Đào tạo nghề, giải quyết việc làm và bài trừ ma túy ở Phú Ninh: Nan giải bài toán khó

ANH ĐÔNG 28/06/2017 08:26

Đó là những vấn đề nổi cộm được nhiều thành viên Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh quan tâm tại buổi làm việc với huyện Phú Ninh về tình hình văn hóa - xã hội 6 tháng đầu năm nay.

Nhu cầu lao động lớn nhưng việc đào tạo nghề may công nghiệp ở Phú Ninh đang gặp khó khăn. Ảnh: VINH ANH
Nhu cầu lao động lớn nhưng việc đào tạo nghề may công nghiệp ở Phú Ninh đang gặp khó khăn. Ảnh: VINH ANH

Học xong không có việc làm

Vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động tại Phú Ninh được đánh giá là triển khai có hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho 464 lao động, đưa 4 trường hợp đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và đã đào tạo mới cho 367 lao động. Tuy nhiên, tồn tại nổi lên là đào tạo nghề may công nghiệp được triển khai tại địa phương đang gặp những khó khăn, lúng túng. Ông Lê Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh nhìn nhận: “Kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn thực hiện còn lúng túng, nhất là công tác tuyên truyền vận động chuyển đổi nghề nông nghiệp sang phi nông nghiệp trong một bộ phận người lao động”. Ông Ninh lo lắng về chỉ tiêu đào tạo 700 lao động theo Nghị quyết 12/HĐND tỉnh trong năm 2017 mà tỉnh giao cho Phú Ninh sẽ khó thực hiện được. Theo báo cáo, thực hiện theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh và Quyết định 3577 của UBND tỉnh, trong 6 tháng đầu năm huyện Phú Ninh đã tổ chức đào tạo nghề may công nghiệp cho 130 lao động, trong đó xã Tam Lãnh 103 người và Tam Thành 27 người. Tuy nhiên, 103 lao động tại xã Tam Lãnh đã qua đào tạo chỉ có khoảng 1/5 được giải quyết việc làm. Nhiều thành viên Ban Văn hóa - xã hội, HĐND tỉnh thắc mắc, vì sao tỷ lệ lao động được giải quyết nghề sau đào tạo tại Tam Lãnh lại thấp?

Lý giải về vấn đề này, ông Lê Văn Minh - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Phú Ninh cho biết, nguyên nhân là địa bàn xã Tam Lãnh cách xa trung tâm huyện, TP.Tam Kỳ nên việc đi lại của người lao động gặp nhiều khó khăn. Phần lớn người lao động có con nhỏ không thể đi làm xa; một số người lao động yêu cầu phải có xe đưa đón hàng ngày từ chỗ ở đến nơi làm nhưng các doanh nghiệp không đáp ứng được. “Cái này một phần cũng do cách tuyên truyền không đến nơi đến chốn, người dân họ không nắm được nên họ không biết cơ chế, chế độ chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ ở thôn, xã cũng ít nhiệt tình, không chịu khó nắm bắt đầy đủ cơ chế, chính sách nên hạn chế trong khâu tuyên truyền, vận động nhân dân.

Một nguyên nhân chủ quan khác khiến việc đào tạo nghề may công nghiệp ở Tam Lãnh thất bại là vì ban đầu phía doanh nghiệp có nói sẽ hỗ trợ xe đưa đón công nhân nhưng sau đó không thực hiện” - ông Minh cho biết. Xã Tam Thành có gần 30 lao động được đào tạo nghề may công nghiệp và khả năng số lao động này sẽ được công ty giải quyết việc làm 100%. Theo ông Minh, do có sự hợp tác, làm việc chặt chẽ từ đầu giữa 4 bên: chính quyền, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề và người lao động. Doanh nghiệp phải cam kết giải quyết việc làm thì mới tổ chức đào tạo. Được biết, số lao động tham gia khóa đào tạo nghề may công nghiệp tại Tam Thành chỉ có khoảng 10 ngày học nghề tại địa phương, thời gian còn lại (khoảng 50 ngày) sẽ được đào tạo ngay tại công ty và được hỗ trợ tiền học nghề khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Nếu cộng với sự hỗ trợ theo cơ chế Nghị quyết 12 thì nếu lao động là hộ nghèo, chính sách sẽ được hỗ trợ khoảng 4,8 triệu đồng/lao động, còn lao động bình thường được nhận khoảng 4 triệu đồng/lao động.

Lo với vấn nạn ma túy

Theo báo cáo của UBND huyện Phú Ninh, hiện trên địa bàn huyện có khoảng 148 người nghiện ma túy và nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó, có 59 người nghiện có hồ sơ quản lý nhưng chỉ 6 người nghiện được cai nghiện tập trung tại Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội Quảng Nam và một người nghiện ở trong trại tạm giam, còn lại 52 người nghiện  vẫn sống ở ngoài xã hội. Ông Lê Văn Ninh - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn ngày càng tăng, nên công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Trong đó, do thiếu cơ sở vật chất, kinh phí và nguồn nhân lực nên cơ quan y tế chưa thể xác định được tình trạng nghiện. Gay go hơn, hiện nay cơ sở cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội Quảng Nam được báo cáo là quá tải, không còn chỗ để tiếp nhận người nghiện vào cai nghiện. Liên quan đến kinh phí thực hiện lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc chưa có hướng dẫn cụ thể cũng khiến cho địa phương lúng túng.

Thông tin về vấn đề này, Trung tá Trần Nhất Chí - Phó Trưởng công an huyện Phú Ninh cho biết, số người nghiện ma túy trên địa bàn huyện có thể sẽ nhiều hơn con số 148 người như báo cáo. Bởi số người nghiện có thể phát sinh mới và biến động theo mặt cơ học, tức là những người nghiện di chuyển từ các địa phương khác đến Phú Ninh làm ăn, khai thác vàng. Đặc biệt có những con số “ẩn” mà công an và các ngành chức năng không quản lý được vì lực lượng mỏng. “Theo hồ sơ quản lý của Công an huyện Phú Ninh, đến thời điểm hiện nay có 64 người nghiện có hồ sơ quản lý chứ không phải 59 người như báo cáo. Tuy nhiên, con số ngoài xã hội có thể lớn hơn và chúng tôi chưa có điều kiện cũng như cơ sở để xác minh chính xác con số đó” - ông Chí nói. Được biết, trong năm 2016, Phú Ninh chỉ đưa được 6 người nghiện vào quản lý tại trung tâm, nếu có thể vẫn đưa được số lượng nhiều hơn nhưng hiện nay Tam Kỳ với Phú Ninh đưa người nghiện lên Trung tâm Giáo dục - lao động xã hội tỉnh là không còn chỗ. “Theo tôi nên mở rộng hoặc xây mới trung tâm để làm tốt hơn công tác tiếp nhận, quản lý người nghiện và qua đó có sự so sánh về chất lượng hoạt động giữa các trung tâm với nhau” - ông Chí nói.

ANH ĐÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đào tạo nghề, giải quyết việc làm và bài trừ ma túy ở Phú Ninh: Nan giải bài toán khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO