Qua 2 năm triển khai đào tạo nghề cho lao động theo Quyết định 3577 của UBND tỉnh đã bộc lộ nhiều khó khăn cần tháo gỡ, trong đó sự phối hợp giữa các bên liên quan chưa chặt chẽ khiến công tác đào tạo đang bị chững lại.
|
Thực tế cho thấy việc triển khai Quyết định 3577 gặp nhiều khó khăn. Ảnh: D.L |
Lao động bỏ việc vì nhiều lý do
Đại diện cho cơ quan thường trực thực hiện Quyết định 3577 của UBND tỉnh, ông Nguyễn Thùy - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nhận xét, công tác đào tạo nghề trong năm 2018 chuyển động quá chậm, đến cuối tháng 3 mới mở lớp đào tạo nghề đầu tiên ở Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh. Ông Thùy cũng khẳng định, thực tế triển khai Quyết định 3577 trong thời gian qua, miền núi đạt kết quả tốt hơn đồng bằng, nên năm 2018 cần tập trung khu vực miền núi nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao nguồn nhân lực cho miền núi, góp phần giảm nghèo, chuyển dịch lao động (LĐ) trên địa bàn tỉnh từ miền núi đến với các khu, cụm công nghiệp ở đồng bằng.
Theo ông Mai Minh Nguyệt - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tiên Phước, cái khó mang tính “nút thắt” nằm ở chỗ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho LĐ. Doanh nghiệp (DN) khi mới tiếp nhận LĐ vào làm việc còn chưa muốn tham gia BHXH cho người LĐ ngay nên còn chần chừ. Người LĐ học xong đi làm mà không được đóng BHXH thì rất lo lắng, có người nghỉ việc, không đi làm tiếp. Khó cho địa phương là theo quy định thì có LĐ đi làm, được đóng BHXH rồi mới được thanh toán tiền hỗ trợ đào tạo nghề nên trục trặc trong việc hỗ trợ lại kinh phí cho người học nghề cũng như kinh phí cho cơ sở đào tạo. Còn ông Võ Văn Ba - Trưởng phòng LĐ-TB&XH Phước Sơn cho biết, thực tế xảy ra tại địa phương là LĐ đi làm nhưng thu nhập không cao nên không mặn mà. Người LĐ đi làm việc mà chỗ ăn ở không đảm bảo nên chán nản bỏ về. Ông Ba nói: “Khi thực hiện cơ chế chỉ có hỗ trợ cho LĐ và cơ sở đào tạo hoặc doanh nghiệp, còn người thực hiện không có nguồn kinh phí cho việc đi tuyên truyền, vận động LĐ học nghề nên gây khó cho địa phương. Tôi kiến nghị cần có nguồn kinh phí cho việc tuyên truyền cũng như quản lý LĐ”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quí Quý - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh nêu một thực tế rất đáng quan tâm. Đó là từ kết quả rà soát hộ nghèo năm 2017, hộ nào có con em đi làm có nguồn thu nhập, khi chia thu nhập bình quân đầu người trong gia đình thì hộ đó thoát khỏi hộ nghèo, thế là gia đình gọi con em trở về lại địa phương, thành người thất nghiệp để được hưởng hộ nghèo. Khi LĐ đi làm thì DN đóng BHXH, có trường hợp chính người LĐ không chịu đóng BHXH ở DN, vì đóng ở DN vừa tốn không khoản tiền vừa được chi trả thấp hơn khi đi khám chữa bệnh ở diện hộ nghèo. Ông Quý kiến nghị Sở LĐ-TB&XH và các địa phương cần vào cuộc tuyên truyền, giúp chấn chỉnh thực trạng này. “Khi LĐ đi làm việc ở DN thì DN trả lương ở tháng kế tiếp chứ không phải tháng làm việc, chính vì thế LĐ không có tiền mua đồ dùng cá nhân. Đối với nhà trường, trong năm 2017 phải chi ra khoảng 50 triệu đồng hỗ trợ các em thời gian đầu, đến nay chưa thu hồi được. Tôi kiến nghị cần thiết phải hỗ trợ ban đầu cho LĐ, giúp họ yên tâm, không bỏ về ngay khi đến DN chỉ vì khó khăn. Trong thực tế cả địa phương và DN chưa biết về Thông tư 58 của Bộ Tài chính, nên cần tuyên truyền mạnh, trong đó quy định Nhà nước hỗ trợ đóng thay các khoản BHXH cho người LĐ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Kinh phí này được hỗ trợ sẽ gỡ được “nút thắt” trong khâu đóng BHXH đối với LĐ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn” - ông Quý nói.
Với huyện Bắc Trà My, đại diện Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết thời gian qua đã đào tạo và đưa đến DN làm việc được 142 LĐ, nhưng vào thời điểm trước Tết Nguyên đán vừa qua, khi Phòng LĐ-TB&XH huyện đi thăm và kiểm tra thì chỉ còn 60 LĐ đang làm việc. LĐ bỏ việc vì nhiều lý do, trong đó có những khó khăn về ăn ở dưới đồng bằng. Việc tuyển sinh học nghề ngày càng khó khăn hơn, tuổi LĐ mà DN nhận phải đủ 18 tuổi trở lên. Nhưng ở Bắc Trà My, lực lượng LĐ dưới 18 tuổi nhiều, trên 18 tuổi nhiều LĐ có gia đình nên không chịu đi. LĐ dưới 18 tuổi học nghề ra thì DN không nhận, rất khó cho địa phương. LĐ khuyết tật cũng xin đi học, chỉ vài người, đưa đến DN không chịu nhận, nên cần có cơ chế cho LĐ khuyết tật để khuyến khích DN nhận LĐ diện này. Huyện Bắc Trà My mong rằng các cơ sở đào tạo cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, vì hiện tại ở huyện chỉ có Trường Thanh niên dân tộc miền núi đến làm việc, tuyển sinh, đào tạo nhiều trong khi các cơ sở đào tạo khác không vào cuộc.
Cần liên kết chặt chẽ hơn
Ông Mai Minh Nguyệt cho rằng muốn thực hiện công tác đào tạo nghề thành công thì nhà nước, nhà trường, DN cần xác định rõ ràng rằng 3 bên phải “bắt tay” chặt chẽ hơn. Cơ sở đào tạo cần xác định có tiếp tục vào cuộc đào tạo nghề theo Quyết định 3577 nữa hay không? DN khi ký cam kết nhận LĐ vào làm việc thì đóng BHXH ngay hay không? Các cơ quan, đơn vị nhà nước dù vào cuộc mà các đơn vị không phối hợp thì không thể nào thành công. Theo ông Nguyệt, nên đẩy mạnh việc giao cơ chế đào tạo nghề cho DN thực hiện sẽ hiệu quả hơn.
Trong quá trình thực hiện Quyết định 3577, các cơ sở đào tạo nghề cho rằng còn nhiều bất cập từ khâu tuyển sinh đến việc đưa LĐ đi làm. Đào tạo nghề theo cơ chế 3577 phù hợp miền núi hơn đồng bằng, nhưng để đưa được LĐ miền núi xuống đồng bằng lại là chuyện khó. Các địa phương cũng như cơ sở đào tạo đều cho rằng cần bắt tay chặt chẽ giữa 3 bên thì mới thực hiện được. Đầu vào chính là mối quan hệ của cơ sở đào tạo nghề với địa phương, đầu ra là quan hệ giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, cơ quan quản lý là phòng LĐ-TB&XH ở địa phương. Nơi nào có sự quan tâm của địa phương thì LĐ đi học nghề, đi làm việc đạt hơn. Hiện nay DN rất cần LĐ. Đơn cử, Trường Trung cấp Nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh vào cuối tháng 3 khai giảng khóa đào tạo đầu tiên của năm 2018, chỉ mời một số DN đến tham gia, nhưng vẫn có DN dù trường không mời cũng liên hệ tham gia tuyển dụng LĐ ngay sau khi học nghề. Điều này cho thấy nhu cầu LĐ rất cao nên thời gian tới cần đẩy mạnh đào tạo nghề, nhưng phải có sự phối hợp chặt chẽ nhằm đạt hiệu quả cao hơn.
Theo ông Nguyễn Quí Quý, trong việc thanh toán chi phí đào tạo không nhất thiết phải có danh sách xác nhận đóng BHXH cho LĐ của cơ quan BHXH, mà chỉ cần xác nhận của DN, trong đó có ghi số sổ đóng BHXH là được. Và cần giảm tỷ lệ LĐ ở miền núi được đóng BHXH để có thể được thanh toán chi phí (hiện nay quy định phải đạt từ 80% trở lên). Kinh phí cho người học nghề cần cho cơ sở đào tạo tạm ứng 100%, vì các trường không có nguồn phải lấy kinh phí đào tạo để chi trả chế độ của người LĐ. Cơ sở đào tạo cũng kiến nghị cần có một chính sách hỗ trợ qua kênh địa phương trực tiếp chi trả tốt hơn chứ không nên để cơ sở đào tạo chi trả. Công tác thông tin tuyên truyền cần thay đổi từ chính sách cơ chế sang người thực việc thực, cần thiết tổ chức đối thoại giữa LĐ chưa đi học nghề với LĐ đã đi học, đi làm để tác động mạnh hơn.
LÊ DIỄM