(QNO) - Những ngày qua, chúng tôi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng liên tục xảy ra tai nạn thương tích khi xe máy lưu thông trên bờ đập thủy lợi Đông Tiển (xã Bình Trị, Thăng Bình).
Từ ngày có rọ đá, nhiều tai nạn xảy ra. Ảnh: P.N |
Thời gian gần đây, Chi nhánh Thủy lợi huyện Thăng Bình - đơn vị quản lý hồ đập đặt một rọ đá lớn giữa bờ đập, gây khó dễ cho người qua lại. Khối rọ đá cao khoảng 0,7m, dài hơn 1,5m, chắn ngang phân nửa chiều rộng bờ đập, lại gần khúc cua nên thường xuyên xảy ra tai nạn.
Ông Trần Trung Lộc (SN 1960, trú thôn Vinh Đông) cho biết, từ lúc có khối rọ đá này đã xảy ra 8 vụ tai nạn. Nạn nhân mới nhất là ông Đặng Quý (SN 1968, trú xã Bình Định Nam, Thăng Bình). Theo đó khoảng 17 giờ ngày 18.2, ông Quý điều khiển xe máy về nhà vợ ở xã Bình Trị. Đến đoạn đường trên thì va quẹt với rọ đá khiến ông ngã xuống đường bất tỉnh. Mãi đến 4 giờ sau mới có người phát hiện đưa ông đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam. Tại đây, ông được chẩn đoán bị tụ máu dưới màng cứng bán cầu phải, bắt buộc phẫu thuật và nằm viện điều trị dài ngày. Ông Quý khẳng định, vào thời điểm xảy ra tai nạn, ông hoàn toàn tỉnh táo, không hề say xỉn. Là lao động chính nên từ khi ông Quý bị tai nạn, gia đình lâm vào cảnh khốn khó.
Ông Đặng Quý bị thương vì rọ đá chắn ngang đường và đang điều trị tại Bệnh viên Đa khoa Quảng Nam. Ảnh: P.N |
Được biết, từ khi có đập Đông Tiển, đơn vị chủ quản đặt 2 thanh chắn ở 2 đầu thân đập nhằm hạn chế ô tô. Tuy nhiên, các xe tải tự dỡ để qua lại nên gác chắn không còn phát huy tác dụng. Cuối năm 2015, rọ đá được dựng lên, cũng với mục đích ngăn cản xe ô tô. Tuy nhiên biện pháp này lại gây ra hệ lụy.
Công trình hồ chứa nước Đông Tiển được xây dựng theo Quyết định số 3057/QĐ-UBND ngày 2.10.2007, khởi công vào năm 2008, hoàn thành năm 2010. Công trình do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư, tổng kinh phí 146 tỉ đồng. Hồ chứa có tổng dung tích hơn 7,6 triệu m3 nước, diện tích lưu vực hơn 8km2, đập chính của hồ dài gần 600m. Từ ngày công trình hoàn thành, bờ đập thường xuyên được người dân 2 xã Bình Trị và Bình Định Nam sử dụng đi lại, giao lưu mua bán. |
Ông Dương Văn Bảy (công an viên thôn Vinh Đông) cho biết, từ khi có rọ đá, ông và nhiều người dân góp ý với xã về “điểm đen” mất an toàn giao thông này. Sau đó, UBND xã Bình Trị thông báo trên loa truyền thanh để người dân biết và cảnh giác khi đi vào đoạn đường trên. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có tác dụng với người dân địa phương; còn người từ nơi khác đến không lường trước được chướng ngại vật nên thường xuyên xảy ra tai nạn. “Thay vì đặt rọ đá giữa đường, tôi nghĩ đơn vị quản lý hồ nên gia cố lại thanh chắn cho cứng cáp hơn để ngăn cản ô tô. Có vậy người đi xe máy mới tránh được hiểm họa” - ông Bảy nói.
Việc đặt rọ đá gây khó dễ cho người đi xe máy. Ảnh: P.N |
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Phú Hải - Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi huyện Thăng Bình cho biết, thời gian qua nhiều xe tải chở gỗ keo từ phía thượng lưu theo bờ đập về xuôi gây mất an toàn thân đập. Vì thế vào đầu mùa mưa năm 2015, đơn vị đặt rọ đá để ngăn cản xe ô tô lưu thông và chỉ chừa đủ hành lang cho người đi bộ, xe máy và xe thô sơ qua lại. Đơn vị quản lý đập cũng đã đặt biển cảnh báo ở 2 đầu vị trí rọ đá. Thế nhưng, nhiều người đi xe máy do chủ quan không quan sát hoặc say xỉn nên mới va vào rọ đá và tự ngã.
Hồ đập Đông Tiển phục vụ tưới tiêu hoa màu, nuôi trồng thủy sản, cấp nước sinh hoạt, kết hợp giao thông nông thôn, du lịch và cải tạo môi trường sinh thái. Việc nhân dân đi lại trên bờ đập hoàn toàn được phép. Tuy nhiên, nếu không cho phép ô tô tải lưu thông, đơn vị chủ quản cần có biện pháp cắm biển báo và đặt thanh chắn hợp lý hơn. Việc đặt rọ đá giữa đường gây mất an toàn cho người đi xe máy, tiềm tàng ẩn họa.
PHƯƠNG NAM