Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đến năm 2020 theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 1956) đã triển khai tại Quảng Nam hơn 3 năm (2010 - 2013). Giai đoạn đầu, cấp tỉnh quản lý và thực hiện. Từ tháng 10.2012, cấp huyện, thành phố trực tiếp quản lý tổ chức dạy nghề. Tuy nhiên, gần một năm qua, việc thực hiện đề án theo cơ chế quản lý mới đã phát sinh nhiều bất cập cần khắc phục.
Hầu hết các địa phương triển khai Đề án 1956 có hiệu quả thấp và thực hiện chưa đúng quy định. TRONG ẢNH: Các học viên lớp may công nghiệp ở Thăng Bình. |
BÀI 1: LÚNG TÚNG
“Vừa làm vừa nghiên cứu” có lẽ là tinh thần chung của các địa phương, khi trực tiếp quản lý và tổ chức dạy nghề cho LĐNT trong thời gian qua. Cũng vì thế, đã phát sinh nhiều lúng túng, thậm chí sai phạm.
Không đạt chỉ tiêu
Theo cơ chế phân giao kế hoạch mới của Đề án 1956, cấp huyện lập kế hoạch, cấp xã thực hiện công tác dạy nghề. Kinh phí đào tạo nghề cho LĐNT được tỉnh phân bổ về từng huyện, thành phố để trực tiếp tổ chức thực hiện theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu của người học và nhu cầu sử dụng lao động (LĐ) tại địa phương. Như thế, cấp huyện và xã đóng vai trò chủ chốt từ khâu khảo sát đối tượng học nghề, lên kế hoạch dạy nghề và giải quyết việc làm cho LĐ. Tuy nhiên, trong gần một năm qua, việc triển khai đề án tại các địa phương khá chậm chạp. Địa phương, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo nghề thiếu sự gắn kết, phối hợp. Một số địa phương không theo dõi, nắm bắt số lượng LĐNT trên địa bàn cần hỗ trợ học nghề, số LĐ có việc làm và thu nhập sau học nghề.
Đề án đặt ra mục tiêu trong giai đoạn 2010 - 2015, mỗi năm cả tỉnh sẽ đào tạo nghề cho 15 nghìn LĐNT bằng hình thức “đào tạo theo nhu cầu” và “đào tạo sau khi đã chủ động đầu ra”. Trong đó, phải có 70% LĐ sau đào tạo nghề được giải quyết việc làm. Theo khảo sát của các địa phương, trong 2 năm 2012 - 2013, toàn tỉnh có hơn 45 nghìn LĐNT có nhu cầu học nghề, nhưng theo thống kê mới nhất của Sở LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm 2013, các địa phương chỉ mới đào tạo nghề cho 5.082 LĐ. Trong số đó, chỉ 3.523 LĐ có việc làm và 70% số người học nghề tự tạo việc làm do số lượng vượt quá nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Trong 2 năm đầu thực hiện dự án (2010 - 2011), toàn tỉnh đào tạo nghề cho 12.126 LĐNT với tổng nguồn kinh phí thực hiện là 23,188 tỷ đồn. Trong đó có 11.900 người đã tốt nghiệp (nghề phi nông nghiệp 7.554 người, nghề nông nghiệp 4.346 người). Năm 2012-2013, sau khi chuyển giao dựa trên nhu cầu của các địa phương, UBND tỉnh đã phân bổ nguồn kinh phí đào tạo nghề cho LĐNT về các địa phương với tổng số tiền gần 15 tỷ đồng (trong đó nghề phi nông nghiệp gần 9,4 tỷ đồng, nghề nông nghiệp 5,6 tỷ đồng). Tính đến tháng 7.2013, các địa phương chỉ mới giải ngân nghề phi nông nghiệp được 29,31%, nghề nông nghiệp 25,5%. |
Trong nông nghiệp, những nghề như sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, nuôi bò vỗ béo, trồng rau sạch, trồng - chăm sóc - khai thác mủ cao su, nuôi gà an toàn... được dạy phổ biến ở các địa phương bởi các những nghề này khá quen thuộc, LĐNT có thể tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập nhờ nâng cao được kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc sau lớp nghề đã học. Nhưng cũng có trường hợp không đem lại hiệu quả do khâu khảo sát không phù hợp. Ví như lớp nuôi rắn mối thương phẩm ở phường An Sơn (TP.Tam Kỳ) có 30 học viên là những trường hợp mất đất sản xuất, nhưng sau học nghề chỉ 2 học viên duy trì mô hình nuôi và mới có thêm 3 trường hợp đang trong giai đoạn xây chuồng trại. Số còn lại, không thể ứng dụng, vì không có đất làm chuồng nuôi; hoặc do đây là giống vật nuôi mới nên không dám đầu tư.
Sai quy định
Theo báo cáo kết quả kiểm tra của đoàn công tác do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra việc thực hiện Đề án 1956, các địa phương còn vấp phải rất nhiều vấn đề và làm sai quy định. Chẳng hạn Phòng LĐ-TB&XH, Phòng NN& PTNT huyện Đại Lộc, ký kết hợp đồng đào tạo với cơ sở dạy nghề thiếu chương trình đào tạo và kế hoạch đào tạo kèm theo, không nêu rõ đối tượng được đào tạo, cũng như thời gian thực hiện hợp đồng, địa điểm đào tạo. Có hợp đồng chỉ ghi ngày ký hợp đồng, tiền hỗ trợ đi lại và tiền ăn được ghi chung 1 mục là tiền đi lại; giáo viên dạy nghề tiểu thủ công nghiệp, nghề truyền thống thiếu hồ sơ thể hiện trình độ tay nghề và nghiệp vụ sư phạm dạy nghề. Hai đơn vị này còn thực hiện sai quy định khi đồng ý cho doanh nghiệp tư nhân ngành may ở các xã Đại Tân, Đại Hòa, Đại Quang đào tạo nghề trong khi những doanh nghiệp này chưa có chức năng đào tạo. Về vấn đề này, bà Phan Thị Phương - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH Đại Lộc lý giải: “Thực ra các xí nghiệp này đều đang làm hồ sơ để bổ sung chức năng đào tạo nghề cho LĐNT. Đề án còn mới, chúng tôi chưa hiểu nên nghĩ cứ để họ đào tạo trước đi, đến tháng 9 mới bế giảng thì xí nghiệp đã có chức năng đào tạo nghề, họ có thể cấp chứng chỉ cho LĐNT được”.
Ông Đỗ Văn Bình (huyện Đại Lộc) hoàn thành khóa nghề mây - tre - đan từ tháng 3.2013 nhưng đến đầu tháng 8.2013 mới được nhận tiền hỗ trợ, sau khi đoàn công tác của tỉnh kiểm tra nhắc nhở các đơn vị thực hiện. Ảnh: D.L |
Hay như trường hợp Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình quản lý và sử dụng kinh phí không theo hướng dẫn liên ngành của tỉnh. Trong đó, kế hoạch và dự toán kinh phí mở lớp chưa được UBND huyện phê duyệt, không có thông báo tuyển sinh của cơ sở đào tạo, không có đơn đăng ký học nghề của học viên, kết quả tuyển sinh. Các lớp đều không có kế hoạch đào tạo kèm theo; trong hợp đồng không thể hiện được đối tượng học nghề, thời gian, địa điểm, không phân chi tiết kinh phí đào tạo, kinh phí hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại. Vào thời điểm tháng 3.2013, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề Thăng Bình chưa có chức năng dạy nghề trồng, chăm sóc và khai thác mủ cao su nhưng Phòng NN&PTNT huyện vẫn ký kết hợp đồng đào tạo mà không lưu hồ sơ năng lực của đơn vị đào tạo cũng như chương trình, giáo trình giảng dạy. Hơn nữa, hợp đồng được ký kết trọn gói 460 triệu đồng cho cả 2 năm 2012 - 2013 là không đúng quy định.
Cách làm có vấn đề nên việc giải ngân rất chậm, dẫn đến người học được nhận tiền hỗ trợ cũng chậm theo. Năm 2012 và 2013 huyện Đại Lộc được giao kinh phí đào tạo nghề phi nông nghiệp hơn 568 triệu đồng, nhưng đến tháng 7.2013 mới quyết toán được 31%. Trong khi đó, nghề nông nghiệp được phân bổ gần 200 triệu đồng nhưng quyết toán chỉ đạt 9,8%. Còn ở huyện Thăng Bình, nghề nông nghiệp quyết toán chỉ được 25,05% (tổng kinh phí phân bổ gần 480 triệu đồng), nghề phi nông nghiệp chưa quyết toán được lớp nào trong khi tổng kinh phí phân bổ trong 2 năm này gần 792 triệu đồng. Bà Nguyễn Thị Minh - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình nói: “Huyện chủ trương không giải quyết được việc làm thì không đào tạo, nên khi có đầu ra, chúng tôi mới triển khai đào tạo. Đó cũng là lý do Thăng Bình chưa quyết toán được lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp nào”.
----------------
Bài 2: Cái khó của miền núi
Địa bàn khó khăn, các địa phương chưa tìm được hướng đi thích hợp; trong khi đó hội, đoàn thể chưa thực sự vào cuộc... khiến việc thực hiện Đề án 1956 ở miền núi càng thêm khó.
DIỄM LỆ