Đất đai và sinh kế

TRUNG VIỆT 12/06/2023 06:58

Trả lời tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, việc thiếu đất ở và sản xuất của đồng bào miền núi là việc rất lớn. Năm 2019, nhu cầu về đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 24.000 hộ gia đình và 42.000 hộ gia đình cần đất sản xuất.

Sau khi tính toán, Ủy ban Dân tộc trình Chính phủ đưa ra mục tiêu đến năm 2025 giải quyết 60% đất ở cho người dân, còn lại giải quyết vào giai đoạn 2026 - 2030. Giai đoạn đầu sẽ tập trung vào nơi khó khăn nhất, nơi đồng bào chưa được hỗ trợ chính sách nào.

Việc thiếu đất sản xuất lẫn đất ở của đồng bào miền núi cũng là vấn đề bức thiết đặt ra cho các địa phương như Quảng Nam. Thôn A Duông (thị trấn Prao, Đông Giang) được đánh giá là địa phương còn giữ được nhiều nét văn hóa đặc trưng của người Cơ Tu; tự chủ sản xuất, tình trạng thiếu ăn không kéo dài như các thôn khác.

Thế nhưng người dân cho biết, nhiều nhà phải ở chung 3 thế hệ vì không có đất làm nhà riêng; đất sản xuất cũng eo hẹp. Tại đây người dân trồng keo khá nhiều, nhưng nỗi khổ của họ là không có đường dân sinh bởi địa hình hiểm trở. Tới mùa thu hoạch, chuyển được keo từ trên núi xuống ra tới nơi tập kết để bán, thì chi phí vận chuyển đã chiếm mất 1/3 giá thành.

Ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho rằng, mới đây, tỉnh có nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có nhấn mạnh vấn đề tập trung giải quyết đất sản xuất cho người dân. Nói điều đó là đúng, nhưng thực tế như ở Đông Giang, đất sản xuất lấy đâu ra mà giải quyết?

“Cần nhất là tạo sinh kế cho dân, bằng nhiều phương thức khác nhau, linh hoạt, hiệu quả, tùy vào điều kiện từng vùng để bà con làm ăn bền vững, chứ không phải là đất. Một khi đất không có, thì phải nghĩ chuyện làm thế nào cũng diện tích chừng đó, mà tạo giá trị cao, đáp ứng được nhu cầu sinh sống của bà con” - ông Đỗ Tài nói.

Tại Quảng Nam, sinh kế bền vững cho người miền núi là bài toán nan giải lâu nay. Điều kiện địa hình hiểm trở, nhu cầu làm đường giao thông, các công trình dân sinh đã chiếm phần lớn đất đai. Đừng nghĩ miền núi nhiều đất. Người một đông hơn, nhưng đất thì không nở ra, chưa nói ngày càng có nhiều vùng sụt lún, sạt lở; tìm đất tái định cư cho một làng là chuyện đau đầu.

Định cư phải đi kèm đất sản xuất. Mỗi gia đình một sào đất rẫy, với kiểu sản xuất chọc tỉa hay trồng keo, thử hỏi người dân lấy gì sống đủ? Thử đi về các bản làng vùng cao, sẽ thấy câu chuyện thiếu đất vì hết đất là có thật.

Để có thêm nguồn sinh kế cho người dân miền núi, tại diễn đàn Quốc hội trong phiên thảo luận tổ về tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án luật, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng, đối với vấn đề sử dụng môi trường rừng, môi trường dưới tán rừng đặc dụng, rừng phòng hộ để phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho người dân phát triển cây dược liệu dưới tán rừng, nhiều địa phương khi thực hiện bị vướng, trong đó có tỉnh Quảng Nam khi không được quy định trong Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp.

Vì vậy đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc, xem xét đưa nội dung này vào nghị quyết kỳ họp thứ 5 hoặc nghị quyết chất vấn để có hiệu lực triển khai ngay sau khi ban hành, nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân các địa phương, tạo sinh kế, bảo vệ môi trường rừng, đảm bảo kết hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong bối cảnh đất đai dành cho sản xuất và an cư ở miền núi ngày càng eo hẹp, và Quảng Nam đang nỗ lực giải quyết sinh kế cho người dân miền núi bằng những mô hình kinh tế dưới tán rừng, thì những đề xuất như trên được xem là rất bức thiết, cũng là cách “thoát hiểm” hiệu quả cho công tác giảm nghèo.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đất đai và sinh kế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO