Diện tích đất của gia đình ông Lê Thiện Sáu được UBND huyện Duy Xuyên công nhận ít hơn so với diện tích đất vốn có trước 1975, khiến ông không đồng tình và làm đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng trong tỉnh...
Lập rào chắn không cho thi công
Trong đơn gửi Báo Quảng Nam, ông Lê Thiện Sáu trú tại khối phố Long Xuyên 2, thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên) trình bày: Trước năm 1975, cha ông là Lê Thiện Bình mua hai thửa đất ở của ông Lê Ngạt với diện tích 900m2. Năm 1983, UBND huyện đo đạc, tách diện tích đất của gia đình ông thành 2 thửa. Thửa 618, tờ bản đồ số 1 diện tích 736m2 loại đất thổ cư; thửa 656, tờ bản đồ số 1, diện tích 264m2 là loại đất lúa, liền kề với đất thổ cư do ông Bình đứng tên. Vợ chồng ông Sáu được ông Bình giao lại thửa số 656 để xây nhà ở với tổng diện tích hơn 200m2. Do cha mẹ tuổi già sức yếu nên giao lại cho ông quyền sử dụng 576,5m2 (kể cả đất mương làng Nhà nước cấp) để ở. Trong đó, 373,5m2 đất vườn nằm tại Cống Sa thuộc thửa 618, ông Sáu đã canh tác lúa, sen, rau muống, chuối sứ và đất ở hơn 200m2. Theo hiện trạng sử dụng, diện tích đất không hề có tranh chấp với các hộ liền kề. Đồng thời tại thửa đất trên, ông Bình cũng thống nhất tặng cho em ruột ông Sáu là Lê Thiện Hương với diện tích 398,5m2 hiện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thu hồi đất nhưng không đền bù thiệt hại về đất, hoa màu nên gia đình ông Sáu đã lập rào chắn không cho thi công. Ảnh: T.H |
Tháng 10.2013, khi giải phóng mặt bằng triển khai xây dựng dự án Khu phố chợ thị trấn Nam Phước, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư và xây dựng 569 đã thi công làm ảnh hưởng cây trồng nhưng không đền bù cho ông. Sau khi ông làm đơn khiếu nại, ngày 3.3.2014, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên đã có quyết định bác đơn khiếu nại của ông. Theo ông Sáu, nguyên thủy diện tích đất nằm kề nhà ở phía dưới Cống Sa, gia đình trồng sen, chuối, rau muống cải thiện đời sống. Khi giải phóng mặt bằng khu vực này, nhưng UBND huyện không có quyết định thu hồi đất, không đền bù thiệt hại cho gia đình ông, do đó ông lập rào ngăn cản không cho thi công, chờ các cơ quan chức năng của huyện giải quyết. “Đất đai gia đình tôi đang sử dụng có hồ sơ gốc hẳn hoi, lại sử dụng lâu dài không có tranh chấp với bất cứ ai” - ông Sáu phân trần. Cũng theo ông Sáu, thửa đất số 618 có diện tích 736m2, trong đó Nhà nước đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Hương - em trai ông là 389,5m2. Do đó, thửa 618 còn lại 337,5m2 và diện tích đất tại thửa 656 (theo bản đồ 299) mà cha ông đã tặng cho ông nhưng chưa được UBND huyện Duy Xuyên công nhận toàn bộ, chỉ mới cấp cho ông 113m2 đất ở.
Lỗi do kê khai, đăng ký?
Tổ thẩm tra xác minh nguồn gốc đất của UBND huyện Duy Xuyên cho rằng, diện tích còn lại tại thửa 618 (bản đồ địa chính 299, Nghị định 60/NĐ-CP) là thửa 384 và thửa 656 thuộc đất hành lang Cống Sa và đất hoang, ngập úng do Nhà nước quản lý. Theo Quyết định 363/QĐ-UBND, ngày 3.3.2014 của Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên về việc giải quyết khiếu nại của ông Lê Thiện Sáu, việc thi công Cống Sa trước và sau năm 1975, ông Bình kê khai đăng ký quyền sử dụng đất tại thửa 618 tờ bản đồ số 1, diện tích 600m2 (theo Chỉ thị 299); còn theo Nghị định 60/NĐ-CP tại thửa 384, tờ bản đồ 29, diện tích 481,1m2 và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu với diện tích 398,5m2. Diện tích này, ông Bình đã tặng cho con Lê Thiện Hương. Chính quyền địa phương nêu lý lẽ, giấy tặng cho quyền sử dụng đất lập ngày 27.5.2007 giữa ông Lê Thiện Bình với ông Sáu, ông Hương có diện tích 900m2 (trong đó ông Sáu được cho tặng với diện tích 501,5m2) là không có cơ sở để thừa nhận. Bởi lẽ, diện tích ông Bình đã kê khai, đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu chỉ có 398,5m2. Thửa 656, tờ bản đồ số 1, theo Nghị định số 60/NĐ-CP là thửa 284A và thửa 383 là đất hoang, ngập úng do Nhà nước quản lý. “Ông Bình mua lại đất với diện tích 900m2 là có thật. Tuy nhiên, ông chỉ mới kê khai 389,5m2. Do đó, ông Sáu khiếu nại và đề nghị xem xét về quyền sử dụng đất đối với hộ ông tại thửa 656 và một phần diện tích đất còn lại tại thửa 383 là không có cơ sở để thừa nhận” - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Nguyễn Công Dũng khẳng định.
Theo ông Nguyễn Văn Tư - cán bộ địa chính UBND thị trấn Nam Phước, sai sót là do gia đình ông Sáu trước đây không kê khai, đăng ký theo Chỉ thị 299 và Nghị định 64/CP. Như vậy, nguồn gốc đất đã quá rõ. Rắc rối ở chỗ, tại sao chính quyền địa phương thừa nhận hộ ông Bình trước đây đã mua 900m2 đất từ người khác, nhưng khi kê khai, đăng ký theo luật định thì diện tích được công nhận bị “teo tóp” lại? Sai sót này, do người dân, do cán bộ địa phương hay do nguyên nhân nào khác? Hy vọng, mọi việc sẽ được làm sáng tỏ khi Thanh tra tỉnh vào cuộc kiểm tra, xác minh...
TRẦN HỮU