Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là đối tượng được ưu tiên học nghề trong mọi dự án, nhưng số người học và thành công từ nghề rất ít. Điều này khiến các trường đào tạo nghề cho đồng bào DTTS gặp nhiều khó khăn.
Dạy nghề lưu động
Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi Quảng Nam (sau đây gọi là trường Trung cấp Nghề miền núi) thành lập được 5 năm, đóng chân ngay tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số là thôn Pà Dồn (xã Cà Dy, huyện Nam Giang). Đến thời điểm hiện tại, nhà trường đã đào tạo 2.502 lao động là người DTTS ở trình độ trung cấp và sơ cấp, nghề dưới 3 tháng, với những nghề chủ yếu là dệt thổ cẩm, làm chổi đót, may công nghiệp, mộc, nề, chăn nuôi, trồng rừng... Người lao động được nhà trường đào tạo thuộc các huyện Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn. Ông Nguyễn Quí Quý - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với đồng bào, muốn dạy hiệu quả chỉ có cách mang về tận gươl làng để dạy. Học tập trung ở trường chỉ có số ít thanh niên chịu được cảnh sống xa nhà, vậy mà cũng rơi rớt không ít trong quá trình học”.
Thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số học nghề may, nhưng sau đó nếu không thích nghi với môi trường làm việc công nghiệp thì họ lại bỏ nghề. Ảnh: D.L |
Mô hình dạy nghề lưu động cho đồng bào DTTS được xem là cách làm thành công nhất. Cán bộ, giáo viên của trường phải cùng ăn ở dưới thôn bản để vận động bà con đi học nghề. Sau đó, ở lại để bám bản dạy nghề cho bà con. Vì địa hình cách trở, đi lại khó khăn nên chỉ có thể dạy được những nghề trong lĩnh vực nông lâm nghiệp như nuôi trồng thủy sản, thú y, trồng rừng, trồng rau... Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi còn phát huy mô hình liên kết với doanh nghiệp để đào tạo nghề, tổ chức dạy nghề ngay tại cơ sở sản xuất hoặc lưu động tại các địa phương. Hoặc lồng ghép mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn với các dự án phát triển kinh tế khác trên địa bàn. Chẳng hạn nhà trường phối hợp với Công ty Xuân Thành đào tạo nghề vận hành thiết bị sản xuất xi măng. Khi học xong, học viên được làm việc ngay tại Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ.
Về những khó khăn trong việc dạy nghề, ông Quý cho biết: “Đối tượng DTTS được miễn phí 100%, được Nhà nước lo ăn ở trong khi học nghề nhưng vẫn không thu hút họ tham gia. Nhiều học viên bỏ học giữa chừng hoặc người lao động khi đi làm việc ở các doanh nghiệp, không chịu được áp lực nên bỏ việc về lại bản làng. Đối với giáo viên, dù dạy nghề cho đồng bào DTTS nhưng chính sách ưu đãi không có như giáo viên ở trường dân tộc nội trú, trong khi công việc của giáo viên dạy nghề vất vả không kém”.
Chưa phù hợp
Học nghề với đồng bào DTTS khó, nhưng để họ sống bằng nghề đã học càng khó khăn gấp bội. Chỉ có những nghề nông lâm nghiệp là người dân có thể ứng dụng lâu dài. Với những nghề phi nông nghiệp, người dân không thể sống bằng nghề. Bà Phạm Thị Như - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho biết: “Dù huyện đã có nhiều cố gắng trong quy hoạch, đầu tư phát triển Làng dệt thổ cẩm Zara để bà con có thể sống bằng nghề, nhưng hiện nay đầu ra rất khó nên thu nhập của bà con cũng bấp bênh. Còn nghề làm chổi đót, dù nguyên liệu và nhân công đều có sẵn, nhưng trình độ tay nghề của bà con còn thấp, thời gian hoàn thành sản phẩm kéo dài khiến giá thành sản phẩm cao hơn chổi ở dưới xuôi mang lên bán…”.
Nhiều người dân ở huyện Đông Giang cũng tham gia học nghề phi nông nghiệp nhưng sau đó cũng quay lại với nương rẫy. Ông Alăng Trung (thôn A Bông, xã Ma Cooih, huyện Đông Giang) tham gia khóa đào tạo nghề làm chổi đót để cải thiện đời sống. Ông Trung nói: “Học nghề xong, người dân lại không thể áp dụng vào cuộc sống thực tiễn, ai cũng bỏ nghề đi phát rẫy, trồng lúa trồng keo trở lại”. Nguyên liệu sản xuất không đảm bảo, vốn đầu tư thiếu, sản xuất chủ yếu bằng hình thức tự phát, nhỏ lẻ là những nguyên nhân khiến nghề này không sống được.
Điều kiện cuộc sống khó khăn, nghề chính của người dân là phát nương làm rẫy nên việc theo đuổi nghề làm chổi đót hay một số nghề khác để cải thiện đời sống là không thể. Bà Alăng Thị Bhen (thôn Bhôông 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) cũng là một trong những người đã tham gia khóa đào tạo trồng nấm dưới 3 tháng nhưng không thể áp dụng vào sản xuất. Bà Bhen nói: “Điều quan trọng là làm sao để sau khi kết thúc khóa học, chúng tôi nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí trong sản xuất đại trà cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm”.
HOÀNG LINH