Dấu xưa Tam Kỳ

PHÚ BÌNH 25/03/2020 05:57

Một câu ca địa phương nói về vùng đất phía tây bắc sông Tam Kỳ - đoạn gần ngã ba sông - liệt kê ba địa danh “Tam Kỳ, Chợ Vạn, Thầu Đâu”. Ba nơi ấy đều nằm trong địa giới xã Tam Kỳ - được thành lập vào khoảng đầu thế kỷ 17. Hiện còn nhiều tư liệu chữ Nho liên quan đến ba địa danh này có thể giúp biết thêm nhiều điều về một xã từng được chọn làm lỵ sở của phủ Tam Kỳ thời xưa.

Trên dòng sông Tam Kỳ (đoạn đi qua trước đình làng Hương Trà, Hòa Hương, Tam Kỳ). Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC
Trên dòng sông Tam Kỳ (đoạn đi qua trước đình làng Hương Trà, Hòa Hương, Tam Kỳ). Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Xóm Thầu Đâu - Man Suối Đá

Xóm Thầu Đâu (nay là vùng ngã tư Nam Ngãi, TP.Tam Kỳ) xưa trồng khá nhiều cây thầu đâu (sầu đông). Băng qua xóm là đoạn đường thiên lý có hai cống đá thoát nước cho hai nhánh của dòng chảy từ xã Bình An Bạch Câu (sau đổi tên thành xã Dưỡng An) phía tây nam đường thiên lý đổ xuống sông Phước Xuyên (sau gọi là Bàn Thạch). Hai cống này được xây từ đầu thế kỷ 19 lúc Triều Nguyễn cho mở rộng đường thiên lý về phía Nam.

Thời các chúa Nguyễn - Đàng Trong, nơi này có điểm dừng chân (quán) bên dòng suối có cầu ván bắc qua từng được sách Phủ biên tạp lục của học giả Lê Quý Đôn ghi chép như sau: “từ  chợ Chiên Đàn qua quán Suối Đá - suối có cầu ván - đến sông Tam Kỳ, quán Phú Khang đến sông Bầu Bầu hết một ngày” (Phủ biên tạp lục, bản dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1964).

Các tư liệu hiện còn ở một số gia tộc tại vùng Tam Kỳ ghi rõ Suối Đá là tên gọi của một “man” (đơn vị hành chính tương đương thôn - NV). Trên bia mộ ông Nguyễn Phước Doãn - một trong 7 vị tiền hiền thôn Tứ chánh Bàn Thạch hiện an vị ở nghĩa trang Gò Trầu, xã Tam Xuân I (Núi Thành) ghi nơi ở của ông trước khi qua đời là “Suối Đá man”.

Về sau, tên nôm Suối Đá đổi sang chữ Nho là Thạch Tuyền. Các bài văn cúng ở vùng này đều khấn tên “xứ Thạch Tuyền”. Trên bài minh ở đầu mộ bà họ Nguyễn, hiệu Thục Đức (mộ ở phía sau Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, phường An Xuân, TP.Tam Kỳ, sau năm 2000 dời lên nghĩa trang Gò Trầu, Tam Xuân I) cũng ghi nơi an táng là “Thạch Tuyền xứ chi nguyên” (ven dòng chảy xứ Thạch Tuyền).

Mặt A và B tờ đơn năm 1913 của dân xã Tam Kỳ khiếu nại dân thôn Tứ Bàn có đóng dấu triện của Ty Bố chính sứ tỉnh Quảng Nam. Ảnh: PHÚ BÌNH
Mặt A và B tờ đơn năm 1913 của dân xã Tam Kỳ khiếu nại dân thôn Tứ Bàn có đóng dấu triện của Ty Bố chính sứ tỉnh Quảng Nam. Ảnh: PHÚ BÌNH

Nhưng trong các văn bản chữ Nho còn lưu ở địa phương mà người viết được đọc, lại dùng địa hiệu “Tuyền Thạch man” để định danh vùng này. Về sau, tên Tuyền Thạch lại đổi thành Bàn Thạch. Hiện còn khá nhiều văn bản hành chính và bia mộ có xuất xứ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 ghi tên “Bàn Thạch man” để chỉ một đơn vị hành chính trực thuộc làng/xã Tam Kỳ, rồi về sau tách ra thành thôn riêng với tên đầy đủ là “Tứ chánh Bàn Thạch thôn” - nơi có ngôi Chợ Vạn nổi tiếng khắp Nam Quảng Nam.

Vụ kiện giành Chợ Vạn

Căn cứ vào bản chính chữ Nho cuốn Địa bạ thôn Tứ chánh Bàn Thạch hiện lưu ở tộc Hồ - một trong 7 tộc tiền hiền của thôn này, được biết việc “biệt lập thôn hiệu” nói trên được hoàn tất vào năm thứ nhất niên hiệu Khải Định - 1916.

Trước khi tách riêng, thôn Tứ chánh Bàn Thạch (được gọi tắt là Tứ Bàn) là một đơn vị hành chính trực thuộc; nộp thuế và chịu mọi sưu dịch theo sự quản lý của xã Tam Kỳ - địa phương được chọn đặt lỵ sở phủ đường phủ Tam Kỳ.

Từ ngày tách thành thôn biệt lập, các khoản thuế thu được từ Chợ Vạn - ngôi chợ sầm uất nhất của vùng Nam Quảng Nam được thôn Tứ Bàn nạp thẳng đến phủ đường Tam Kỳ mà không thông qua xã Tam Kỳ nữa.

Trước đó, hào lý xã Tam Kỳ đã làm đơn khiếu kiện xin trả ấn triện, bộ điền, bộ thuế và đồng loạt xin trả chức nếu quan phủ Tam Kỳ, quan đại lý Pháp ở Tam Kỳ cùng các cấp chính quyền Nam triều và Pháp ở tỉnh Quảng Nam và Hội An chấp thuận cho thôn Tứ Bàn tách riêng. Nguyên nhân là do họ sợ rằng sau khi Tứ Bàn - nơi có Chợ Vạn với đa số dân buôn bán tách riêng, xã Tam Kỳ sẽ hụt mất một nguồn thu chủ yếu để đóng thuế theo phân bổ và số dân nông còn lại trong xã sẽ phải đóng thuế nhiều hơn.

Cùng với đó, hào lý xã Tam Kỳ lục giấy tờ cũ, truy nguyên nguồn gốc xác nhận tổ tiên dân xã Tam Kỳ mới là người thành lập Chợ Vạn. Còn tiền nhân lập thôn Tứ Bàn chỉ là dân ở tứ xứ (tứ chánh/tứ chiếng) đến sau, ngụ cư buôn bán. Về sau dân tứ xứ này có tiền mua đất và xin trưng khẩn vùng đất bãi sông Phước Xuyên/Bàn Thạch lập thôn.

Để phản bác, dân thôn Tứ Bàn - đa số buôn bán ở Chợ Vạn cũng trưng bằng cớ chứng minh tiền hiền 7 phái Hồ, Huỳnh, Trần, Nguyễn, Đỗ, Đinh, Lê của họ mới là những người có công đầu lập ra Chợ Vạn.

Vụ kiện tụng này kéo dài gần chín, mười năm, đến năm Khải Định nguyên niên - 1916 mới kết thúc khi chính quyền Nam triều và Pháp ở tỉnh chỉ thị cho Phủ Tam Kỳ và Tòa Đại lý Tam Kỳ cho thôn Tứ Bàn được tách khỏi xã Tam Kỳ để lập địa bạ và bộ thuế riêng; đồng thời cho nộp thuế theo chế độ thu thuế dành cho các địa phương có hoạt động buôn bán lớn - như các vùng “quốc gia nhượng địa” (từ dùng trong tư liệu chữ Nho hiện còn - NV) Đà Nẵng và Hội An.

Xã Tam Kỳ với ngã ba sông

Vị trí xã Tam Kỳ hồi đầu thế kỷ 19 được địa bạ Gia Long ghi “đông giáp xã Phú Hưng lấy bờ ruộng làm giới/ tây giáp xã Đá Bạc và xã Bình An Bạch Câu, xã Phú Lân Trung, lập cột đá làm giới/ nam giáp xã Phú Hưng, lấy bờ ruộng làm giới/ bắc giáp sông và xã Phú Hưng”.

Đoạn mô tả tứ cận trên được dẫn theo bản dịch Địa bạ triều Nguyễn phần “dinh Quảng Nam” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu ở TP.Hồ Chí Minh, xuất bản năm 2010.

Đối chiếu với thực địa, có thể biết xã Phú Hưng xưa hiện nay thuộc vùng huyện Núi Thành, sát bờ nam sông Tam Kỳ. Còn xã Bình An Bạch Câu về sau đổi tên thành Dưỡng An; xã Đá Bạc đổi tên thành xã Mỹ Thạch; xã Phú Lân Trung đến đầu thế kỷ 20 đã mất tên. Địa giới 3 xã lân cận kê trên, nay thuộc các phường An Sơn, Tân Thạnh và xã Tam Ngọc. Còn phạm vi xã Tam Kỳ thời Gia Long bao gồm vùng đất nay là các phường Hòa Hương, Phước Hòa, An Xuân và An Mỹ.

Địa giới xã Tam Kỳ hồi đầu thế kỷ 19 gần như không đổi đến đầu thế kỷ 20, nhưng địa mạo đã thay đổi nhiều! Dòng chảy sông Tam Kỳ do lũ lụt thường xuyên đã bị đổi hướng: một nhánh chảy về hướng bắc bị bồi lấp thành ruộng (nay là cánh đồng của phường Hòa Hương, nằm hai bên đường Nam Quảng Nam); do vậy, nhánh chảy về hướng đông đã được mở rộng thêm.

Dòng chảy mới làm cho một phần đất của làng Phú Hưng bị cắt sang địa giới xã Tam Kỳ. Đó là lý do tại sao một rẻo đất phía đông của xã Tam Kỳ trước năm 1945 (xóm Phú Lộc) lại được ghi trong trích lục ruộng đất là “thuộc bộ làng cũ Phú Hưng”.

Do dòng chảy thay đổi, ngã ba sông ở nhánh chính bị bồi lấp; ngã ba sông cuối dòng chảy về phía đông còn lại được mở rộng như hiện nay (còn gọi là khu vực đò Ba Bến). Nhưng, dù ngã ba sông có thay đổi, tên gọi Tam Kỳ vẫn mang đúng ý nghĩa “vùng đất có ngã ba sông” như nhiều tên “Tam Kỳ” chỉ các vùng có ngã ba sông khác trong cả nước từng được bộ sử Đại Nam thực lục ghi lại.

Gần vùng ngã ba sông Tam Kỳ cũ (gọi là xứ Bãi Sơn) là nơi an táng hai vị đồng tiền hiền của xã Tam Kỳ: mộ ông Nguyễn Đăng Vinh - nguyên quán xã Ngọc Lâm và mộ ông Trần Văn Nghiêm - nguyên quán xã Kim Chuyết/Chuế. Hai xã trên đều thuộc huyện Hoằng Hóa, phủ Hà Trung, xứ Thanh Hóa.

Theo gia phả của tộc Trần: ông Trần Cảnh Lan (ông nội) và ông Trần Cảnh Huệ (ông nội chú) của ông Trần Văn Nghiêm mới là hai vị đầu tiên từ Thanh Hóa vào vùng ngã ba sông Tam Kỳ lập nên địa hiệu “vi tử Tam Kỳ”, tiền thân của “vi tử Tam Kỳ tân lập xã” về sau đổi thành “xã Tam Kỳ”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu xưa Tam Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO