Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn: Chưa sát nhu cầu của địa phương

NGUYỄN SỰ 31/12/2018 02:41

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều phần việc, thời gian qua công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đã gặt hái được những thành quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác này vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế.

Sau khi được học nghề, nhiều lao động nông thôn mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất với quy mô lớn và đạt hiệu quả kinh tế cao.  Ảnh: VĂN SỰ
Sau khi được học nghề, nhiều lao động nông thôn mạnh dạn đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất với quy mô lớn và đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: VĂN SỰ

Kết quả bước đầu

Năm 2013, sau khi học khóa đào tạo nghề trồng cây ăn quả, gia đình ông Nguyễn Kim Bằng ở thôn 3 Tiên Hiệp (Tiên Phước) cải tạo khu vườn, mua 60 cây thanh trà bản địa về trồng theo phương thức sản xuất hàng hóa. Nhờ thích hợp thổ nhưỡng, đặc biệt là áp dụng bài bản quy trình kỹ thuật nên vườn thanh trà của ông Bằng phát triển tốt, cho năng suất cao. Bình quân hàng năm, vườn thanh trà mang lại cho ông Bằng thu nhập không dưới 50 triệu đồng. Hàng nghìn hộ dân ở nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh cũng được các ngành, các cấp hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp. Từ đó, họ tìm được công việc làm phù hợp hoặc xây dựng các mô hình sản xuất nông - lâm - thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Mai Đình Lợi - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, để thực hiện hiệu quả đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2020” theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, 9 năm qua ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương của tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều khâu. Theo đó, từ tỉnh đến xã đều thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án. Hầu hết huyện, thị xã, thành phố đều xây dựng cụ thể chương trình, kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó có đào tạo nghề nông nghiệp. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý các cấp, các ngành cũng như nhân dân về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nghề nông nghiệp trong phát triển kinh tế nông thôn.

Để đáp ứng nhu cầu học nghề nông nghiệp đa dạng của lao động nông thôn, những năm qua Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng, phê duyệt, bổ sung các danh mục nghề đào tạo, định mức chi phí đào tạo. Đặc biệt, xây dựng chương trình, giáo trình dạy nghề đảm bảo phù hợp với nội dung, thời gian đào tạo so với yêu cầu của nghề đào tạo, đối tượng người học, đặc điểm vùng miền… nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác này. Ông Mai Đình Lợi nói: “Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, Quảng Nam đã chi hơn 20 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo 36 nghề nông nghiệp cho 24.079 lao động nông thôn. Sau khi được đào tạo nghề, khoảng 70 - 80% số lao động vừa nêu có được việc làm ổn định hoặc mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng hiệu quả quy trình kỹ thuật, từ đó nâng cao giá trị kinh tế”.

Còn nhiều hạn chế

Gắn đào tạo nghề nông nghiệp với thực hiện chương trình OCOP
 Trong 2 năm 2019 - 2020, Quảng Nam tiếp tục chi hơn 14,8 tỷ đồng để mở 230 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 8.285 lao động nông thôn. Để công tác này mang lại thành công, các ngành, các cơ quan liên quan cần sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, chế độ, định mức hỗ trợ thực hiện. Đồng thời rà soát, bổ sung danh mục đào tạo nghề nông nghiệp theo nhu cầu của các địa phương, tăng cường công tác khảo sát, nắm bắt nhu cầu, tư vấn hướng nghiệp, xác định ngành nghề đào tạo phù hợp.

Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn Quảng Nam giai đoạn 2010 - 2018 do Sở NN&PTNT tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng thực tế cho thấy công tác này vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế. Theo ông Mai Đình Lợi, một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đơn vị chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành. Cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả sau đào tạo nghề chưa thường xuyên. Ông Lợi nói thêm: “Trước đây, ngoài Trường Cao đẳng Dạy nghề Quảng Nam và Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam, cả tỉnh có 18 trung tâm dạy nghề cấp huyện, 10 cơ sở khác tham gia đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và được phân bố ở các địa phương. Nhờ vậy, cơ bản tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tham gia học nghề, nhất là tại những huyện miền núi. Tuy nhiên, năm 2017 UBND tỉnh giải thể các cơ sở dạy nghề là trung tâm giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp dạy nghề các huyện, thị xã, thành phố. Hiện trên địa bàn tỉnh chỉ còn 3 cơ sở đào tạo nghề nông nghiệp là Trung tâm Dạy nghề thanh niên Quảng Nam, Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm nông dân Quảng Nam”.

Nhìn chung, đội ngũ cán bộ quản lý, theo dõi công tác đào tạo nghề nông nghiệp ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn đặt ra do kiêm nhiệm nhiều việc nên theo dõi không xuyên suốt. Đặc biệt, họ chưa được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ có liên quan dẫn đến việc triển khai nhiệm vụ còn lúng túng từ khâu xác định nhu cầu, tư vấn, hướng nghiệp cho người lao động đến khâu lập và trình duyệt kế hoạch, tổ chức thực hiện, theo dõi lớp học... Ngoài ra, công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn ở nhiều địa phương, đơn vị cũng chưa được thực hiện một cách sâu rộng. Nhiều lao động nông thôn chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích, ý nghĩa của việc học nghề dẫn đến không ít người không tha thiết với học nghề, trong khi bản thân họ chưa có nghề và chưa có công việc làm ổn định.

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, thời gian qua công tác điều tra, khảo sát nhu cầu người học nghề ở nhiều địa phương chưa chính xác khiến việc lập kế hoạch hỗ trợ dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn hàng năm chưa sát đúng thực tế. Bà Arất Thị Hoa - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang cho rằng, các cơ sở dạy nghề chủ yếu đào tạo những gì mình có chứ chưa đào tạo theo nhu cầu địa phương cần. Nhiều ý kiến khác nêu thực trạng tổ chức đào tạo còn nặng về lý thuyết, thời gian thực hành rèn tay nghề cho người lao động chưa nhiều. Đặc biệt, việc đào tạo nghề theo hướng đào tạo cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ chiếm tỷ lệ thấp. Số lượng mô hình điển hình về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn quá ít. Việc kết hợp đào tạo nghề nông nghiệp với xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất, khuyến nông chưa nhiều. Cần nói thêm, những năm qua việc hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề nông nghiệp của các cơ sở đào tạo cũng còn rất thấp...

NGUYỄN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn: Chưa sát nhu cầu của địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO