắc tặng Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân, Tiền cai tri Phó tướng Thanh Giám hầu Hà Quận công, thậm chí trong điền bạ còn có một sở đất được ghi rõ “Khuôn viên miếu Hàn quý công”.
Từ thời Gia Long, công trạng họ Đỗ đã được ghi chép rõ ràng trong nhiều văn bản làm bằng, khẳng định công đức lớn lao của tiền nhân và dân các họ phái trong xã đã cùng nhau thiết trí ruộng thờ, xây dựng từ đường phụng tự trang nghiêm, chu đáo.
Phong tục thuần hậu
Phong tục thuần hậu trở thành chất keo kết dính cộng đồng, đảm bảo nuôi dưỡng truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn. Đến khi trong nội bộ nảy sinh chuyện không hay, cả gia tộc lẫn làng xã đã kịp thời chung tay xử lý trọn vẹn. Văn bản ngày 8.4 năm Duy Tân 10 (1915) của họ Đỗ trình báo quan trên cho biết từ trước trong xã đã cung kính thiết trí ruộng thờ cho vị tiền hiền họ Đỗ. Gia tộc thống nhất giao cho người con cháu nhánh nhất trồng trọt lấy hoa lợi lo thờ tự.
Tuy nhiên chỉ sau một năm, người đó đã có biểu hiện không tốt nên họ hàng phải giao ruộng ấy bằng giấy tờ cụ thể, rõ ràng. Đến ngày kỵ chạp, trong họ biện lễ vật đến xin ủy quyền làm lễ và cùng nghinh thần vị đến nhà thờ trí tế mà ông ta còn không chịu. Cả họ bèn đem lễ vật đến nhà ông ta làm lễ mà vẫn không cho, trước sự chứng kiến của các nhánh Đỗ Tề, Đỗ Dương.
Do vậy, gia tộc đã kịp thời có văn bản trình xã để giúp giải quyết, đề nghị cẩn thận chọn người làm chủ bái để khỏi thất lễ với tổ tiên, hòa đồng với con cháu. Làng xã tiếp tục có văn bản trình quan trên cho thấu tình đạt lý để không “trên thì hổ thẹn với tiên linh, dưới thời mất đi sự trông cậy của người dân”, chọn cử con cháu đứng đắn, hoặc có chút phẩm trật, có tuổi làm chủ tế ở nhà thờ Tiền hiền cho hợp với lòng người (văn bản do Lý trưởng Đỗ Tăng cùng 47 người ký, ngày 28.2 năm Khải Định 3 (1918).
Có thể nhận thấy ở làng Ô Da/Vu Gia hội tụ nhiều khía cạnh lịch sử văn hóa điển hình của ngôi làng Việt trên vùng đất mới phương Nam. Ở đó, nổi bật truyền thống đạo nghĩa uống nước nhớ nguồn, trân trọng công lao khai hoang lập ấp của thủy tổ các dòng họ, định hình nên tín ngưỡng tiền hiền độc đáo trong văn hóa làng quê xứ Quảng.